3. Vậy, chúng ta cần phải làm gì?
NGUYỄN ĐÌNH HOÀ(*)
Môi trường tự nhiên là điều kiện sống vô cùng cần thiết và không thể thay thế đối với con người. Trong điều kiện hiện nay, khi mà vấn đề môi trường sống đã trở thành một vấn đề toàn cầu, cả hai khuynh hướng hoặc là tuyệt đối hoá yêu cầu bảo vệ môi
trường đến mức cực đoan, hoặc là chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế đều không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Bởi vậy, phát triển bền vững, trong đó bảo đảm sự kết hợp hài hoà giữa mục tiêu kinh tế, mục tiêu xã hội và mục tiêu bảo vệ môi trường, là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với quy luật khách quan. Nền tảng của sự phát triển bền vững chính là dựa trên sự đồng tiến hoá giữa con người và tự nhiên. Triết lý của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã chỉ rõ cơ sở hiện thực của chiến lược phát triển bền vững; nó không chỉ khẳng định vai trò của con người, mà còn làm nổi bật sự quy định lẫn nhau của lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, sự đồng tiến hoá của con người và tự nhiên.
Môi trường tự nhiên đóng vai trò đặc biệt quan trọng và không thể thay thế đối với sự tồn tại, phát triển của con người cũng như của xã hội loài người. Điều này thể hiện trước hết ở chỗ, về mặt nguồn gốc, như các tài liệu khoa học đã chỉ ra, con người được sinh thành do sự tiến hoá lâu dài của tự nhiên chứ không phải là kết quả từ sự "nhào nặn" của một lực lượng siêu nhiên nào đó theo quan niệm của chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo. Ph.Ăngghen đã khẳng định rằng, con người với bộ óc biết tư duy sáng tạo của mình là sản phẩm cao nhất của sự tiến hoá trong nhiều triệu năm của vật chất, là "một cơ thể phức tạp nhất mà giới tự nhiên sản sinh ra được"(1). Mặt khác, lịch sử xã hội loài người đã, đang và sẽ tiếp tục chứng minh rằng, tự nhiên là môi trường sống không thể thiếu của con người. Chính vì thế, con người cần chung sống hài hoà với tự nhiên, hay nói cách khác, đồng tiến hoá giữa con người và tự nhiên là một trong những nền tảng cơ bản của phát triển bền vững.
Do ảnh hưởng và tác động của cách mạng công nghiệp vào đầu thế kỷ XVIII, đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ từ giữa thế kỷ XX, cho đến nay, sự phát triển của nền kinh tế thế giới đã có sự thay đổi sâu sắc cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Như chúng ta đã thấy, để thoả mãn nhu cầu vật chất ngày càng tăng của mình, con người đã tìm mọi biện pháp để thúc đẩy, mở rộng các hoạt động sản xuất và trong suốt một thời gian dài, tăng trưởng kinh tế trở thành mục tiêu trung tâm, chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của các quốc gia trên thế giới. Theo đó, phạm vi và mức độ tác động của con người vào giới tự nhiên ngày càng gia tăng. Quả thực, vượt lên rất xa so với cái bản năng sống dựa vào những sản phẩm tự
nhiên sẵn có như trong buổi bình minh của lịch sử loài người, cùng với sự phát triển của mình, con người - nhờ sức lao động và các phương tiện trợ giúp ngày càng hiện đại - đã in dấu ấn đậm nét lên tự nhiên, biến những cái dường như không thể trở thành những cái có thể để thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của mình. Từ chỗ chỉ biết lợi dụng tự nhiên, sống dựa vào tự nhiên một cách thụ động, con người đã tiến đến cải tạo, biến đổi tự nhiên theo ý muốn của mình; từ chỗ bị các lực lượng tự nhiên chi phối, con người đã dần vươn lên chế ngự tự nhiên. Những thành tựu mà con người đạt được, xét riêng về phương diện kinh tế, là hết sức vĩ đại. Nó thể hiện sức mạnh, năng lực cải biến tự nhiên để làm nên lịch sử của con người. Với một ý nghĩa nhất định, đó phải được coi là một dấu hiệu của sự tiến bộ, của sự phát triển xã hội nói chung và của mỗi người nói riêng.
