a. Kết quả chính và đóng góp mới của luận án
- Mỗi năm thế giới có hơn 1,5 triệu người tử vong và khoảng 55 triệu người bị thương vì TNGT, trong đó TNGTĐB chiếm 90÷96%; Ở Việt Nam mỗi năm TNGTĐB làm tử vong hơn 10.000 người và khoảng 20.000 người bị thương, gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và hậu quả xã hội nghiêm trọng. Qua phân tích và tổng hợp các công trình nghiên cứu của nước ngoài và trong nước về TNGTĐB, thiệt hại do TNGTĐB cho thấy hiện nay chưa có nghiên cứu toàn diện và đầy đủ về vấn đề này, chưa có phương pháp chính xác đánh giá thiệt hại do TNGTĐB. Do vậy cần có nghiên cứu thêm để hoàn thiện và bổ xung vào cơ sở lý luận tính toán thiệt hại về KTXH do TNGTĐB gây ra ở Việt Nam.
- Qua nghiên cứu, phân tích kết quả đánh giá thiệt hại TNGTĐB của các nước và dựa vào tình hình thực tế KTXH của nước ta, đã lựa chọn phương pháp tính tổng giá trị đầu ra để đánh giá thiệt hại do TNGTĐB gây ra. Các thành phần chi phí cơ bản cấu thành nên tổng chi phí bao gồm chi phí thiệt hại tài sản vật chất, chi phí hành
chính, chi phí cho điều trị và thuốc men, chi phí do tổn thất giá trị đầu ra và chi phí do mất mát giá trị cuộc sống con người.
- Từ số liệu thống kê, đã nghiên cứu và tổng hợp tình hình TNGTĐB trên thế giới và nước ta hiện nay. Để đánh giá mức độ ATGTĐB và thiệt hại do TNGTĐB thì việc đánh giá theo mức độ thiệt hại là quan trọng nhất. Theo quan điểm thiệt hại về con người, phải dùng ba chỉ tiêu đánh giá mức độ, đó là số người tử vong/ 100.000 người dân, số người tử vong/ 100.000 phương tiện cơ giới và số người tử vong/ 1.000.000.000 hành khách.km hoặc phương tiện.km.
- Dựa vào số liệu thống kê TNGTĐB năm 2019, tính được tổng thiệt hại do TNGTĐB gây ra bằng 0,453% GDP ( GDP quốc nội năm 2019 của Việt Nam là 263 tỷ Usd). Đây là con số nhỏ hơn rất nhiều so với ước tính của các tổ chức quốc tế về thiệt hại do TNGTĐB của Việt Nam năm 2019 là 2,5% GDP.
- Đã xây dựng các tiêu chí đánh giá, mô hình lý thuyết tổng quát và mô hình toán học để xác định thiệt hại do TNGTĐB gây ra. Theo mô hình được đề xuất có thể tính toán được thiệt hại do từng vụ tai nạn bằng phương pháp tổng giá trị đầu ra và thiệt hại do ùn tắc giao thông vì TNGTĐB của số lượng các vụ tai nạn được thống kê báo cáo về các cơ quan quản lý nhà nước. Xây dựng sơ đồ thuật toán và chương trình tính toán để xác định thiệt hại do TNGTĐB theo mô hình toán học đã thiết lập.
b. Kiến nghị
- Cần củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về TNGT trong cả nước, từ các tỉnh thành phố đến Bộ Công An và Ủy ban ATGT quốc gia; Liên thông số liệu của các cơ sở y tế, cơ quan Công an, Ủy ban ATGT các tỉnh, thành phố và Ủy ban ATGT quốc gia.
- Hàng năm cần tiến hành đánh giá thiệt hại kinh tế - xã hội do TNGTĐB gây ra nhằm đưa ra những giải pháp đảm bảo ATGT đồng thời đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư cho ATGT đã và đang thực hiện.
- Cần tiến hành xây dựng mới, bổ sung, chỉnh sửa các văn bản pháp luật về bảo hiểm con người, phương tiện cũng như bồi thường thiệt hại về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ do TNGTĐB gây nên; Hướng dẫn các thủ tục bồi thường thiệt hại, hưởng bảo hiểm cụ thể, dễ thực hiện và sát với thực tế.
- Xây dựng bổ xung sửa đổi các bộ luật có liên quan đến an toàn giao thông đường bộ (trước mắt là sửa đổi luật giao thông đường bộ). Đây là công cụ rất quan trọng nhằm nâng cao một bước về ATGTĐB, qui định cụ thể chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo trật tự, ATGTĐB; Làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan khi số vụ TNGTĐB xảy ra vẫn ở mức cao và rất nghiêm trọng.