Liên kết hợp tác phát triển du lịch sinh thái trong vùng

Một phần của tài liệu Du lịch sinh thái thành phố cần thơ – thực trạng và giải pháp (Trang 115 - 117)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.5.Liên kết hợp tác phát triển du lịch sinh thái trong vùng

- Tăng cường mối quan hệ liên ngành trong phát triển du lịch:

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành cao, họat động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, ăn nghỉ, tham quan giải trí, mua sắm... của du khách, đều có liên quan đến ngành Văn hóa Thông tin, Giao thông Vận tải, Bưu chính Viễn thông, Thể dục Thể thao, Công an, Y tế, Thương mại, dịch vụ và các ngành khác. Nhận thức đầy đủ đến đặc điểm tổng hợp của sản phẩm du lịch sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng để xác định mối quan hệ liên ngành và đa ngành. Mối quan hệ phối hợp họat động giữa du lịch và các ngành liên quan phải được xem là một chiến lược cơ bản và lâu dài, và chỉ có tăng cường mối quan hệ liên ngành thì mới làm hoạt động du lịch phát triển.

Mục tiêu của họat động du lịch là: thỏa mãn nhu cầu của du khách, do vậy nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với nhau đều dẫn đến sự đánh giá không tốt của du khách, từ đó họat động du lịch sẽ khó có cơ hội phát triển.

- Đẩy mạnh liên kết hợp tác với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long:

Sự phát triển của du lịch sinh thái Cần thơ phải đặt trong mối quan hệ tương tác giữa thành phố Cần Thơ – thành phố Hồ Chí Minh – và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì mới có thể phát triển tương xứng với vị trí trung tâm vùng. Mặc dù, tiềm năng du lịch sinh thái của Cần Thơ hạn chế hơn so với các tỉnh phụ cận, nhưng Cần Thơ có cơ sở hạ tầng du lịch tương đối đồng bộ và khá phát triển, lại ở vị trí trung tâm của vùng. Đây là điểm thuận lợi cơ bản để thiết lập mối quan hệ liên kết giữa du lịch sinh thái Cần Thơ với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực để phát huy thế mạnh thể hiện vai trò trung tâm của vùng. Mặt khác, Cần Thơ cần đẩy mạnh mối quan hệ liên kết, hợp tác với các địa phương phụ cận để thu hút nguồn khách, coi tài nguyên du lịch của các tỉnh khác là tài nguyên du lịch của mình để cùng nhau hợp tác và khai thác, xoá bỏ tư tưởng lấy địa giới hành chính làm địa giới kinh tế, đẩy mạnh quan hệ liên kết hợp tác với thành phố Hồ Chi Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sau này là Nômphênh – Campuchia phải được xem là yêu cầu tất yếu và cần thiết để phát triển du lịch Cần thơ và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bước đầu, du lịch Cần Thơ đã ký kết chương trình hợp tác toàn diện với du lịch thành phố Hồ Chí Minh, du lịch An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng, tiếp theo sẽ tiến hành hợp tác liên kết với các tỉnh còn lại. Ngay bây giờ cần đẩy nhanh tiến độ thành lập Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, vận động thành lập công ty lữ hành du lịch Mekong (các tỉnh cùng nhau góp vốn, khai thác sản phẩm du lịch sinh thái của các tỉnh đồng bằng, cùng phân chia lợi nhuận và chịu rủi ro), sự gắn kết này sẽ phát huy tối đa thế mạnh của từng tỉnh và như thế hoạt động khai thác du lịch sinh thái cả vùng sẽ hiệu quả hơn.

Ngành du lịch cần chủ động tăng cường hợp tác với các ngành, địa phương trong vùng và thành phố Hồ Chi Minh để thực các chương trình sự kiện, lễ hội rải đều trong năm. Vận động và phối hợp các tỉnh trong vùng và thành phố Hồ Chí Minh hưởng ứng tổ chức cho được một sự kiện hoặc một lễ hội du lịch tại địa phương mình, cùng với các hoạt động trọng tâm tổ chức tại thành phố Cần Thơ để làm phong phú ngành du lịch và tạo không khí lễ hội tưng bừng ở thành phố Cần Thơ và cả đồng bằng sông Cửu Long.

- Phát triển “tam giác du lịch” Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang:

Phát triển “tam giác du lịch” Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang: Sở du lịch thành phố Cần Thơ cùng với An Giang, Kiên Giang đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch vào tháng 07/2006, trên cơ sở đó thành phố Cần Thơ có thuận lợi để phát triển loại hình du

lịch MICE (cuộc gặp gỡ, khen thưởng, triển lãm) và loại hình du lịch sinh thái vườn, du lịch chợ nổi trên sông. Kiên Giang có rừng - núi - biển - đảo, đặc biệt là Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khu vực và quốc tế đảo Phú Quốc đang là điểm “nóng” về du lịch. An Giang vừa có đặc trưng của vùng miền Tây sông nước lại vừa có núi, và nhiều chùa chiền thuận lợi phát triển loại hình du lịch tâm linh, dã ngoại kết hợp với du lịch sinh thái, leo núi. Mục tiêu của việc hợp tác này là nhằm từng bước tạo mối liên kết phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long với mô hình “Tam giác du lịch” thí điểm. Nội dung hợp tác bao gồm: phối hợp quy hoạch kế hoạch phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch căn cứ trên thế mạnh và đặc thù của mỗi nơi, tránh trùng lấp để tạo sự hấp dẫn của các điểm và cùng nhau hