Chính sách đầu tư phát triển

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ pot (Trang 49 - 52)

Thị trường Mỹ là một thị trường có sức tiêu thụ sản phẩm dệt may rất lớn, do vậy cần một nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển. Để làm được điều này, những năm qua, Nhà nước ta đã có chính sách đầu tư để phát triển ngành dệt may nói chung và để thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ nói riêng. Cụ thể:

Về thu hút vốn đầu tư

Tạo nguồn vốn trong nước bằng cách cổ phần hoá doanh nghiệp, trước hết ở ngành may và lựa chọn cổ phần hoá một số xí nghiệp dệt. Cổ phần hoá dựa trên nghiên cứu quy mô đầu tư thích hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp.

Cùng với thu hút vốn đầu tư trong nước, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài dưới mọi hình thức như các doanh nghiệp liên doanh, cổ phần hay 100% vốn nước ngoài.

Đối với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách “khuyến khích các công ty nước ngoài tham gia vào quá trình sản xuất hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam”. Chính sách này cụ thể như sau: Các công ty nước ngoài tham gia vào sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho hàng dệt may sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt về thuế với điều kiện 90% sản phẩm sản xuất ra phải được xuất khẩu hoặc làm nguyên

liệu cho ngành dệt may xuất khẩu. Thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên vật liệu cần thiết phục vụ cho quá trình sản xuất và thuế xuất khẩu thành phẩm thấp hơn 30% mức thuế suất thông thường quy định trong biểu thuế xuất nhập khẩu mới của Việt Nam được áp dụng từ 1/1/1999, còn thuế nhập khẩu các dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các trung tâm công nghệ nguồn (Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản) thì thấp hơn 50% mức thuế quy định đối với sản phẩm cùng loại trong biểu thuế. Với chính sách này, Việt Nam có thể thu hút được sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình sản xuất hàng dệt may tại Việt Nam. Qua đó, Việt Nam không những thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn, nhập khẩu công nghệ nguồn mà còn nâng cao và tiêu chuẩn hoá chất lượng, cải tiến mẫu mã hàng dệt may xuất khẩu. Chính sách này là một trong những phương pháp tối ưu để Việt Nam cải tiến sản xuất, sử dụng công nghệ của công nghiệp dệt may đạt hiệu quả cao trong điều kiện chúng ta rất thiếu vốn và kinh nghiệm còn hạn chế. Nếu đi vay tiền để nhập công nghệ, chưa chắc các kỹ sư Việt Nam đã vận hành máy móc đạt kết quả mong muốn, hơn nữa, vay tiền thì phải có nguồn để trả. Còn ở đây, vốn của phía nước ngoài đóng góp (dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị...) sẽ trả bằng sản phẩm thu được từ quá trình sản xuất. Việt Nam sẽ rất có lợi thông qua những dự án như thế này và chính sách trên là biện pháp tốt nhất để Việt Nam đón nhận được “làn sóng di chuyển ngành dệt may sang các nước Nam á và Đông Nam á”.

Thêm vào đó, Nghị định của Chính phủ số 7/1998/NĐ-CP ngày 15/1/1998 đã xác định các dự án đầu tư sản xuất hàng dệt may cũng như sản xuất nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu thuộc danh mục các ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư. Theo Nghị định này, các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư, được ngân hàng đầu tư và phát triển cùng các ngân hàng thương mại quốc doanh bảo lãnh hoặc cho vay tín dụng xuất khẩu và cho vay đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất mặt hàng xuất khẩu thay thế nhập khẩu thuộc danh mục các ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư, được Nhà nước xem xét trợ giúp thông qua quỹ bình ổn giá trong trường hợp giá thị trường thế giới hoặc trong nước biến động mạnh, gây thua lỗ lớn cho các doanh nghiệp.

Theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước sửa đổi, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động trong đó có ngành dệt may cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu được hưởng các ưu đãi:

- Được giảm 50% tiền sử dụng đất, được miễn tiền thuế đất từ 3 – 6 năm, được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 25% so với mức thuế chung là 32%.

- Doanh nghiệp dệt may sử dụng nhiều lao động được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong hai năm tiếp theo cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mới mang lại.

Luật đầu tư nước ngoài cũng có nhiều thay đổi có tác dụng khuyến khích xuất khẩu và đầu tư cho ngành dệt may, đặc biệt là ngành dệt, góp phần giảm chi phí nguyên vật liệu cho ngành may xuất khẩu. Một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm:

- Các dự án sản xuất thuốc nhuộm, hoá chất chuyên dùng, tơ sợi, các loại hàng dệt để xuất khẩu nguyên liệu cao cấp để sản xuất quần áo xuất khẩu thuộc danh mục các dự án được khuyến khích đầu tư. Các dự án xuất khẩu 100% sản phẩm thuộc danh mục được khuyến khích đầu tư.

- Các dự án đầu tư có tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm từ 80% trở lên được cơ quan cấp giấy phép đầu tư quyết định cấp giấy phép đầu tư trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

- Doanh nghiệp bán sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất cho các doanh nghiệp khác để trực tiếp sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và thuế doanh thu tương ứng đối với số sản phẩm trên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “xuất khẩu gián tiếp” qua các doanh nghiệp xuất khẩu khác.

Mặc dù còn những điều bất cập, những đổi mới trong Luật đầu tư trong nước cũng như Luật đầu tư nước ngoài có tác dụng khuyến khích đầu tư và tháo gỡ phần nào những khó khăn về tài chính cũng như tổ chức triển khai các dự án đầu tư trong ngành dệt may.

Có sự khác nhau trong phân bổ vốn giữa các ngành và các loại hình doanh nghiệp. ở ngành dệt, các xí nghiệp thuộc quốc doanh trung ương vẫn là loại hình có vốn lớn nhất và liên tục tăng qua các năm. Nhờ có vốn lớn, các doanh nghiệp này có thể trang bị thêm cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư theo chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiếp cận trực tiếp với thị trường xuất khẩu thế giới mà không cần phải thông qua một số khâu trung gian của các thương nhân nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhà nước địa phương thì lại có xu hướng giảm sút về vốn đầu tư và quy mô nhỏ hơn. Còn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, phần lớn có số vốn nhỏ. Với số vốn nhỏ, các doanh nghiệp này khó có thể vươn lên vì cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, không thể áp dụng được những kỹ thuật tiên tiến hiện nay trên thế giới. Do đặc điểm của ngành may là không phải đầu tư để đổi mới công nghệ mà chỉ là trang thiết bị, nên ngành này đòi hỏi vốn ít hơn so với ngành dệt. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay thì đầu tư vào các doanh nghiệp may vẫn còn thấp, phần lớn có số vốn dưới 5 tỷ đồng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ pot (Trang 49 - 52)