Hòa tấu ghita Lorca – Thanh Thảo

Một phần của tài liệu Tìm hiểu Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo trong mối tương quan với Ghita của Lorca hc (Trang 31 - 34)

Ngay từ nhan đề mà Thanh Thảo đặt Đàn ghi-ta của Lorca,

người đọc có thể cảm nhận được cái ý hòa tấu của bài thơ với bài La guitarra của Lorca. Nhắc lại đàn guitar của nghệ sĩ thiên tài Lorca là làm sống lại tiếng đàn tử thương, là Thanh Thảo hòa tấu khúc bi thương cùng Lorca.

Ngay lời đề từ bài thơ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta”, Thanh Thảo đã thể hiện rõ ý nghĩa tượng trưng này. Lời đề từ chính là lời thơ mà Lorca luôn tâm niệm khi sống, trong bài “Ghi nhớ”, Lorca viết: “Bao giờ tôi chết hãy chôn tôi cùng cây ghi ta trong cát". Lời thơ không chỉ đơn thuần là lời bộc lộ tình yêu say đắm của Lorca với nghệ thuật, với xứ sở Tây Ban Cầm mà nó mang ý nghĩa sâu xa hơn. Nhà thơ cách tân là Lorca biết thi ca của mình một ngày nào đó sẽ án ngữ, ngăn cản người đến sau trong sáng tạo nghệ thuật nên đã dặn lại cần phải biết chôn nghệ thuật của ông đi để sáng tạo những nghệ thuật mới hơn, cao hơn. Đây cũng là tâm niệm của những người nghệ sĩ chân chính luôn khát khao sáng tạo. Đó cũng là thông điệp gửi cho những ai muốn sáng tạo: bạn hãy dũng cảm vượt qua tất cả những thần tượng cũ để làm nên cái mới. Đồng thời cũng nói rằng: một khi bạn làm xong công việc của mình, sức sáng tạo đã hết, bạn phải biết lui vào quá khứ để những thế hệ mới được tự do làm cái mới, đừng muốn và đừng để bóng mình đè xuống tương lai. Như vậy, biểu tượng cây ghi ta ở đây chính là những vần thơ, những thành tựu nghệ thuật mà nhà thơ Lorca đã miệt mài phấn đấu trong suốt hành trình sáng tác của mình, là nơi gửi gắm khát khao sáng tạo cho hậu thế của Lorca. Mặc dù, với di chúc mong hậu thế hãy quên mình đi nhưng thực tế Lorca cùng tiếng thơ ông vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Biểu tượng tiếng đàn xuất hiện khẳng định sự sống bất diệt của đời thơ cũng như tâm hồn “chàng hát rong thời trung cổ”: “không ai chôn cất tiếng đàn tiếng đàn như cỏ mọc hoang” Sự kết

hợp hành động “chôn cất” với tiếng đàn, Thanh Thảo một lần nữa khiến cho tiếng đàn trở thành một linh hồn hơn thế thành một sinh thể, một thân phận.

Hình ảnh chàng kỵ sĩ mộng du dưới điệu ballad của trăng, điệu ballad của người mộng du cũng là thi ảnh quen thuộc trong thơ Lorca như một cái nhìn về nhân sinh, một hành trình lãng du, hành động, trách nhiệm, vô định mũi tên bay không có đích, biến cố con chim non gục chết, hy sinh cho nguồn sống được trường lưu.

“Tiếng ghi-ta nâu”, tại sao lại là âm thanh màu nâu mà không phải là “tiếng ghi ta đỏ, tiếng ghi ta đen”? Màu nâu gợi nên màu của chất liệu làm nên cây đàn, màu của đồng đất, màu da nâu gợi tình tràn trề sức sống của cô gái Di gan và đó cũng là màu của nỗi buồn. Trong thơ Lorca, màu nâu gắn liền với Chúa Kitô cao cả, thiêng liêng: “Chúa Kitô màu nâu/ Mớ tóc dài rực cháy/Hai gò má nhô cao/Và hai tròng mắt trắng.”(“Saeta” – Hoàng Hưng dịch). “Tiếng ghi ta nâu” tạo âm hưởng tiếng ghi ta vừa gần gũi, vừa buồn thương, da diết. Tiếng ghi-ta là tiếng van vỉ, khóc thương của “trái tim tử thương” trong bài thơ La guitarra của Lorca, nó cũng là định mệnh nghiệt ngã của người nghệ sĩ yêu tự do, cái Đẹp, người chiến sĩ kiên cường đã chết dưới tay phát xít. Tái hiện lại cuộc đời, số mệnh đau thương, ngắn ngủi của nhà thơ Lorca, Thanh Thảo đã sử dụng biểu tượng tiếng đàn như thay cho lời than khóc. Tiếng đàn mà Garxia Lorca đã từng yêu tha thiết nay trở thành dòng ca tưởng niệm chính Lorca.