Tuy nhiên, xét từ góc độ sinh thái học, dường như cái gọi là những thành tựu trong tiến trình chinh phục tự nhiên lại đang "chống lại" con người. Trên thực tế, ngày nay, con người đang phải gánh chịu sự "trừng phạt" của tự nhiên do những hành động thái quá, phiến diện của mình.
Thực vậy, do sức hút của nguồn siêu lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác tự nhiên cũng như đòi hỏi thoả mãn các nhu cầu vật chất ngày càng tăng của con người, hoặc cũng có thể do sự thiển cận, phiến diện của những chiến lược, chính sách phát triển kinh tế trước đây, con người đã vô tình hay cố ý không tính đến ngày mai của chính mình và lợi ích của các thế hệ tương lai. Trước khi tiếng chuông cảnh tỉnh về những nguy cơ, thảm hoạ môi trường sinh thái được gióng lên, ở tất cả các nước, tuỳ theo trình độ phát triển, người ta tìm mọi cách để có thể khai thác tài nguyên một cách tối đa, không bận tâm đến những hậu quả môi sinh, bất chấp lợi ích cũng như quyền được hưởng những nguồn lợi tự nhiên của các thế hệ tương lai.
Như chúng ta đã biết, trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, con người với tính cách động vật biết chế tạo và sử dụng các công cụ lao động đã không ngừng gia tăng năng lực “chinh phục” tự nhiên. Với sự trợ giúp của các phương tiện lao động mới, đặc biệt là các tiến bộ khoa học và công nghệ, con người đã tác động mạnh mẽ vào tự nhiên, sáng tạo nên những giá trị vật chất mới. Cùng với thời gian, với sự phát triển của đại công nghiệp và khoa học kỹ thuật, con người mải miết theo đuổi những
kế hoạch, những dự án cải tạo tự nhiên để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và say sưa với những thành tựu của mình. Trong khi đó, tự nhiên đã phải "gồng mình" để chịu đựng những tổn thương tích tụ ngày càng lớn do tác động của con người, cả về phạm vi lẫn tính chất nghiêm trọng. Hàng loạt vấn đề môi trường bức bách, từ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường sống, suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái đến những căn bệnh hiểm nghèo... đang đe doạ sự tồn tại và phát triển của con người. Những vấn đề đó đã trở thành một hiện tượng phổ biến, hiện hữu ở khắp mọi nơi, bất kể nước giàu hay nước nghèo, nước phát triển hay nước chậm phát triển. Có thể nói, ngày nay, môi trường sinh thái đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Và, con người đang phải trả giá cho những hành vi “tước đoạt” tự nhiên một cách bất chấp quy luật.
Thực tế đó đã chứng minh rằng, cho đến nay, tiên đoán khoa học vượt trước thời đại của Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên vẫn giữ nguyên giá trị và có ý nghĩa vô cùng to lớn, đặc biệt là trong hoàn cảnh con người đang phải đối mặt với những vấn đề môi trường nảy sinh do sự sai lầm, cực đoan, thái quá trong tiến trình “chinh phục tự nhiên” của mình.
Vào khoảng giữa thế kỷ XX, trước những nguy cơ, hiểm hoạ môi trường sinh thái, một khuynh hướng cực đoan - chủ trương giảm đến mức tối đa sự tác động của con người lên tự nhiên đã xuất hiện. Có thể nói, ý tưởng cho rằng có thể bảo vệ được môi trường sinh thái bằng cách không tác động vào tự nhiên chỉ là một ảo tưởng, bởi con người không thể chấp nhận một hệ số phát triển bằng không. Về thực chất, đó chỉ là một cách phản ứng tiêu cực, một lựa chọn thể hiện sự bế tắc trong cuộc sống mà hoàn toàn không phải là lối thoát khôn ngoan, tiến bộ và văn minh.
