5 Kỷ luật tự giác
5.2 Kỷ Luật Tự Giác: Mười lời khuyên
Mười điều bạn có thể làm tại nhà để hỗ trợ sự phát triển tính kỷ luật tự giác ở con bạn.
1. Trang bị môi trường của bé với trang thiết bị, dụng cụ vừa cỡ với bé. Ví dụ, khi bé muốn rửa những củ cà rốt hay những quả dâu tây, bé sẽ ngồi ở một cái bàn và một cái ghế có cỡ vừa với bé và sử dụng các dụng cụ bếp vừa tay cầm của bé. Chỉ cho bé cách làm thật rõ ràng để thực hiện các thao tác như phủi bụi trên kệ, quét nhà, giặt vớ, lau bàn sau khi ăn xong, xếp quần áo và đặt chúng vào đúng vị trí, dọn bàn ăn và nhiều công việc khác nữa.
2. Hãy cho con bạn học từ chính lỗi lầm của bản thân. Bé sẽ không làm việc vừa nhanh nhẹn vừa hiệu quả giống như bạn được. Trong trường hợp bé đang tập sử dụng một cây lau nhà, có thể sẽ có xà phòng lẫn nước bị văng xuống sàn nhà khi bé hoàn thành công việc. Quá trình thực hiện một công việc quan trọng hơn rất nhiều cho sự phát triển bên trong của bé hơn là mục đích làm sạch sàn nhà.
3. Sử dụng vật dụng trong nhà và các món đồ chơi đúng theo mục đích sử dụng của chúng. Nếu con bạn ném món trò chơi phân loại hình khối, hãy nói rằng “Hãy nhẹ nhàng với đồ chơi của con.” Trẻ nhỏ thỉnh thoảng thể hiện tính khí bất thường, nhưng điều này không có nghĩa là các bé phá phách. Nếu như bé lại tiếp tục ném đồ chơi, hãy hướng sự chú ý của bé đến việc khác: “Chúng ta hãy cùng ra ngoài ném banh.”
4. Khi thích hợp, hãy cho bé những lựa chọn thực tế. Các sự lựa chọn nên thật đơn giản như bánh kẹp đậu phộng bơ hay bánh kẹp phó-mát, hoặc là mua táo xanh hay táo đỏ. Quá nhiều sự lựa chọn sẽ gây cảm giác bị áp đảo, một vài sự lựa chọn mỗi ngày là đủ cho độ tuổi này.
5. Giao tiếp với trẻ một cách tích cực và chân thành. Con bạn sẽ phát triển với những lời phát biểu tích cực và không cần phải nhận nhiều lời khen rỗng. Thay vì nói, “Con đúng là một người giúp việc giỏi”, hãy nói “Cám ơn con đã dọn bàn ăn”. Thay vì ra lệnh “Đi ra khỏi bàn”, bạn nhấc bé khỏi bàn và nói, “Đặt chân xuống sàn nhà.”
6. Khen thưởng là một điều không cần thiết khi con bạn thực hiện những gì bạn muốn bé làm. Đối với trẻ em, phần thưởng là ở ngay chính việc làm của bé. Người lớn có thể cho rằng ‘công việc’ là thứ mà chúng ta phải làm, nhưng đối với trẻ em công việc lại là những trò chơi của các bé.
7. Duy trì những thói quen hằng ngày một cách nhất quán. Trẻ em cần thời gian ngủ đúng giờ, những bữa ăn đều đặn, khoảng thời gian với các thành viên gia đình, và nhiều cơ hội để đốt cháy năng lượng và giải trí ngoài trời. Khi có thể dự đoán trước những hoạt động thường ngày thì bé có thể biết những gì sẽ đến.
8. Đặt ra những giới hạn phù hợp với gia đình bạn, và bảo đảm rằng mỗi thành viên đều áp dụng chúng. Khi bạn thường xuyên nhượng bộ các yêu cầu của con bạn, sẽ khó cho bé hiểu được những gì bạn mong đợi ở bé.
9. Đánh giá mỗi một tình huống trước khi phản ứng lại. Nếu con bạn mất kiểm soát, hãy tự hỏi bản thân rằng bé có đói, mệt, nản chí hay quá khích động hay không. Từng trường hợp riêng sẽ cần một cách phản ứng khác nhau.
10. Biết rằng phạt là hình thức không hiệu quả. Hình phạt có những giá trị giới hạn, vì nó làm cho trẻ tập trung vào những gì không được làm hơn là vào những gì nên làm, và nó thường làm cho vấn đề đơn giản trở nên phức tạp hơn. Trẻ nhỏ có thể thường ghi nhớ những hình phạt, nhưng không thể nối kết được hình phạt với hành vi đã gây ra hình phạt đó.