Là một trong lễ hội truyền thống, hội Gióng diễn ra trong ba ngày mồng 6, 7 và 8 tháng Giêng hàng năm tại khu di tích đền Sóc. Năm nay do Lễ hội Gióng đang được đề cử công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nên số lượng du khách về tham dự lễ hội lớn hơn so với những năm trước rất nhiều. Nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải bừa bãi cũng diễn ra xung quanh khu vực đền Sóc. Khi bước chân vào khu di tích, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là rác thải cùng hàng loạt quán bán hàng rong. Thậm chí, xung quanh khu vực thờ tự linh thiêng như đền Trình, đền Mẫu, đền Hạ hay chùa Non Nước… rác cũng bủa vây như túi ni lông, rác bẩn, đồ ăn, thức uống thừa. Khách thập phương buộc phải giẫm lên rác để đến nơi cầu khấn, lễ tạ.
Bên cạnh đó, tại lễ hội còn có quá nhiều hàng quán tự phát mọc ra phục vục cho nhu cầu ăn uống của du khách trảy hội. Song vấn đề thu gom, xử lý rác thải lại luôn bị bỏ quên. Hàng bán cá chỉ vàng thường đắt khách nhất. Chiếu được trải la liệt trên bãi cỏ để làm chốn dừng chân của du khách. Khách thập phương không chỉ có một chỗ ngồi nghỉ mà còn được thưởng thức cá chỉ vàng nướng. Và các hàng bán rong: kem ốc, kem bông, nem rán, bò bía… dù không biết chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đến đâu nhưng du khách vẫn ùn ùn kéo vào…
Xét về tổng thể thì năm nay công tác dẹp bỏ các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lừa bịp ăn tiền làm ảnh hưởng xấu đến giá trị văn hoá của lễ hội giảm đi rất
nhiều nhưng vẫn chưa thể kiểm soát chặt. Vì vậy mà dải suốt những con đường đến các đền, chùa trong khu di tích rất nhiều các tụ điểm cờ bạc vẫn mọc ra, chèo kéo du khách với đủ các loại hình: Xóc đĩa, tôm cua cá, chẵn lẻ, cờ tướng… Để lôi kéo được nhiều người chơi, cả “đội quân cò”, với giọng điệu cuốn hút, được bố trí: “Dễ chơi dễ trúng, nhanh tay nhanh mắt, đặt một ăn hai, chơi là trúng”.... Và cũng không ít người tò mò, tham gia vào, hậu quả là bị mắc “quả lừa”. Do lượng du khách dự hội đông nên trong những ngày lễ hội thường xuyên xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy nhau vào thắp hương cầu khấn . Lợi dụng thời cơ này một số kẻ gian đã móc điện thoại, trộm ví, những tài sản có giá trị khác... Dù cho ban tổ chức liên tục thông báo cảnh giác du khách cần cẩn trọng nhưng do bất tcẩn, sơ ý, một số người vẫn bị mất đồ.
Tất cả những thực trạng đáng buồn này đặt ra cho không chỉ các cơ quan quản lý, tổ chức lễ hội Gióng mà còn như một lời nhắc nhở với chính mỗi người dân khi về với không gian linh thiêng này. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị của Hội Gióng cho sao xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc để không dần làm mai một đi như những giá trị vốn có của Hội Gióng.