Một khuynh hướng khác cũng hết sức sai lầm là quan điểm cho rằng, cần phải tăng trưởng kinh tế trước, từ đó mới có cơ sở để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường. Nói theo ngôn ngữ của y học, chấp nhận giải pháp "chữa bệnh" thay vì chủ động "phòng bệnh", tức là đi ngược lại với phương châm của y học truyền thống và hiện đại. Trên thực tế, dù đã được cảnh báo và chứng kiến những hậu quả to lớn về mặt môi sinh, song ở không ít quốc gia, đặc biệt là ở các nước chậm phát triển và đang phát triển, mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn chiếm vị trí ưu tiên hơn so với mục tiêu bảo vệ môi trường và sử
dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Giải quyết công ăn việc làm, khắc phục tình trạng đói nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất cho con người cũng như xây dựng tiềm lực kinh tế cho đất nước... là những nhu cầu chính đáng và cấp thiết. Nhưng, nếu vì thế mà chỉ coi trọng tăng trưởng kinh tế, tiếp tục bỏ qua hoặc xem nhẹ yêu cầu bảo vệ và cải thiện môi trường thì lại là một sai lầm với những hậu quả đã thấy trước. Có thể khẳng định rằng, nếu khuynh hướng này không sớm được điều chỉnh thì thay vì tạo nên một cuộc sống có chất lượng cao hơn, con người lại tạo ra những yếu tố để tự phủ định sự tồn tại, phát triển của chính bản thân mình. Điều đó cũng có nghĩa rằng, quan niệm coi phát triển trước hết và chủ yếu là tăng trưởng kinh tế đã không còn phù hợp và cần được thay đổi.
Rõ ràng, cả hai khuynh hướng: hoặc là tuyệt đối hoá yêu cầu bảo vệ môi trường đến mức cực đoan, hoặc là chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế đều không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Trên thực tế, hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường dường như có sự mâu thuẫn. Nhưng, con người cũng không thể chỉ lựa chọn hoặc là cái này, hoặc là cái kia. Trong điều kiện hiện tại, kết hợp, gắn liền mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên nhằm tạo nên sự chung sống hoà bình, cùng phát triển giữa con người với tự nhiên là phương án hữu hiệu hơn, thực tế hơn, thể hiện sự khôn khéo, thông minh của con người.
Trước những bức bách của vấn đề môi trường sinh thái, cũng như sự lo ngại về triển vọng phát triển của con người trong hiện tại và tương lai, nhận thức về tự nhiên, về mối quan hệ giữa tự nhiên, xã hội và con người đã có những thay đổi căn bản. Thay vì coi tự nhiên là nguồn của cải vô tận và chỉ biết khai thác từ đó những gì có lợi cho mình như trước đây, con người ngày nay đã nhận ra rằng, tự nhiên là một thể thống nhất và sức chịu đựng của nó trước những tác động của con người không phải là vô hạn; rằng, bên cạnh việc sử dụng, khai thác tự nhiên, con người còn phải bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, phải "chung sống hài hòa” với tự nhiên.
Từ sau Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Môi trường và phát triển họp tại Rio de Janeirio, Braxin năm 1992, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã trở thành đặc trưng cơ bản của thời đại. Phát triển bền vững được xem là một lựa chọn tối ưu, là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển của các quốc gia trên thế giới trong
điều kiện hiện nay. Thoạt đầu, phát triển bền vững được nhấn mạnh như là sự phát triển lâu dài dưới góc độ môi trường. Ngày nay, khái niệm này được phân tích rộng hơn, bao gồm ba chiều cạnh (hay nhằm đến 3 mục tiêu) chủ yếu: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Như vậy, có thể hiểu phát triển bền vững là sự phát triển mà trong đó, bảo đảm sự kết hợp hài hoà giữa mục tiêu kinh tế, mục tiêu xã hội và mục tiêu bảo vệ môi trường. Theo đó, có thể nhận thấy rằng, một trong những cơ sở, nền tảng chủ yếu của phát triển xã hội bền vững chính là sự đồng tiến hoá giữa con người và tự nhiên. Sự đồng tiến hoá ấy, theo chúng tôi, là sự cùng tồn tại, quy định lẫn nhau và cùng phát triển của con người và tự nhiên.
