Khuyến nghị một vài giải pháp xem xét lạm phát cơ bản trong điều hành chính

Một phần của tài liệu Xây dựng chỉ số lạm phát cơ bản tại Việt Nam (Trang 46 - 48)

Trong những năm vừa qua, chỉ số lạm phát CPI tại Việt Nam biến động khá lớn, chủ yếu do nhóm hàng lương thực – thực phẩm, giáo dục, giao thông và nhóm hàng nhà ở, vật liệu xây dựng gây ra. Từ đó, gây khó khăn trong việc dự báo lạm phát cũng như đưa ra các biện pháp để kiềm chế lạm phát. Để duy trì sự ổn định của xu hướng lạm phát cũng như sự ổn định của giá cả thị trường thì cần thiết phải duy trì được sự ổn định giá cả của các nhóm hàng trên. Tuy nhiên, trong hoạch định chính sách, ngân hàng Trung ương nên biết biến động nào là nhất thời và biến động nào là dai dẳng để có những chính sách phù hợp. Đồng thời, cũng cần có một cơ thế thông tin rõ ràng, minh bạch để tạo được niềm tin từ người dân.

Sau khi loại bỏ những mặt hàng mất ổn định ra khỏi CPI, lạm phát cơ bản đã thể hiện xu thế rõ ràng và ổn định hơn so với chỉ số CPI. Đặc biệt, chỉ số CPI loại trừ lương thực, giáo dục và giao thông có khả năng theo dõi xu hướng lạm phát và khả năng dự báo dựa vào độ chênh khá tốt. Tuy nhiên, một thực tế khá rõ ràng là chúng ta không thể nào phủ nhận được tầm quan trọng của CPI trong điều hành chính sách. Ngay cả những nước rất phát triển như Mỹ thì chỉ số CPI vẫn là một chỉ số trung tâm và được nhiều người quan tâm. Hầu hết các quốc gia trên Thế giới đều sử dụng chỉ số lạm phát cơ bản như là một chỉ số bổ sung bên cạnh CPI. Và nếu có xem nó như là một mục tiêu thì cũng thường chỉ

là một mục tiêu trung gian. Và điều này hoàn toàn có thể áp dụng trong điều kiện tại Việt Nam.

Từ sự phân tích ở trên, cũng như qua việc học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên Thế giới, một số giải pháp có thể rút ra là:

Thứ nhất, ngân hàng Nhà nước và Tổng cục thống kê nên nghiên cứu và tính toán chỉ số lạm phát cơ bản cho Việt Nam và công bố hằng tháng cùng với chỉ số CPI trong thời gian tới. Bởi lẽ, những năm vừa qua, CPI có một độ biến động mạnh và khá cao. Đặc biệt, trong năm 2011, lạm phát tại Việt Nam đã đi quá xa so với mục tiêu đặt ra ban đầu, trong đó có những biến động mạnh của những yếu tố tạm thời, gây tâm lí hoang mang cho người dân dẫn đến khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát. Đồng thời, điều này làm mất lòng tin của người dân vào các chính sách, công cụ của ngân hàng Trung ương và Chính phủ. Năm 2012, với những nỗ lực và chính sách khá mạnh tay khiến chỉ số lạm phát trong những tháng đầu năm đi vào ổn định. Tuy nhiên, sự bất ổn của khu vực Trung Đông làm cho giá xăng dầu tăng lên có thể sẽ xua tan đi những thành công ban đầu đó và khiến người dân hoang mang về việc lạm phát cao sẽ quay lại và thể hiện trong CPI. Cùng với đó, sự biến động giá của các mặt hàng liên quan cũng có nguy cơ rơi vào trạng thái khó kiểm soát. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là những biến động mạnh nhất thời khi nguồn cung có nguy cơ suy giảm (sự tăng tạm thời của chỉ số CPI), và do đó, nó hoàn toàn có thể đảo chiều khi nguồn cung được ổn định mà không cần dùng một công cụ tiền tệ nào. Thế nên, việc công bố chỉ số lạm phát cơ bản là khá quan trọng, bởi lẽ, nó phần nào giúp ổn định được tâm lí người tiêu dùng, hỗ trợ thông tin cho việc đưa ra các quyết định chính sách và đồng thời cũng là một phương cách để hạn chế việc biến động giá của các mặt hàng liên quan.

Thứ hai, chỉ số lạm phát cơ bản được công bố cùng với CPI nên là chỉ số CPI loại trừ lương thực, giáo dục, giao thông. Như đã trình bày trong phần trước, chỉ số này đáp ứng khá tốt các tiêu chuẩn so với các chỉ số còn lại. Do đó, sử dụng nó như là chỉ số lạm phát cơ bản tại Việt Nam là hoàn toàn hợp lí. Tuy nhiên, qua thời gian, khi chỉ số CPI cũng có sự thay đổi trong cách tính thì cũng nên kiểm định lại, vì sự thay đổi giá sẽ không giống nhau cho những giai đoạn khác nhau.

Thứ ba, công bố một cách rõ ràng và minh bạch cách tính và số liệu tính toán. Điều này nhằm tạo lòng tin công chúng, cũng như giúp ngân hàng Trung ương dễ dàng trong việc thực hiện các công cụ, chính sách của mình.

Thứ tư, ngân hàng Trung ương nên sử dụng chỉ số lạm phát cơ bản như một hướng dẫn thêm trong việc đưa ra các chính sách tiền tệ. Một điều rõ ràng đó là CPI có một tác động trực tiếp đến người tiêu dùng nói chung. Và vì vậy, cần phải quan tâm đến tổng thể nền kinh tế và có từng chính sách phù hợp để kiềm chế và phòng ngừa. Chỉ số lạm phát cơ bản là chỉ số phản ánh sự thay đổi giá cơ bản, có tính chất dai dẳng. Để đưa lạm phát về trạng thái ổn định thì chắc hẳn phải quan tâm đến chỉ số này. Tuy nhiên, những hàng hóa có biến động lớn mà không nằm trong chỉ số lạm phát cơ bản, tuy biến động tạm thời, nhưng những cú sốc về giá này lại có những tác động lớn đến nền kinh tế, và nếu như không quan tâm đến nó, không có những chiến lược phù hợp sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát và từ đó ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế chung.

Thứ năm, dự báo lạm phát cơ bản trong ngắn hạn và trung hạn. Vì lạm phát cơ bản thể hiện một sự thay đổi giá vĩnh viễn của nền kinh tế nên nó được coi là một thước đo lạm phát thực của nền kinh tế. Từ đó, những nhà hoạch định chính sách có thể đề ra những chiến lược cụ thể nhằm đạt được sự ổn định giá cả (có thể hiểu đó là một mức lạm phát thấp và ổn định).

Một phần của tài liệu Xây dựng chỉ số lạm phát cơ bản tại Việt Nam (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(62 trang)