trên từng thị trường để cùng trao đổi thông tin phối hợp liên kết bảo vệ quyền lợi của các hội viên, đồng thời qua đó bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Các công ty môi giới nước ngoài tại hầu hết thị trường xuất khẩu lao động trong khu vực Đông và Đông Nam Á của ta đều liên kết với nhau trong những Hiệp hội riêng nhằm bảo về quyền lợi của mình và ép doanh nghiệp cung ứng lao động "nâng giá" phí môi giới. Thiết nghĩ, một mô hình Hiệp hội như vậy nếu được thành lập giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam theo từng thị trường chắc chắn sẽ đem lại những thuận lợi rất lớn cho hoạt động xuất khẩu lao động nước ta nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng. Các doanh nghiệp của ta sẽ có cơ hội trao đổi thông tin, cùng thoả thuận để "ghìm giá" phí môi giới, thực hiện các biện pháp tẩy chay trong trường hợp công ty môi giới nào đó nước bạn không thực hiện đúng cam kết. "Đoàn kết là sức mạnh" , Hiệp hội các doanh nghiệp cung ứng lao động ra đời có thể khiến cho quyền lợi của mỗi doanh nghiệp hội viên mà thông qua đó là quyền lợi của người lao động được đảm bảo hơn nhiều so với tình trạng hoạt động riêng lẻ, thậm chí còn "dẫm lên chân nhau" của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam hiện nay.
KẾT LUẬN
Xuất khẩu lao động là một hoạt động trao đổi hàng hoá sức lao động giữa các quốc gia, các nền kinh tế dựa trên cơ sở lợi thế về nguồn và cơ cấu lao động.
Với nước ta - một quốc gia có dân số đông và nguồn lao động dồi dào - thì xuất khẩu lao động thực sự là một lĩnh vực có nhiều lợi thế. Hơn thế nữa, nó còn là một yêu cầu bức bách khi mà tình trạng thiếu việc làm ở nước ta hiện nay vẫn đang là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách. Xuất khẩu lao động thực sự đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và giải quyết các nhu cầu xã hội ở nước ta.
Tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam thời gian qua có thể chia làm hai thời kỳ : Thời kỳ hợp tác lao động quốc tế (1980 -1990) và thời kỳ xuất khẩu lao động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước (1991 – nay). Điểm nổi bật của hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam trong thời kỳ hợp tác quốc tế là hình thức cung ứng lao động chủ yếu thông qua Hiệp định hợp tác lao động ký kết giữa Chính phủ ta với chính phủ bạn, thị trường tiếp nhận phần lớn là các nước XHCN. Bước sang thời kỳ xuất khẩu lao động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, chúng ta đã mất đi hầu hết thị trường tiếp nhận lao động truyền thống trước đây. Tuy nhiên với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta và trước hết là những cố gắng tự thân không ngừng của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, hoạt động xuất khẩu lao động của ta đã được khôi phục trở lại và không ngừng phát triển trong những năm qua. Hiện nay, thị trường xuất khẩu lao động của ta đã mở rộng đến trên 40 nước và vùng lãnh thổ.
Đông và Đông Nam Á là khu vực thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu của nước ta hiện nay. Khu vực này hàng năm tiếp nhận khoảng trên 40.000 lao động Việt Nam, chiếm gần 80% số lao động đi làm việc tại nước
ngoài của ta. Hiện tại khu vực này gồm có 5 thị trường đã mở cửa tiếp nhận lao động của ta là Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia tuy nhiên dự báo trong tương lai số lượng thị trường của ta tại khu vực này chắc chắn không dừng lại ở con số 5 như trên.
Nội dung của khoá luận này tập trung đề cập tới thực trạng xuất khẩu lao động của ta sang thị trường các nước Đông và Đông Nam Á, bao gồm các vấn đề chủ yếu : số lượng lao động xuất khẩu, cơ cấu lao động xuất khẩu, thu nhập của lao động và nguồn kiều hối thu được, mô hình và công tác tổ chức xuất khẩu lao động, cuối cùng là chất lượng lao động xuất khẩu. Các vấn đề trên được xem xét ở cả 2 khía cạnh : chung cho cả khu vực và riêng cho từng thị trường trong khu vực. Từ việc tái hiện toàn cảnh hoạt động xuất khẩu lao động của ta tại khu vực thị trường này thông qua các số liệu và nhận định, khoá luận cũng rút ra những đánh giá tổng quát về những thành tựu mà chúng ta đã đạt được, những hạn chế mà ta cần phải khắc phục và nguyên nhân của nó. Phần cuối khoá luận là những kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động tại khu vực thị trường Đông và Đông Nam Á nói riêng cũng như trên toàn bộ thị trường xuất khẩu lao động của ta nói chung. Những kiến nghị này - gồm hai phần : kiến nghị đối với Nhà nước và kiến nghị với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động - được người viết mạo muội đề xuất trên cơ sở đã nghiên cứu kỹ tình hình, thành tựu và tồn tại của hoạt động xuất khẩu lao động tại đây trong thời gian qua cung như triển vọng của từng thị trường trong khu vực thời gian tới.