Thơ tượng trưng siêu thực của Nguyễn Quang Thiều:

Một phần của tài liệu KHUYNH HƯỚNG TƯỢNG TRƯNG SIÊU THỰC TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ (Trang 29 - 34)

Sau năm 1975 có thể nói sự xuất hiện của yếu tố siêu thực trong thơ Việt Nam đương đại về mặt lịch sử là một sự tái hiện, trở lại truyền thống đã được kiến tạo từ Thơ mới.Về tổng quan, những sáng tác mang nhiều yếu tố siêu thực có thể nhận thấy trong thơ của rất nhiều tác giả Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Nguyễn Lương Ngọc, Thanh Thảo, Mai Văn Phấn... và một tác giả tiêu biểu không thể không nhắc tới nữa đó là Nguyễn Quang Thiều.

Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ tiêu biểu đương đại với bút pháp hiện đại mới, một giọng điệu rất riêng, đặc trưng Nguyễn Quang Thiều. Ông có thể trình bày bằng thơ ngay cả những điều tưởng chừng khó diễn đạt. Tính ước lệ trong thơ ông luôn luôn chuyển động. Thi ảnh lớp chồng lên lớp mà vẫn khúc triết, sáng rõ và cuốn hút. Ông thoát ra khỏi những tư duy trực quan, duy mỹ mà các nhà thơ cùng thế hệ ông hầu hết chưa thoát ra. Là một cây bút tiêu biểu của khuynh hướng thơ đi sâu vào những vùng mỏ tâm linh đậm chất tượng trưng, siêu thực.

Từ góc độ tư duy thơ, có thể thấy, những hoạt lực tinh thần kiến tạo thế giới nghệ thuật của ông có cơ sở xuất phát từ những phản ứng với thực tại, nghệ thuật, lí trí đang hiện diện phổ biến trong đời sống nhưng đã mất dần sức thuyết phục, hấp dẫn. Trong thơ của ông, những hình ảnh, những cấu trúc ngẫu nhiên, những kết hợp bất ngờ, những hương vị xa lạ... bỗng xuất hiện như là sự tuyên cáo về tính hợp thức của một trật tự mới. Trật tự ấy bao gồm hiện thực trực cảm,

phi lí, những ảnh tượng của giấc mơ, huyền bí, lạ lẫm với kinh nghiệm thông thường.

Chúng ta biết rằng, theo chủ trương của các nhà siêu thực là thơ khước từ sự chú giải, phân tích. Trực giác được phát huy trong kiến tạo thi giới đồng thời còn tiếp tục đặt ra yêu cầu đối với việc cảm nhận. Sự trống rỗng của tinh thần như một cơ thể thiếu đói cần phải nạp ngay năng lượng. Cơn thèm, sự thể nghiệm ấy cũng là một cách thức để phản ứng lại những trật tự khô cứng, mòn mỏi hay đang chết trong nỗi trì trệ của tồn tại.

Thơ của Nguyễn Quang Thiều lại trở về với những phức cảm của cái tôi bản thể. Cái tôi nhìn đời sống, sự sống trong tính toàn vẹn của nó, trong những nhu cầu thiết yếu, phổ quát của nhân loại. Sống nghĩa là được tự do, mà trước hết là tự do sở hữu chính bản thân mình. Điều đó cho phép những dữ kiện của vô thức, tiềm thức, giấc mơ, ham muốn, sự tưởng tượng, phi lí, ngẫu nhiên, nghịch luận... vận hành. Thơ Nguyễn Quang Thiều sau 1975 là sự trở lại mạnh mẽ của những yếu tố siêu thực như là một thái độ, một phương cách để chứng minh sự hiện hữu của chủ thể:

Hỡi mặt trời/ Ta không sao chịu nổi/ Lại một con sóng buồn vừa chết trước ta/ Và đâu đó từ những chân trời nước/ Từ những bãi tha ma biển/ Từ những con đường mòn của bầy cá lạ/ Vọng về bài ca hoàng hôn nước/ Và lúc này hơn mọi lúc nào/ Lúc mặt trời úp mặt vào biển/ Ta vẫn bước đi, bước đi/ Cát vẫn chảy mải miết qua cổ họng ta/ Bầu trời mặt biển trên đầu ta cao mãi/ Ta lẫn vào những đàn cá lưu lạc/ Vừa bơi vừa ngân lên khúc hát gọi bầy/ Cho đến khi ta nằm xuống như một đứa trẻ/ Trong mộng mị xa xăm giấc ngủ chiều/ Ta thức giấc khi mặt trời chạm vào mặt biển/ Và ngoi lên mặt nước/ Vây tóc ta bạc trắng/ Ta cất tiếng gọi bến bờ của ta bằng tiếng cá/ Trong hoàng hôn nước màu huyết dụ/ Có một bài ca lưu lạc tìm về.