Có thể nói, tuy còn manh nha, chưa hoàn chỉnh hoặc ít nhiều còn mang mầu sắc thần bí, song tư tưởng về mối quan hệ gắn bó, khăng khít giữa con người và tự nhiên đã nảy nở ngay từ thời cổ đại. Trong quan niệm của một số tôn giáo và học thuyết triết học phương Đông truyền thống, con người không đối lập với giới tự nhiên, mà luôn được coi là một thành tố, một bộ phận của giới tự nhiên. Nho giáo cho rằng, con người sống giữa trời đất, giữa vạn vật nên quan hệ của con người với trời đất là quan hệ "thiên nhân cảm ứng". Tương tự như vậy, Đạo giáo cũng coi trọng sự hoà hợp, thống nhất của con người trong quan hệ với tự nhiên, với vạn vật trong vũ trụ. Quan niệm về sự hài hoà của Lão Tử chứa đựng hai nội dung chính: con người và trời đất dựa vào nhau để tồn tại, phát triển (thiên nhân hợp nhất); quan hệ thuận hoà giữa con người với con người. Với quan niệm ấy, ông đã đưa ra một triết lý nhân sinh: con người phải sống thanh tịnh, thuận theo tự nhiên, không trái với tự nhiên. Trang Tử quan niệm rằng, giữa vật và ta có sự bình đẳng; rằng, trời đất cùng sinh với ta, vạn vật với ta là một... Phật giáo nguyên thuỷ coi mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, đồng thời là điều kiện cho sự tồn tại của nhau. Ở Việt Nam, tư tưởng về sự hoà hợp giữa con người và tự nhiên cũng xuất hiện khá sớm.
Khác với phương Đông, ở phương Tây, tồn tại khuynh hướng đề cao đến mức tuyệt đối hoá con người trong mối quan hệ với tự nhiên. Triết học Hy - La cổ đại tôn vinh vị trí và vai trò con người. Protagor coi con người là thước đo của vạn vật. Chủ nghĩa duy lý thế kỷ XVII - XVIII đã nhấn mạnh rằng, con người là trung tâm của vũ trụ, là
chúa tể của giới tự nhiên. Kitô giáo quan niệm thế giới và con người là sản phẩm do Chúa sáng tạo ra; con người là hình ảnh của Chúa nên con người cũng có khả năng sáng tạo và có quyền thống trị giới tự nhiên... Những quan niệm đó là cơ sở cho sự nảy nở và phát triển triết lý con người chinh phục theo kiểu "thống trị", "tước đoạt" tự nhiên trong suốt một thời gian dài, để lại những hậu quả môi trường to lớn mà ngày nay, con người đang phải nỗ lực tìm cách khắc phục.
Với luận điểm nổi tiếng - triết học không chỉ giải thích thế giới, mà còn cải tạothế giới, - triết học Mác cũng không nằm ngoài truyền thống con người chinh phục tự nhiên của văn hoá châu Âu. Tuy nhiên, cần phải thấy là, cái triết lý con người cải tạo thế giới và chinh phục tự nhiên của triết học Mác khác hẳn với quan niệm truyền thống của phương Tây(2).
Theo quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, thế giới thống nhất ở tính vật chất của nó, giữa con người và giới tự nhiên có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác khẳng định "Giới tự nhiên … - là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự