Ví dụ 1: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỉ XX?
Ví dụ 2: Trên cơ sở quan hệ quốc tế giữa các nước TBCN hãy làm rõ con đường dẫn đến chiến tranh thế giới II?
Các loại đề thi như trên không chỉ yêu cầu học sinh phải nhận biết chính xác sự kiện, nhận thức đúng bản chất lịch sử mà còn đòi hỏi học sinh thể hiện khả năng lập luận, trình bày, diễn đạt tốt.
Ngoài ra còn có loại đề thi có câu hỏi đặt ra để lý giải một vấn đề đã được xác định, hoặc bình luận, chứng minh câu nói nổi tiếng của một nhân vật lịch sử bằng những quan điểm, bằng các sự kiện.
Ví dụ : Thông qua nội dung hòa ước Vec-xai hãy giải thích vì sao người Đức lại căm ghét nó?
Loại đề thi trên tương đối khó, tôi hướng dẫn, yêu cầu học sinh phải đọc kỹ và hiểu đúng câu nói của nhân vật, một nhận định, đánh giá và sử dụng những sự kiện lịch sử cụ thể, chính xác để chứng minh.
- Loại đề nhận thức lịch sử: Là đề theo một chủ đề hay vấn đề lịch sử nhất định được đặt dưới dạng câu hỏi yêu cầu cần giải đáp. Loại đề này thường có nội dung khó, yêu cầu học sinh phải suy nghĩ nhiều, hiểu biết kiến thức lịch sử chính xác,
hệ thống; học sinh phải có năng lực độc lập suy nghĩ để giải quyết vấn đề nêu ra, học sinh phải có trình độ tư duy cao, có khả năng lập luận, lý giải vấn đề. Các dạng thường gặp như:
+ Đề thi xác định, phân tích tính chất của sự kiện lịch sử:
Ví dụ: Chủ nghĩa phát xít là gì? Trình bày những chủ trương của Đảng cộng sản Đông Dương trong quá trình đấu tranh chống CNPX?
+ Đề thi về xác lập mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện lịch sử:
Ví dụ: Phải chăng các nước Anh, Pháp, Mĩ phải chịu một phần trách nhiệm về sự bùng nổ của chiến tranh thế giới II?
Loại đề thi này yêu cầu học sinh phải suy nghĩ kỹ, nếu không sẽ dễ nhầm lẫn với loại đề hệ thống hóa kiến thức cơ bản đã trình bày trên. Đề thi yêu cầu thí sinh không chỉ ghi nhớ các sự kiện lịch sử theo tiến trình thời gian mà điều quan trọng là thí sinh phải lý giải mối quan hệ giữa các sự kiện đã được lựa chọn.
+ Đề thi xác định tính kế thừa giữa các sự kiện lịch sử, giai đoạn, thời kì lịch sử: Đề yêu cầu học sinh phải hiểu rõ quá trình phát triển liên tục, thống nhất, tính phong phú, đa dạng, cụ thể của các sự kiện, giai đoạn, thời kì lịch sử. Khi làm loại đề này, học sinh phải nắm vững một vấn đề có tính quy luật trong sự phát triển của lịch sử. Sự kiện xảy ra trước tác động đến sự ra đời và phát triển của sự kiện tiếp sau, chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Đề thi xác định tính kế thừa giữa các sự kiện trong quá trình lịch sử cũng như loại đề thi về mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện, song nó tập trung hơn vào một sự kiện chính; nó nâng cao hơn về mặt khái quát – lý luận.
Ví dụ: Phân tích nguyên nhân dẫn tới cuộc CT2? Sự bùng nổ và lan rộng của chiến tranh trong giai đoạn 1939 - 1941 và nêu ảnh hưởng của nó đối với cách mạng VN?
Cấu tạo đề thi học sinh giỏi hiện nay rất nhiều câu, nhiều dạng đề, đòi hỏi học sinh phải tư duy và xử lý nhanh các kỹ năng phân tích đề, phân bố thời gian, xác định thời gian, không gian, nội dung lịch sử và yêu cầu của câu hỏi … sao cho phù hợp là kỹ năng cần rèn luyện thường xuyên. Sau khi giúp học sinh kỹ năng phân tích đề giáo viên có thể gợi mở, hướng dẫn học sinh trả lời một số câu hỏi khó.
C. KẾT LUẬN
Là một cán bộ giáo viên trẻ, tôi thực sự đã gặp rất nhiều khó khăn khi mới tham gia bồi dưỡng cho đội tuyển HSG Quốc gia. Nhưng được sự quan tâm, động viên của BGH đặc biệt là sự dìu dắt của Tổ bộ môn tôi đã mạnh dạn thử vận dụng một số biện pháp mới trong hoạt động ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh.Tôi nhận thấy:
- Để bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử đạt hiệu quả trước hết phải có những giáo viên vững về kiến thức, kỹ năng thực hành lịch sử.
- Thực sự yêu nghề, tâm huyết với công việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Niềm đam mê là yếu tố rất cần thiết khi bạn muốn dạy tốt và có học sinh học tốt môn Lịch sử.
- Thường xuyên học hỏi trau dồi kiến thức, đọc sách báo để ngày càng làm phong phú thêm vốn kiến thức của mình.
- Có phương pháp nghiên cứu bài, soạn bài, ghi chép giáo án một cách khoa học.
- Tham khảo nhiều sách báo tài liệu có liên quan, giao lưu học hỏi các bạn đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm, các trường có bề dày thành tích…
Vì vậy, việc giao lưu học hỏi giữa các trường Chuyên thông qua Hội thảo chuyên đề, qua việc thi học sinh giỏi khu vực các trường Chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ là những hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả to lớn đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia.
Ở phạm vi của đề tài “Một số nội dung chuyên sâu khi giảng dạy chuyên đề Quan hệ quốc tế giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1919 - 1939) cho học sinh giỏi”, tôi cũng mạnh dạn đưa ra một số quan điểm mang tính chủ quan của cá nhân khi giảng dạy và bồi dưỡng các em học sinh, rất mong nhận được sự góp ý của quý thầy cô, bạn bè đồng nghiệp./.