Sau chiến tranh, với ý chí xây dựng một quốc gia vững mạnh, nhân dân Nhật Bản đã cùng bắt tay nhau vào lao động sản xuất, làm việc quên mình và đạt được tốc độ phát triển chưa từng có. Với một nền kinh tế phát triển vùn vụt theo qui mô của một siêu cường trên một diện tích nhỏ hẹp, Nhật Bản đang biến môi trường của mình thành một kho rác thải. Đằng sau nhiều tỷ đô la lợi nhuận là bầu không khí không trong lành lẫn nguồn nước sạch đứng trước nguy cơ bị hủy hoại. Còn người dân đang bị chịu sự tra tấn hàng ngày bởi tiếng máy chạy hết công suất, của xe cộ và rất nhiều thứ gây ồn khác mà người ta ví như “một bản nhạc liên hoan biểu lộ sự vui mừng khi người ta có khả năng thoát khỏi sự nghèo khổ, tùng đói một cách nhanh chóng” nhưng đồng thời cũng như một “cuộc nhảy múa của một lũ yêu ma mà nhịp điệu chết người mỗi lúc một dồn dập hơn nữa”.
Vào đầu những năm 60, ô nhiễm môi trường trở thành một vấn đề xã hội lớn. Với sự phát triển tốc độ của công nghiệp, hàng ngày Nhật Bản phải đón nhận lượng khí chất độc hại khổng lồ thải ra từ các nhà máy. Các nghành sản xuất bột giấy, thép, hóa chất….được xem là những con quái vật gây nhiễm bẩn. Thêm vào đó lượng ô tô tăng nhanh ở Nhật làm cho khói phun ra từ những chiếc xe này ngày một nhiều hơn. Theo tình toán của các nhà phân tích môi trường thì lượng khói phun ra từ các xe ở Nhật dày gấp 14 lần Thụy Điển, nước bị khói ô tô nhiều nhất thế giới tính theo đầu người.
Nhân dân Nhật Bản vốn là những người nhẫn nại và biết chịu đựng, thậm chí thái độ phổ biến lúc đó của họ là: “vì sự phát triển của công nghiệp nên cần phải có sự hi sinh”. Tuy nhiên, khi ô nhiễm lên mức báo động họ đã lên tiếng. Bốn vụ kiện lớn về môi trường đã được đưa ra xét xử ở thời kì này, đó là những yêu cầu bồi thường do ô nhiểm ở Nigiata, việc nhiễm độc ở vịnh Minamata, nhiễm độc catmi ở Toyama và bệnh hen suyễn ở Yokkaichi.
Những đám mây nhiễm độc ngày càng phủ dày trên các thành phố khiến nhân dân phản ứng gay gắt. Chính phủ buộc phải nhượng bộ cho thông qua các đạo luật về môi trường và thi hành nghiêm chỉnh các đạo luật đó. Bên cạnh ô nhiễm môi trường là sự gia tăng tai nạn xe cộ. Năm 1969 một triệu người Nhật đã bị thương về tai nạn xe cộ trong khi đó ở Hoa Kỳ chỉ có hai triệu người.
Lý do gây tai nạn vì hầu hết các thành phố ở Nhật không có vỉa hè, trừ các trung tâm nên đường xá trở nên chật chội và người đi bộ thường bị xe cán. Điều đó cho thấy sự khan hiếm đất đai ở đô thị Nhật Bản. Do giá đất quá đắt nên người ta đã tận dụng hết những gì có thể, không muốn dùng đất để làm vỉa hè. Dự tính nếu cứ phát triển như nhịp độ hiện nay thì các vụ tai nạn giao thông sẽ làm từ 20 đến 25 triệu người Nhật bị thương trong vòng 15 năm tới, tức khoảng 1/5 dân số sẽ gặp rủi ro do tai nạn xe cộ, làm cho nhà sản xuất bị thiệt hại mỗi năm số lượng tài sản không nhỏ. Cái giá quá đắt cho sự tăng trưởng trên là nguyên nhân dẫn đến sự hoài nghi và bất bình của dân chúng đối với Chính phủ. Phong trào đấu tranh của quần chúng lao động, sự nổi dậy của sinh viên là những biểu hiện tập trung của sự bất bình đó.
Những năm 1968-1969 biểu tình của sinh viên nổ ra trên khắp nước Nhật, với mong muốn xã hội sẽ có tình người hơn, tự do hơn. Còn với nhân dân do mức sống được cải thiện nên họ hướng sự chú ý sang những điều khiếm khuyết và nhận ra những khía cạnh “kém hoàn hảo” của sự tăng trưởng. Làn sóng phẫn nộ ngày càng dâng cao trong quần chúng. Mâu thuẫn kinh tế xã hội dâng lên gay gắt và người ta thấy rằng cần phải nhanh chóng có những chính sách để thay đổi tình hình, chính sách đó không chỉ quan tâm đến sự phát triển kinh tế mà còn chú trọng các giá trị khác của sự phát triển.