(Xô-nát hoàng hôn biển – Nguyễn Quang Thiều)

Nguyễn Quang Thiều hát bài hát lưu lạc trở về trong cơn mộng mị xa xăm của giấc ngủ chiều, trong nỗi mơ hồ thấy mình là cá cất tiếng gọi bến bờ cũng là

những tượng trưng. Trong thi giới của Nguyễn Quang Thiều, nước trở thành một biểu tượng, một “cổ mẫu” đã hằn sâu trong kí ức của những người sinh ra nơi lưu vực các dòng sông. Sự trở về trong giấc mơ hay huyễn tưởng này nhắc nhở con người về khởi nguyên của sự sống, cũng là nơi con người bắt đầu sự lưu lạc. Lưu lạc đến nỗi quên mất nguồn cội, thậm chí “tha hóa” thành những cái xa lạ với khởi nguyên. Nguyễn Quang Thiều có nhiều giấc mơ. Những giấc mơ khổ ải hơn là huyền nhiệm bởi ám ảnh không nguôi về sự sống, sự tha hóa, đổ vỡ của những giá trị. Chất chứa trong thi giới Nguyễn Quang Thiều là khát vọng nhân văn, về lẽ sống, tương lai của con người, của dân tộc trong nỗi hoang mang của sự đổ vỡ và tiêu vong.

Trong “Chuyển dịch màu đen” (tập Nhịp điệu châu thổ mới), chỉ hai biểu tượng tối giản là “mầu đen” và “mầu trắng” tác giả đã biểu đạt một hiện thực đặc biệt của đất nước ta, về số phận những kẻ vì mưu sinh phải sống tha hương, về những mối quan hệ lớn lao có tính dân tộc không thể hoà tan trộn lẫn được, về sự biển đổi tất yếu đã làm thay đổi cả diện mạo thế giới trong thập kỷ đầy sôi động vừa qua, thập kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ này.

Trong “Nhịp điệu châu thổ mới”, bài thứ hai, khi tượng trưng hóa mọi cảnh vật, mọi sự việc, Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên một thế giới của trí tưởng tượng, mà ở đó không có ranh giới giữa sự sống và cái chết, tất cả đều là sinh thể, tất cả đều có linh hồn. Về mặt này, về sự phong phú của trí tưởng tượng, có lẽ Nguyễn Quang Thiều được xếp đầu bảng, anh đúng thực là nhà thơ có trí tưởng tượng phong phú nhất, kỳ lạ nhất. Qua con mắt của một đứa trẻ, cuộc tiễn đưa cái chết của người bà nội được dựng lên như một hành trình về một xứ sở kỳ lạ;ở đó “Nến được đốt lên sớm hơn mọi thế kỷ”, ở đó có “Vầng dương thổn thức trên cánh đồng vải liệm thơm tho”, nơi người bà “Thường bay qua cánh đồng mỗi ngày cuối chiều... Khâu lặng lẽ những hơi thở rách”, nơi tất cả đều mang một đời sống mới từ “Ngôi nhà”, “Chiếc giường”, “Dây phơi” đến “Ngọn đèn”...; và cái chết cũng không phải chỉ là cái chết mà là sự gieo cấy một sứ mệnh mới, một sứ mệnh thiêng liêng: “Thổ ngữ gieo từ bàn tay Người Nông Dân Già vào tay cậu

bé. Cậu bé chầm chậm mở vương quốc của mình” ;rồi từ đó là “Tuôn chảy một dòng sông”, là “Mọc lên một quả đồi”, là “Mở ra một con đường”, rồi “Một cây cầu” được dựng lên mà đứa bé “Như một trụ cầu mọc lên để đỡ lấy một giọng nói”...

