Tìm hiểu về vùng đất Hà Tiên

Một phần của tài liệu nghiên cứu về biển sinh vật biển và cảm xúc của con người về biển (Trang 72 - 77)

Hà Tiên không chỉ có “thập cảnh” mà còn rất nhiều cảnh đẹp khác. Thiên nhiên ưu đãi cho Hà Tiên một tổng thể hài hòa: núi, biển, đảo và đồng bằng kết hợp thành một vùng đất đẹp như tên gọi. Biển Hà Tiên cũng rất dồi dào sản vật ngon và lạ. Có lẽ chính vì vậy mà du khách thích đến với Hà Tiên để ngắm cảnh, để ăn hải sản.

Từ trung tâm thị xã Hà Tiên đi vào khoảng 800m là đến núi Lăng. Ao Sen dưới chân núi là công trình thủy lợi có từ thời Mạc Thiên Tích, là nơi trữ nước sinh hoạt cho dân quanh vùng. Núi Lăng là nơi an táng Mạc Cửu, các con cháu và tướng lĩnh của ông, dân chúng tôn kính gọi lâu ngày thành tên.

Bước từng bước lên từng bậc đá xanh Quảng Tây do các nhà buôn Trung Hoa tặng cho Mạc Thiên Tích là đến ngôi mộ vị khai trấn công thần họ Mạc, tôi thầm phục người xưa thật kỳ công khi mang những thớt đá nặng hàng tấn từ Trung Quốc đến tận vùng đất xa xôi cách hàng mấy tháng đường biển.

Đền thờ dòng họ Mạc được gọi là Miếu Lệnh. Cả lăng và đền thờ do Mạc Thiên Tích thiết kế và cho xây dựng vào năm 1735 - 1739. Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu có hình

bán nguyệt khoét sâu vào núi, chỗ chôn hài cốt được đúc bằng đá vôi, cát, đường và nhựa ô dước như hình một con trâu nằm (thế tọa ngưu), tả có thanh long, hữu có bạch hổ. Phía trước 2 bên mộ có hai tượng tướng cầm gươm đứng hầu bằng đá xanh. Ngày nay 2 bức tượng đó bị trộm cưa mất và được đúc lại bằng xi măng. Lăng mộ Mạc Cửu được đặt đúng theo thuật phong thổ: tiền án là núi Tô Châu, hậu chẩm là núi Bình Sơn, trước lăng có dòng lưu thủy đó là Đông Hồ, phía tả là núi Bát Giác, phía hữu là núi Pháo Đài có tên chữ là Đại Kim Dự.

Mặt lăng mộ quay về hướng Đông, lưng tựa núi hai bên có thế tì. Khu mộ rất kiên cố nên dù đã gần 300 năm nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu, các bia mộ bằng đá vẫn còn nguyên vẹn.

Qua sân đá “Bái Đình” hình bán nguyệt viếng mộ Mạc Cửu xong, ta đi thăm các lăng mộ khác ở rải rác khắp các triều núi Bình Sơn như lăng mộ Mạc Thiên Tích, Nguyễn Thị Hiếu Túc (vợ Mạc Thiên Tích)... được khoét sâu vào triền núi. Trên đỉnh núi Lăng có nền Xã Tắc, nền Xuyên Sơn. Tục truyền, thời Thiên Tích, hàng năm vào ngày 9 tháng Giêng Âm lịch thường diễn ra lễ tế trời, thần núi, thần sông tại nền Xuyên Sơn và tế chiến sĩ vong trận tại nền Xã Tắc.

Đi vòng theo chân núi Bình Sơn về hướng Bắc khoảng 3km sẽ đến chùa Phù Dung. Chùa do Mạc Thiên Tích xây cho nàng thứ thiếp Phù Cừ tu hành. Xung quanh chùa là những ngọn núi, bên dưới là những cánh đồng lúa xanh tốt.

Cách đó không xa là núi Đề Liêm có ngọn tháp đá cổ bảy tầng, trên đỉnh tháp một cây đa cổ thụ bao trùm bao đời nay. Tục truyền đó là tháp chứa xá lỵ của Huỳnh Long đại sư. Không biết đại sư từ phương nào đến Hà Tiên để truyền cho người dân tứ phương tụ về đây cái tâm của Phật, cái thiện của nhân gian để cùng chung sống nơi “hải ngoại” này. Đứng trên đỉnh Bình Sơn có thể thấy toàn cảnh đẹp như tranh: Đó bãi Cầu Cầu với những đường bao đang thành dạng hình khu đô thị lấn biển mới. Chẳng bao lâu nơi đây sẽ là khu đô thị hoành tráng trên tổng diện tích 96,5 ha vốn đầu tư lên đến 350 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư.

Những khu nhà phố, biệt thự, siêu thị, resort, đường phố, cây xanh... sẽ thành hình ngay trên vùng đất vốn là biển này. Bên chân núi Pháo Đài là cầu Tô Châu vươn mình đón trăm ngàn lượt người xe qua lại hai bờ Đông Hồ. Dọc hai bờ cửa Đông Hồ, những ngôi nhà tầng khang trang, mới rực màu sơn khoe mình dưới nắng.

