3. Một số hướng cụ thể sử dụng quặng photphat nghèo
3.4. Sử dụng vi sinh vật để phân giải quặng photphat
Ngoài những phương pháp hóa học chế biến quặng apatit thành phân bón, người ta còn dùng vi sinh vật để chuyển phần lân khó hòa tan thành dạng hữu hiệu. Sản phẩm của quá trình chế biến quặng photphat thông qua công nghệ sinh học được gọi là phân lân vi sinh.
Người ta có thể dùng những chủng vi sinh vật trực tiếp phân giải photpho khó hòa tan như chủngBacillus, Pseudomonas, Candida,
Penicillium... hoặc dùng những chủng vi sinh vật có khả năng oxi hóa lưu huỳnh để sinh ra axit tự do làm tác nhân hòa tan quặng photphat. Trong quá trình hoạt động vi sinh vật còn sinh ra các enzim có tác dụng kích thích sinh trưởng cây trồng.
Ở Braxin người ta trộn quặng photphat với lưu huỳnh và dùng chủng
Thiobacillus Thioxidaus để điều chế sản phẩm gọi là Biosuper. Hiệu quả của loại phân bón này cao hơn bột photphorit 10 - 20%. Khi dùng quặng photphat Gafsa mức độ oxi hóa đạt 26 - 30%, cho sản phẩm chứa P2O5 tan trong nước cao và hiệu lực của phân bón xấp xỉ hiệu lực của supephotphat kép.
Ở nước ta, Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam đã tuyển chọn được 3 chủng vi sinh vật có khả năng phân giải lân, mức độ chuyển hóa lân trong quặng apatit đã đạt 7 - 11%.
Năm 2001, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đã giao cho Viện Hóa học Công nghiệp chủ trì đề tài Nghiên cứu thăm dò điều chế phân lân vi sinh từ quặng apatit nghèo.
Trong quá trình nghiên cứu đã dùng chủng vi khuẩn thuộc nhómThiobacillus. Kết quả cho thấy sau 9 tuần hiệu suất hòa tan quặng apatit loại III Lào Cai đạt 48,69%, sau 12 tuần đạt 50,02%, trong khi ở mẫu đối chứng không dùng chủng vi sinh vật cho kết quả tương ứng là 11,37% và 15,62%.
Như vậy kết quả bước đầu là rất khả quan, cần được tiếp tục tiến hành nghiên cứu ở quy mô lớn hơn.