Tư tưởng yêu nước, tư tưởng yêu nước Việt Nam truyền thống

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN: ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG - MỘT VẤN ĐỀ BỨC XÚC CỦA CHÚNG TA HIỆN NAY docx (Trang 27 - 30)

Xã hội, dưới bất cứ hình thức nào, cũng là sự tác động qua lại giữa người và người. Mối liên hệ phụ thuộc, gắn bó giữa con người và con người trong quá trình nhận thức và cải tạo hiện thực đã làm xuất hiện các cộng đồng người tiến hoá dần từ bầy người nguyên thuỷ đến thị tộc, bộ lạc, bộ tộc, dân tộc. Sự hình thành và phát triển các hình thức tồn tại của con người trong các cộng đồng dân tộc nhất định trên những đất nước hay lãnh thổ khác nhau, trong những điền kiện tự nhiên và sinh hoạt văn hoá khác nhau, hình thành nên mạng lưới các quan hệ ngày càng phức tạp. Đó không chỉ là quan hệ trong hoạt động sản xuất, mà còn là quan hệ trong hoạt động tinh thần. Sự phát triển cao của hình thức cộng đồng xã hội mang tính ổn định đó là cộng đồng quốc gia dân tộc. Hoạt động thực tiễn của con người trong các quốc gia dân tộc chiếm vị trí trung tâm là hoạt động xây dựng và bảo vệ quốc gia dân tộc. Từ đó mà hình thành nên ý thức về xây dựng và gìn giữ đất nước, quốc gia dân tộc, ý thức yêu nước, chủ nghĩa yêu nước.

Như vậy, tư tưởng yêu nước là tư tưởng và tình cảm phổ biến của nhân dân ở mọi cộng đồng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Bởi thế, nó là đối tượng thu hút sự quan tâm của khoa học xã hội và nhân văn. Tuỳ theo góc độ tiếp cận, khái niệm yêu nước đã được nghiên cứu, làm rõ ở các khía cạnh khác nhau.

Dưới góc độ tâm lý học, yêu nước được coi là một tình cảm bậc cao. Tình cảm yêu nước xuất hiện trong quá trình hình thành và phát triển cộng đồng quốc gia dân tộc. Là một trình độ nhận thức xuất phát từ chính nhu cầu tồn tại và phát triển của cộng

đồng dân tộc, khi đã hình thành, tình cảm yêu nước không chỉ là mục tiêu, mà còn trở thành một bộ phận quan trọng, một động lực thúc đẩy hành động của mỗi cá nhân và toàn thể cộng đồng. Tình cảm yêu nước phát triển là cơ sở để hình thành nên tư tưởng yêu nước, ý thức yêu nước.

Dưới góc độ đạo đức học, yêu nước là một giá trị đứng đầu bậc thang giá trị của dân tộc, là tiêu chuẩn cao nhất của đạo lý các dân tộc, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển của mỗi dân tộc.

Dưới góc độ triết học và từ khía cạnh triết học nhân sinh, tư tưởng yêu nước là một bộ phận của ý thức xã hội, là mặt tinh thần của đời sống xã hội hiện thực, bị quy định bởi tồn tại xã hội nhưng vẫn có tính độc lập tương đối trong quan hệ với tồn tại xã hội. Tư tưởng yêu nước, đương nhiên, có mối quan hệ chỉnh thể hữu cơ với tình cảm yêu nước, với nền tảng triết học nhân sinh. Với cái nhìn như vậy, các tác giảTừ điển triết học giản yếu đã giải thích: “Yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất được củng cố bởi sự tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm của những Tổ quốc riêng rẽ, yêu nước là tình yêu, lòng trung thành với Tổ quốc, ý thức phục vụ Tổ quốc”(1). Hay cũng có thể định nghĩa về yêu nước: “Yêu nước là nguyên tắc đạo đức và chính trị, một tình cảm xã hội, mà nội dung là tình yêu và lòng trung thành với Tổ quốc, là lòng tự hào về quá khứ và hiện tại của Tổ quốc, ý chí bảo vệ những lợi ích của Tổ quốc”(2).