Với tổng diện tích 7,573ha và số vốn đầu tư là 27,94 tỉ đồng khung sườn khu Trung tâm Thương mại Hà Tiên vững chãi vươn lên dưới chân cầu Tô Châu. Chợ Hà Tiên sẽ mở rộng, sẽ nối dài, sẽ sầm uất, tha hồ khách du lịch đến tham quan mua sắm. Anh Nguyễn Văn Đan - du khách đến từ TPHCM cảm khái: “Chỉ mới năm năm không trở lại, không ngờ Hà Tiên phát triển nhanh như vậy, khiến tôi không dám dẫn đường cho đoàn vì sợ lạc!”.

Con đường mới mở chạy quanh co chân núi Đèn có bờ biển tuyệt đẹp, nối liền đến tận khu du lịch Mũi Nai. Đi trên con đường này chẳng khác nào đi qua khúc eo Mũi Né của miền Trung. Trên đỉnh núi có ngọn hải đăng hơn trăm năm tuổi vẫn đỏ đèn hằng đêm dẫn đường cho tàu về bến.

Bãi biển mũi né

Con đường mới này nối liền với bãi tắm Mũi Nai. Bãi tắm này không sâu, với cát mịn, nâu, nước biển trong xanh, rất sạch và sóng êm. Bãi Bàng có hàng trăm cây bàng cổ thụ dọc theo bờ rất được du khách ưu chuộng. Bãi Nò trước đây thường là nơi ghe tàu đánh cá về đậu ít có người tắm. Giờ đây Bãi Nò đã được qui hoạch thật sạch đẹp với rất đông du khách đang vui đùa trong làn nước trong lành.

Từ Mũi Nai ra xa bờ chừng vài trăm mét có rất nhiều đảo nhỏ, đảo lớn của quần đảo Bình Trị và Hải Tặc. Hai quần đảo nầy cũng là nơi du lịch rất lý tưởng trong tuyến du lịch biển - đảo. Từ ngoài biển nhìn vao mũi đất này giống hệt cái đầu của một chú nai chà nằm nghểnh ra biển. Tắm xong mệt, đói thì vào quán trên bãi gọi thức ăn đồ uống.

Ở các khu du lịch Hà Tiên ngoài đặc sản biển, món ngon “độc quyền” của Mũi Nai là canh chua cá kẻm nấu sả nghệ với măng tre. Cơm trái thốt nốt ngọt mát làm món tráng miệng thật dễ chịu. Muốn lạ miệng thì ăn món sầu riêng chở từ Kampot (Campuchia) qua. Sầu riêng thịt dày, mùi dậy, vị ngọt và béo ăn một lần nhớ mãi.

Thạch Động cách thị trấn Hà Tiên khoảng 4km về phía Bắc. Từ cửa hang thông ra ngoài của Thạch Động ta có thể nhìn thấy cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia. Đây là một núi đá vôi nguyên khối nằm trên một đế đá cao 98m. Núi có hình như một chiếc mũ lông kỵ binh Anh, được người Pháp gọi là “Bonnet à poil”. Thạch Động đứng sừng sững một mình trên cánh đồng lúa xã Mỹ Đức.

Trong lòng động có nhiều hang ăn thông lên trời hoặc xuống đất. Có một hang ăn sâu xuống lòng đất được truyền tụng là đường xuống Âm phủ. Nay hang này đã được lấp lại để tránh tai nạn cho du khách.

Thạch nhũ trong lòng hang tạo ra muôn hình vạn trạng theo trí tưởng tượng của mọi người: công chúa Quỳnh Nga mặc áo dài xanh, Phật Bà Quan Âm mặc áo trắng, con đại bàng... Các tảng đá nứt chồng lên nhau, tưởng một ngọn gió có thể làm đổ được nhưng ngàn năm nay Thạch Động vẫn trơ gan cùng gió bão.

Thạch động

Cách Thạch Động 1km về phía Đông là núi Đá Dựng gắn liền với truyền thuyết Thạch Sanh bị Lý Thông hãm hại giam cầm ở đây. Trong lòng núi có rất nhiều hang động, riêng có một hang có năm cây thạch nhũ như năm sợi dây đàn khi gõ phát ra tiếng kêu như tiếng đàn đá. Dân chúng cho rằng đây là cây đàn của Thạch Sanh.

Đặc biệt thạch nhũ nơi đây trong như ngọc, vài hang có loại đá sa kim (là một loại tràng thạch Felspath) óng ánh vàng rất đẹp. Đá Dựng là khu du lịch mới được khai thác trở lại từ sau chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979. Đến đó, luồn lách qua vách núi, tò mò chui vào hang động người ta mới thấy hết được sự diệu kỳ của bàn tay tạo hóa.

Mặt trời rạng dần phía bên kia Đông Hồ. Ánh sáng soi rọi lên những tòa khách sạn bề thế bên này sông, lên những ngôi nhà mới cất bên kia chân núi Tô Châu. Tàu đánh cá đậu thành lớp dọc theo hai bờ ra đến tận chân cầu mới.

Tôi tưởng tượng cảng thị thời họ Mạc làm tổng trấn qua sách vở. Chắc đó là những ngôi lầu với khuôn bao chạm trổ, có những cánh cửa gỗ sơn son thếp vàng. Dưới bến kia là những chiếc thuyền buồm lớn đậu chờ ăn hàng để ra khơi, tỏa đi khắp vùng vịnh bao la.

Một phần của tài liệu nghiên cứu về biển sinh vật biển và cảm xúc của con người về biển (Trang 72 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w