Hình ảnh cô gái Di-gan với điệu luân vũ huyền hoặc mê mẫn hồn người cùng nhịp bước réo rắt ghi-ta cũng là một thi ảnh quen thuộc trong thơ Lorca nó làm cho bài thơ của Thanh Thảo trữ tình và mê hoặc hơn cùng với tiếng ghi-ta bi thương giao cảm với đời. Cũng như màu xanh màu bạc cũng là sắc màu tượng trưng trong những điệu ballad của Lorca nay ta lại gặp màu sắc ấy trong Đàn ghi-ta của Lorca mà Thanh Thảo đã tượng nên hình và hòa nên điệu để diễn tả những điều mà ngôn ngữ bất lực.

Tất cả thi ảnh của Thanh Thảo và Lorca hòa quyện vào nhau tạo nên biểu tượng chung là tiếng guitar huyền sử, trong thế giới ấy, hai nghệ sĩ hòa tấu cùng nhau khúc guitar Việt Nam – Andalucia nghĩa tình và tài hoa nhằm thăng hoa nghệ thuật và cuộc sống.

Kết luận

Cả Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo và Guitar của G.Lorca đều là một bài thơ nhạc và có những điểm chung cùng tấu khúc bi thương giao cảm với đời. Việc tìm hiểu bài thơ Guitar của Lorca sẽ là cơ sở làm rõ thêm cho việc hiểu ý nghĩa biểu tượng trong Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo. Qua sự soi chiếu hai bài thơ, ta thấy được sự tri âm của hai con người khác thời đại, để mạnh dạng khẳng định giá trị nghệ thuật là hằng sống và lưu truyền qua bao thế hệ cách tân. Đồng thời, ta hiểu hơn về thơ tượng trưng và sự đóng góp lớn lao của nó cho nền văn học nhân loại. Việc tìm hiểu hai bài thơ này giúp cụ thể hóa những kiến thức đã học, âm nhạc tính và màu sắc hội họa hòa quyện làm nên biểu tượng thơ diễn đạt những góc khuất tâm linh mà ngôn ngữ bất lực. Do tính chất tiểu luận và thời gian hạn hẹp, bài viết chắc hẳn chưa khai thác hết ý nghĩa của Đàn ghita của Lorca vì mới soi chiếu với một tác phẩm, trong những bài viết sau, sẽ soi chiếu thêm với một số bài thơ khác có liên quan của Lorca như bài Ghi nhớ, Điệu ballad của vầng trăng, Điệu ballad của kẻ mộng du... thì hẳn sẽ có thêm những cách hiểu khác nữa.

Tài liệu tham khảo

Lorca, Federico Gacía. Bài thơ Guitar, Ghi nhớ

Hoàng Hưng, Đôi lời về thơ Lorca,

http://hoangphongtuan.wordpress.com

Nguyễn Thị Minh Duyên, Đàn ghi ta của Lorca - tiếng đàn gọi tiếng tri âm

Nguyễn Tống, "ĐÀN GHITA CỦA LOR-CA"- Khúc tưởng mộ của Thanh Thảo dành cho Lor-ca - thiên tài nghệ thuật của Tây Ban Nha

Lê Huy Bắc, LIÊN VĂN BẢN (INTERTEXT) TRONG “ĐÀN GHI TA CỦA LORCA”

Hoàng Thị Minh Hóa, KẾT CẤU VÀ NGÔN NGỮ THƠ THANH THẢO – NHÌN TỪ LÍ THUYẾT THI PHÁP HỌC CỦA ROMAN JAKOBSON,

http://bichkhe.org

Thanh Thảo, Khối vuông Rubíc. Hà Nội: NXB Tác phẩm mới.1985 Nguyễn Thanh Tuấn, Nhạc tính trong thơ Thanh Thảo; Thanh Thảo – trên đường đến với thơ tượng trưng, siêu thực

Phan Huy Dũng, Tiếp cận văn bản Đàn ghita của Lorca

Thái Nguyễn Hồng Sương, Quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo

Đào Lê Na, Thơ tượng trưng: thơ của dấu hiệu và giao cảm bí mật

http://diendankienthuc.net/diendan/ly-luan-phe-binh-van-hoc/53890- chu-nghia-tuong-trung-va-sieu-thuc-trong-tho-

Một phần của tài liệu Tìm hiểu Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo trong mối tương quan với Ghita của Lorca hc (Trang 31 - 34)