Về tiến trình hình thành tư tưởng yêu nước, các định nghĩa trên đây đều cho rằng, nó là sự phản ánh hiện thực, phụ thuộc vào các điền kiện lịch sử - cụ thể: “xã hội nguyên thuỷ đã có mầm mống của tư tưởng yêu nước (dựa trên tình cảm huyết thống giữa các thành viên của thị tộc hay bộ lạc). Khi xã hội nguyên thuỷ tan rã, tình cảm tự nhiên gắn bó với quê hương, tiếng mẹ đẻ, v.v., kết hợp với nhận thức về nghĩa vụ của người dân đối với cả cộng đồng xã hội đã được thiết lập. Chủ nghĩa yêu nước biển hiện trong ý thức mong muốn cho Tổ quốc được phát triển về kinh tế, xã hội và văn hoá, bảo vệ Tổ quốc chống lại sự xâm lược của nước ngoài. Cùng với sự hình thành dân tộc và nhà nước dân tộc, chủ nghĩa yêu nước từ chỗ chủ yếu là một yếu tố trong tâm lý xã hội đã trở thành hệ tư tưởng. Nó trở thành lực lượng tinh thần vô cùng mạnh mẽ, động viên mọi người đứng lên bảo vệ Tổ quốc chống xâm lược...”(3).

Ở Việt Nam, cộng đồng dân tộc được hình thành từ sớm do điều kiện tự nhiên, kinh tế, lịch sử, văn hoá,… nên tư tưởng yêu nước cũng hình thành sớm và được phát triển ngày một phong phú, sâu sắc. Nó là bộ phận chính yếu của đời sống tinh thần nói chung, lịch sử tư tưởng triết học của dân tộc nói riêng. Sự phát triển của tư tưởng yêu nước là sợi chỉ đỏ của lịch sử tư tưởng Việt Nam, lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam. "Yêu nước là một truyền thống lớn của dân tộc. Nhưng yêu nước có thể là một ý chí, một tâm lý, một tình cảm xã hội, đồng thời cũng có thể là những lý luận. Với tư cách là một bộ phận của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tư tưởng yêu nước phải được xét trên bình diện lý luận, mà ở đây là lý luận về dân tộc độc lập và quốc gia có chủ quyền; về chiến lược và sách lược chiến thắng kẻ thù, về nhận thức và vận dụng quy luật của cuộc chiến tranh giữ nước, tức là những vấn đề lý luận lớn làm cơ sở cho chủ nghĩa yêu nước"(4).

Như vậy, tư tưởng yêu nước Việt Nam chính là sự phản ánh các yêu cầu đặt ra của tồn tại xã hội Việt Nam trong qúa trình xây dựng và phát triển đời sống cộng đồng dân tộc; đồng thời, nó tác động trở lại cuộc sống đó. Nói cách khác, nó vừa là kết quả của cuộc đấu tranh để cộng đồng dân tộc Việt Nam sinh tồn, phát triển, vừa là nguyên nhân, động lực thúc đẩy quá trình đó. Từ khi được hình thành trong thời kỳ dân tộc sơ khai, tư tưởng yêu nước Việt Nam đã và đang vận động phát triển ngày một hoàn thiện hơn. Khái quát sự vận động đó với tính cách một quá trình nhận thức, chúng ta có thể thấy rằng, giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Mười, cùng với sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tư tưởng yêu nước Việt Nam hiện nay đã đạt đến trình độ hiện đại. Nói đến tư tưởng yêu nước truyền thống là nói đến giai đoạn phát triển của tư tưởng yêu nước từ những thời kỳ đầu dựng nước, giữ nước cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, mà đỉnh cao của nó là những nội dung tư tưởng yêu nước đặt trên cơ sở nền tảng thế giới quan và nhân sinh quan phong kiến phương Đông. Nội dung cơ bản của tư tưởng yêu nước truyền thống Việt Nam là giá trị bền vững của độc lập dân tộc và cố kết cộng đồng để bảo vệ và giành độc lập dân tộc trước sự xâm lược và đô hộ của các thế lực bên ngoài, để xây dựng và phát triển đất nước.

Bước chuyển từ tư tưởng yêu nước Việt Nam truyền thống lên trình độ hiện đại là cả một thời đoạn lịch sử: từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam cho tới khi Hồ Chí

Minh tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ của phương Tây, phương Đông; cải tạo nó và đặt trên cơ sở thế giới quan, nhân sinh quan tiên tiến nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin, coi đó là cơ sở nền tảng của nhận thức mới, lý luận mới về con đường cứu nước, cứu dân. Chính Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng yêu nước truyền thống lên một trình độ mới, hiện đại. Để thấy được ý nghĩa những nội dung chuyển biến mới về chất của tư tưởng yêu nước hiện đại thể hiện ở Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải trở lại bối cảnh lịch sử, xem xét cơ sở hiện thực khách quan của bước chuyển biến đó.

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN: ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG - MỘT VẤN ĐỀ BỨC XÚC CỦA CHÚNG TA HIỆN NAY docx (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)