SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Một phần của tài liệu Chuyên đề về công chứng, chứng thực (Trang 43 - 44)

Từ nhiều năm nay nhu cầu về bản sao, kể cả bản sao được chứng thực là rất lớn. Thực hiện Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08-12-2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực, hoạt động chứng thực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có những đóng góp lớn trong việc đáp ứng yêu cầu chứng thực của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực, cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thể hiện rõ nhất là tình trạng quá tải, ùn tắc và phiền hà trong việc công chứng, chứng thực bản sao giấy tờ, chữ ký tại các Phòng công chứng và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong khi đó, tình trạng quá tải, ùn tắc và phiền hà trong việc công chứng, chứng thực bản sao giấy tờ, chữ ký tại các Phòng công chứng và Ủy ban nhân dân cấp huyện ngày càng tăng, gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là do còn có sự lẫn lộn, trùng lặp giữa hai hoạt động công chứng (hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp mang tính chất dịch vụ công, do công chứng viên thực hiện) và hoạt động chứng thực mang tính chất thị thực hành chính do cơ quan công quyền thực hiện. Trên thực tế, Uỷ ban nhân dân cấp huyện chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong hoạt động chứng thực, thêm vào đó, nhân dân lại có tâm lý “sính công chứng” nên dẫn đến hệ quả là dồn việc chứng thực bản sao giấy tờ, chữ ký về các Phòng công chứng. Do đó, tình trạng quá tải, ùn tắc, bức xúc, tiêu cực xảy ra ở một số Phòng công chứng là khó tránh khỏi. Vì vậy, yêu cầu cấp bách đặt ra là: một mặt, phải làm rõ và tách bạch cho được hai loại hoạt động vốn rất khác nhau về tính chất và chủ thể thực hiện là công chứng và chứng thực; mặt khác, phải tổ chức tốt hơn việc chứng thực theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở, thực hiện việc đơn giản hoá trình tự, thủ tục, bảo đảm thuận tiện cho người dân.

Ngày 29-11-2006, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI, Quốc hội đã thông qua Luật công chứng (có hiệu lực kể từ ngày 01-7-2007). Theo Luật này công chứng được xác định: công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Với việc tách bạch phạm vi giữa công chứng và chứng thực để từ đó xác định những nguyên tắc tổ chức và hoạt động phù hợp đối với mỗi loại hoạt động này là phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (sau đây gọi tắt là Nghị định số 79/2007/NĐ-CP) là cần thiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu bức xúc của nhân dân. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo (đăng Công báo ngày 15-6-2007) và thay thế các quy định về chứng thực bản sao, chữ ký trong Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08-12-2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực.

Một phần của tài liệu Chuyên đề về công chứng, chứng thực (Trang 43 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w