Còn bài thứ ba: “Nhân chứng của một cái chết” trong tập mới nhất “Bài ca những con chim đêm”. Qua cái biến cố một thị xã ngập nước, tác giả đã đóng vai một nhân chứng, chứng kiến cái chết, cái kết thúc của những sự mục ruỗng, sự ngưng trệ trước một thử thách khắc nghiệt, của cái khoảng thời gian mà dòng sông chảy như “một dòng nước đục lạnh tanh”; “Bụi quá nặng làm mái nhà oằn xuống”;khi những câu hỏi “vang lên như bom” mà vẫn không có câu trả lời, khi những thông điệp của ngôn từ "không người nghe", khi các thi sĩ, những người cất giữ tâm linh thời đại cô đơn đến cùng tận: “Họ không bao giờ được cộng vào đám đông và đám đông cũng không bao giờ cộng được họ”... Nhưng như có một sự thống nhất trong tư tưởng nghệ thuật, Nguyễn Quang Thiều luôn là con người mạnh mẽ, thơ anh không dẫn người đọc đến ngõ cụt, mà luôn hướng tới một “sự lột vỏ”, tới một “bình minh đang lên”, và trong “Nhân chứng của một cái chết” cũng vậy, trong sự tan rã, trong sự cuốn trôi cuối cùng, thi sĩ vẫn cho chúng ta thấy trên vòm trời mãi lấp lánh một vì sao “bền bỉ sáng”...

Tóm lại cùng với các nhà thơ khác Nguyễn Quang Thiều đã đem lại nhiều sáng tạo trong thơ ca và để lại nhiều sáng tác đáng chú ý. Ông là một cây bút tiêu biểu của khuynh hướng thơ đi sâu vào những vùng mỏ tâm linh đậm chất tượng trưng, siêu thực

KẾT LUẬN

Văn chương là một hành trình tìm kiếm và sáng tạo không ngừng như Hoàng Hưng từng viết:

Đêm xuống rồi Ta lẻn

Đi tìm mặt mình

Đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình”

(Người đi tìm mặt – Hoàng Hưng)

Cuộc kiếm tìm và sáng tạo ấy tạo ra không ít những giá trị mới cho văn chương và đóng góp không nhỏ trong tiến trình vận động của văn học dân tộc nhưng cũng vấp phải không ít những chông gai, thử thách. Vì vậy mỗi nhà thơ hôm nay luôn ở trong một cuộc đi tìm bản thân mình, giọng điệu riêng của mình để tồn tại qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian. Cuộc đi tìm ấy không phải đến một thế giới cô đơn để tách mình ở đấy mà là để khẳng định lại vị trí chủ thể của cá nhân trong xã hội: chủ thể sống, chủ thể sáng tạo. Những tìm tòi, những sự lựa chọn mang đậm sắc màu hiện đại của các tác giả đó chính là quy luật vận động, phát triển của văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Nhà thơ với tư cách là nhà nghệ sĩ ngôn từ, không chỉ thể hiện bằng tư tưởng và cảm xúc mà còn bằng cả ngôn ngữ. Có thể ngôn ngữ thơ sau năm 1975 còn nhiều chỗ mới lạ chưa được tất cả giới yêu thơ đồng thuận nhưng tất cả đều thừa nhận đó là những bước dò tìm khó nhọc của nhà thơ, những cánh cửa đang mở ra nhiều hứa hẹn. Quan trọng nhất thơ sau 1975 đã tạo một bước chuyển mình lớn trong nhận thức, quan niệm nghệ thuật, với nhiều khuynh hướng thơ trong đó khuynh hướng đi sâu vào vùng mờ tâm linh, đậm chất tượng trưng, siêu thực là một thử thách không nhỏ nhưng đã đạt được những kết quả bước đầu và sẽ còn tiếp tục thử thách để khẳng định sự sáng tạo và hướng đi đúng của một lớp nhà thơ đầy dũng cảm và tâm huyết.

Một phần của tài liệu KHUYNH HƯỚNG TƯỢNG TRƯNG SIÊU THỰC TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ (Trang 29 - 34)