để đoán định được sự phát triển tương lai của 1 sự kiện lịch sử trên cơ sở hiểu rõ quá khứ và hiện tại.
PHẦN III: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ QUAN HỆ QUỐC TẾ (1919 – 2000)
Từ thực tế ôn thi học sinh giỏi, tôi đã sưu tầm và biên soạn một số dạng đề để vừa củng cố, vừa nâng cao kiến thức cho học sinh. Do khuôn khổ của đề tài có hạn nên tôi chỉ đưa ra một số câu hỏi chuyên sâu, có tác dụng giúp học sinh hiểu sâu sắc Quan hệ quốc tế từ 1919 đến 2000 và hướng dẫn khái quát cách trả lời 1 số câu hỏi khó.
1. So sánh những điểm giống và khác nhau về trật tự thế giới giữa hai thời kì theo “Hệ thống Vecxai-Oasinhtơn” (1919-1939) và “Trật tự hai cực Ianta” (-1945-1991)?
2. Trên cơ sở trình bày nét chính về quan hệ quốc tế trong các thời kì (1919-1939) và (1939- 1945). Hãy giải thích tại sao mối quan hệ quốc tế từ sau chiến tranh thế giới thứ hai quyết liệt hơn sau chiến tranh thế giới thứ nhất?
3. Hãy nêu những điểm khác biệt trong việc giải quyết các vấn đề lớn sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất và sau chiến tranh thế giới lần thứ hai? Từ đó rút ra nhận định, đánh giá.
4. Phân tích và nhận xét về con đường dẫn đến chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945)?
5. So sánh hai tổ chức quốc tế: Hội quốc liên trong trật tự Vecxai-Oasinhtơn và Liên hợp quốc trong trật tự hai cực Ianta?
6. Những xu thế phát triển của thế giới sau Chiến tranh lạnh? Trong tình đó Việt Nam cần làm gì để phù hợp với các xu thế trên?
GỢI Ý TRẢ LỜI
Câu 1: So sánh những điểm giống và khác nhau về trật tự thế giới giữa hai thời kì theo “Hệ thống Vecxai-Oasinhtơn” (1919-1939) và “Trật tự hai cực Ianta” (-1945-1991)?
Giống nhau:
- Đều được thiết lập sau hai cuộc chiến tranh thế giới: Trật tự V – O: Sau Chiến tranh thế giới 1; Trật tự Ianta: Sau chiến tranh thế giới thứ 2.
- Đều nhằm mục đích phân chia lại thế giới, phân chia thành quả giữa các nước thắng trận, có lợi cho các nước thắng trận và gây ra nhiều tổn thất cho các nước bại trận….
- Đều có tổ chức quốc tế để duy trì hòa bình ở hai trật tự: hội Quốc Liên và Liên Hợp quốc
Khác nhau
- Trật tự V – O chỉ phản ánh quan hệ giữa các nước tư bản với nhau. Trật tự hai cực Ianta thể hiện sự đối đầu gay gắt giữa hai lực lượng đối lập nhau: Hệ thống CNXH do Liên Xô đứng đầu và Hệ thống TBCN do Mĩ đứng đầu. Sự đối đầu ở trật tự 2 cực Ianta là gay gắt hơn, căng thẳng hơn.
- Cơ chế giải quyết hậu quả của chiến tranh ở 2 trật tự cũng có điểm khác biệt: Nếu ở trật tự V – O, các nước bại trận đặc biệt là Đức bị thiệt hại rất nặng nề. Thì ở trật tự 2 cực Ianta, sự thiệt hại
với các nước bại trận nhẹ hơn: Mĩ, Anh chủ trương xây dựng lại 1 nước Đức mạnh để làm thành trì chống Liên Xô ở châu Âu; và 1 nước Nhật Bản mạnh để chống lại Trung Quốc ở Châu Á. - Trật tự 2 cực Ianta có thời gian tồn tại lâu hơn trật tự V – O
- Sự sụp đổ của trật tự 2 cực dẫn đến các kết cục khác nhau: Trật tự V – o sụp đổ dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới 2. Trật tự 2 cực Ianta sụp đổ dẫn đến thời kì đối thoại trong quan hệ quốc tế.
Câu 4: Phân tích và nhận xét về con đường dẫn đến chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945)?
GỢI Ý TRẢ LỜI
- Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ trước hết là do sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản về kinh tế, chính trị đã dẫn tới sự mâu thuẫn giữa các nước tư bản về vấn đề thị trường và thuộc địa. Sự phân chia thế giới theo hệ thống Vecxai – Oasinhtơn chứa đựng những mâu thuẫn không thể dung hòa được giữa các nước đế quốc.
- Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa các nước đế quốc, dẫn đến việc lên cầm quyền của các thế lực phát xít ở Đức, Italia, Nhật Bản. Chủ nghĩa phát xít ở 3 nước này là thủ phạm gây ra chiến tranh thế giới thứ 2.
