Quan điểm này cho rằng, tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát cần quay lại mô hình tồn tại trước năm 1960. Theo quan điểm này, Viện kiểm sát nhân dân sẽ được tổ chức lại thành Viện công tố trực thuộc cơ quan hành pháp là Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ như trước đây là chỉ thực hiện chức năng công tố chứ không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân như nó đã từng làm trong thời gian hơn 40 năm qua. Còn hoạt động giám sát việc tuân theo pháp luật do Quốc hội trực tiếp thực hiện và công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân trước đây do Viện kiểm sát
thực hiện nay giao cho cơ quan Thanh tra các cấp tiến hành. Theo quan điểm này, nội dung của chức năng công tố thực chất là hoạt động hành pháp, vì vậy bản thân nó phải do một hệ thống các cơ quan hành pháp thực hiện và hợp lí hơn cả là thành lập Viện công tố trực thuộc Chính phủ để thực hiện chức năng này. Còn nội dung của chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân không khác hoạt động thanh tra của cơ quan Thanh tra và vì thế song song với việc thành lập hệ thống Viện công tố thì đồng thời cũng chuyển chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế xã hội cho cơ quan Thanh tra các cấp thực hiện. Cũng theo quan điểm này, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo hướng thành lập Viện công tố như mô hình đã tồn tại ở nước ta trước năm 1960 nhưng đồng thời cũng phải kế thừa những ưu điểm đã được khẳng định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong những năm qua và có sự tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.