Giải pháp cụ thể

Một phần của tài liệu tiểu luận ảnh hưởng của nhóm lợi ích trong tham nhũng chính sách (Trang 32 - 37)

4. Phạm vi nghiên cứu

3.2. Giải pháp cụ thể

- Kiểm soát hoạt động của các nhóm lợi ích

Các nhóm lợi ích cũng có thể đem lại những lợi ích cho xã hội khi tham gia vào quá trình hoạch định chính sách nếu các ảnh hưởng tiêu cực của nó được ngăn chặn. Theo đó, để tránh những tác động tiêu cực của các nhóm, nhà nước cần ban hành các quy định, luật lệ để điều tiết hoạt động này, tùy thuộc vào môi trường chính trị, cấu trúc tổ chức bộ máy nhà nước của từng quốc gia.

Về mặt thể chế, các nước tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, nên xây dựng một đạo luật điều chỉnh hoạt động vận động chính sách của các nhóm lợi ích nhằm đưa các hoạt động này vào khuôn khổ, hạn chế những tác động tiêu cực, ngăn ngừa sự móc nối, bắt tay giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhóm vận động dẫn đến tham nhũng. Giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát các hoạt động vận động hành lang là đặt các hoạt động này dưới ánh sáng của sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tốt nhất là áp dụng một hệ thống đăng ký cho phép công khai tên của các công ty, các nhà vận động hành lang, tên của các khách hàng mà họ nhận giúp đỡ, các nội dung vận động, mục đích vận động, kỹ thuật vận động được sử dụng, cũng như các thông tin liên quan đến tài chính phục vụ cho quá trình này. Cùng với nó là một cơ chế giám sát chặt chẽ và một hệ thống trừng phạt nghiêm minh khi có sai phạm.

Từ kinh nghiệm kiểm soát hoạt động vận động hành lang của các nhóm lợi ích của Đài Loan cho thấy, để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã yêu cầu tất cả các nhà vận động hành lang phải đăng ký hoạt động, công bố công khai các khoản chi tiêu cho hoạt động vận động của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các quan chức cũng phải báo cáo về các cuộc tiếp xúc của bản thân với các nhà vận động hành lang trong vòng 7 ngày kể từ khi cuộc tiếp xúc diễn ra. Ngoài ra, để tránh nguy cơ thao túng chính sách, Đài Loan cũng yêu cầu một số chức danh quyền lực sau khi nghỉ hưu, hoặc sau khi rời bỏ vị trí quyền lực không được phép tham gia hoạt động vận động hành lang như: Tổng thống, Phó tổng thống, những người được bổ nhiệm về chính trị (gồm các bộ trưởng, thứ trưởng…), những người đứng đầu chính quyền các địa phương. Những người này sẽ không được phép tham gia vận động hành lang trực tiếp, hoặc gián tiếp dưới danh nghĩa người khác trong ít nhất 3 năm sau khi họ rời nhiệm sở.

- Đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của các bộ máy công quyền. Bởi lẽ, nếu trong hoạt động của bộ máy công quyền còn nhiều điểm tối, không rõ ràng, thì lợi ích nhóm còn có cơ hội hình thành. Do vậy, công khai, minh bạch các hoạt động của bộ máy công quyền là một trong những giải pháp làm cho lợi ích nhóm ít có cơ hội hình thành, phát triển.

- Kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là phải tăng cường kiểm tra chéo các hoạt động công vụ nhằm ngăn chặn khả năng hình thành lợi ích nhóm.

- Kê khai tài chính của bản thân và của gia đình của cán bộ, công chức; kê khai thường xuyên hàng năm, bảo đảm minh bạch các nguồn thu nhập của mọi người.

- Nâng cao mức lương cho công chức. Lương của công chức thể hiện đủ để cán bộ có thể sống được bằng lương và thể hiện danh dự của người công chức sẵn sàng cống hiến cho Nhà nước và hết lòng phục vụ nhân dân.

PHẦN KẾT LUẬN

“Lợi ích nhóm” là một trong những nguyên nhân to lớn dẫn đến vấn đề tham nhũng trong chính sách ở nước ta hiện nay. Dưới tác động của “nhóm lợi ích”, chính sách bị biến dạng, méo mó. Tài sản, ngân sách nhà nước bị thất thoát, lãng phí. Cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm nảy sinh những mâu thuẫn trong Đảng và xã hội. Đặc biệt, niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước bị giảm sút, tạo cơ hội cho những phần tử chống đối, phản động nổi dậy chống phá, xuyên tạc tình hình đất nước. Đây là những nguy cơ to lớn đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Tuy đã có những giải pháp tạm thời nhằm kiểm soát, ngăn chặn những tác động tiêu cực từ “Lợi ích nhóm” nhưng vẫn không thể xóa bỏ hoàn toàn những ảnh hưởng của lợi ích nhóm đến quá trình hoạch định và ban hành chính sách từ đó tạo thành tham nhũng trong chính sách.

Ở nước ta nhóm lợi ích tiêu cực đang gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội, với hệ lụy khó lường lên không chỉ việc hoạch định và thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội mà lên toàn bộ sự phát triển của xã hội. Nếu không ngăn chặn tích cực và hiệu quả, những hệ lụy đó sẽ cộng hưởng lên trong thời gian tới và khủng hoảng xã hội sẽ bắt đầu mạnh lên nhanh chóng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. GS,TS Dương Xuân Ngọc, giáo trình Tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trong chính sách, khoa Chính trị học, Hv Báo chí và Tuyên truyền.

2. Phan Xuân Sơn, ThS Phạm Thế Lực (Đồng chủ biên) (2008): Nhận diện tham nhũng và các giải pháp phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Nxb CTQG.

3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(2010)Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005; sửa đổi, bổ sung năm 2007, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Lương Đình Hải, Tác động của nhóm lợi ích ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội, số 4-2015.

5. Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015.

6. Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.

7. Nguyễn Thị Mai Hoa, “Kiểm soát lợi ích nhóm - tiếp cận từ góc độ giám sát quyền lực nhà nước”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 11,2013.

8. Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Chu Hồng Thanh, Vũ Công Giao (đồng chủ biên), Lý luận và pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2013. 9. Ban Nội chính Trung ương, Một số văn bản của Đảng về phòng chống tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

10. Viện Khoa học Thanh tra, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, NXB. Tư pháp, Hà Nội, 2004.

Một phần của tài liệu tiểu luận ảnh hưởng của nhóm lợi ích trong tham nhũng chính sách (Trang 32 - 37)