- Trật tự thế giới được hình thành sau chiến tranh vốn chứa đựng nhiều mâu thuẫn và bất ổn. Do mâu thuẫn về quyền lợi ( thị trường, thuộc địa), giữa các nước đế quốc đã dần hình thành hai khối đế quốc đối lập nhau: Khối Anh, Pháp, Mĩ và khối Đức, Ý, Nhật. Nhưng cả 2 khối đế quốc đều coi Liên Xô là kẻ thù cần tiêu diệt. Chính sách 2 mặt của Anh, Pháp, Mĩ đã tạo điều kiện cho phe phát xít lớn mạnh, từ đó chúng gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 (1939-1945).
- Như vậy nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh thế giới 2 là do sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản, dẫn đến những mâu thuẫn về thị trường, thuộc địa giữa các nước đế quốc. Nguyên nhân trực tiếp là do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933, dẫn tới sự ra đời của chủ nghĩa phát xít. Chính thái độ dung dưỡng, thỏa hiệp của Anh Pháp đã làm cho chủ nghĩa phát xít lớn mạnh, thúc đẩy chiến tranh đến gần hơn. Do vậy Anh, Pháp, Mĩ phải chịu 1 phần trách nhiệm trong việc để xảy ra chiến tranh thế giới 2.
Câu 6: Những xu thế phát triển của thế giới sau Chiến tranh lạnh? Trong tình đó Việt Nam cần làm gì để phù hợp với các xu thế trên?
Từ sau năm 1991 đầy biến động, thế giới phát triển theo những xu hướng chính sau:
- Một là, sau Chiến tranh lạnh hầu như tất cả các quốc gia đều ra sức điều chỉnh chiếm lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm, bởi ngày nay kinh tế đã trở thành nội dung căn bản trong quan hệ quốc tế. Xây dựng sức mạnh tổng hợp của quốc gia thay thế cho chạy đua vũ trang đã trở thành hình thức chủ yếu trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
- Hai là, xu thế hoà dịu trên quy mô thế giới, hoà bình thế giới được củng cố, nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi, song hoà bình ở nhiều khu vực vẫn bị đe doạ, thậm chí có nơi xung đột diễn ra nghiêm trọng và chiều hướng ngày càng rối loạn.
Ngày nay vẫn diễn ra nhiều cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột khu vực, hay nội chiến trong một nước ( ở khu vực Trung Đông, Irắc, Apganixtan, nhiều nước ở châu Phi….) Sở dĩ có tình trạng đó là do nhiều nguyên nhân: mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo; sự tranh chấp biên giới quốc gia; sự nổi lên của các hiện tượng tôn giáo cực đoan, mưu đồ của các thế lực chính trị phản động….đã làm cho tình hình thế giới luôn bất ổn định.
- Ba là, xu hướng các nước lớn điều chỉnh quan hệ với nhau theo chiều hướng xây dựng quan hệ bạn bè chiến lược ổn định và cân bằng hướng tới lâu dài.
Đây là đặc điểm chủ yếu nổi bật của quan hệ quốc tế giữa các nước lớn trong thời kì sau chiến ttranh lạnh. Sự điều chính ấy là to lớn và sâu sắc. Xuất phát từ lợi ích chiến lược căn bản của mình, các cường quốc tiến hành điều chỉnh lại chính sách đối ngoại để tìm chỗ đứng tốt nhất, xây dựng khuôn khổ quan hệ mới ổn định lâu dài, xác lập các điều kiện quốc tế có lợi hơn, mở rộng hệ thống an ninh quốc gia, tạo ra không khí quốc tế rộng mở để xây dựng kinh tế nước mình như mục tiêu chủ yếu trong quá trình điều chỉnh.
- Bốn là, Xu thế quốc tế hoá, toàn cầu hoá và các tổ chức liên minh quốc tế.
Ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thế giới, xu thế quốc tế hoá, toàn cầu hoá đang diễn ra rất mạnh mẽ và các tổ chức liên minh quốc liên tiếp ra đời. Do vậy buộc các quốc gia trên thế giới phải thích nghi với xu thế này, tận dụng thời cơ mà xu thế này tạo ra để phát triển, nếu không sẽ bị tụt hậu.
- Trong bối cảnh thế giới như trên, Việt Nam cần chú trọng phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các nước, để không ngừng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân. Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, chúng ta cũng cần chú ý đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền lãnh thổ. Chúng ta cần kiên trì sử dụng các biện pháp đấu tranh hòa bình, tránh xung đột quân sự. Tuy nhiên nếu các thế lực bên ngoài vi phạm chủ quyền lãnh thổ, chúng ta sẽ có các hành động cứng rắn để đáp trả….Những biện pháp trên giúp nước ta hòa nhập được với xu thế phát triển chung của thế giới nhưng vẫn bảo vệ được an ninh, chủ quyền lãnh thổ và bản sắc dân tộc.
Trên đây là một số nội dung và phương pháp bồi dưỡng Học sinh giỏi Quốc gia Môn Lịch sử về phần “ Quan hệ quốc tế (1919-2000)”. Tôi hi vọng chuyên đề sẽ hữu ích trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi của các đồng nghiệp. Rất mong nhận được sự giúp đỡ, bổ sung của các đồng nghiệp để chuyên đề hoàn thiện hơn.