Trong lưới điện có NĐG, khi xảy ra sự cố NĐG có thể làm giảm bớt mức độ suy giảm điện áp, tuy nhiên cũng ảnh hưởng tới sự phân bố dòng sự cố với mức độ phức tạp tăng lên. Các NĐG thường được đấu nối vào lưới phân phối điện và có đóng góp đáng kể vào mức độ sự cố tổng của lưới điện, về cơ bản được xác định bằng cách kết hợp mức độ đóng góp dòng ngắn mạch của phần lưới phía trước và các NĐG khác nhau trong lưới phân phối điện.
Dưới đây là những ảnh hưởng của NĐG tới dòng điện sự cố và các thiết bị bảo vệ.
3.4.1. Ảnh hưởng của NĐG đến việc dòng điện tăng cao trong các trường hợp sự cố sự cố
Khi xảy ra ngắn mạch, dòng điện ngắn mạch ngoài việc được cung cấp năng lượng từ hệ thống, còn được cung cấp năng lượng từ các nguồn phân tán. Do đó dòng điện trong các chế độ sự cố ngắn mạch trên lưới điện sẽ tăng lên. Khi đó, với tính chất của lưới phân phối thì sự gia tăng giá trị dòng sự cố cần đảm bảo các điều kiện:
+ Dòng điện sự cố không được vượt quá dòng điện ngắn mạch định mức của thiết bị.
+ Thiết bị bảo vệ quá dòng điện có khả năng cắt sự cố tương đương với mức độ của dòng điện ngắn mạch.
+ Phải có sự phối hợp chặt chẽ, thích hợp giữa thiết bị bảo vệ trên lưới điện như: rơle, tự động đóng lại, cầu chì và các thiết bị bảo vệ quá dòng khác.
Nếu dòng sự cố tăng quá cao và có thể cao hơn dòng cắt ngắn mạch của máy cắt sẽ dẫn đến hư hỏng cho thiết bị và mất an toàn cho người vận hành. Khi đó, nếu tiến hành thay thế các thiết bị có khả năng chịu đựng dòng ngắn mạch tương ứng sẽ làm tăng vốn đầu tư của lưới điện. Điều đó sẽ dẫn tới các bài toán về mặt kinh tế khi kết nối các nguồn phân tán vào lưới điện.
Trên thực tế, mức độ tăng của dòng điện sự cố phụ thuộc công suất, mức độ thâm nhập, công nghệ và giao diện kết nối của NĐG cùng với cấp điện áp hệ thống trước khi sự cố. Công suất của nguồn NĐG ngày cang lớn, mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng.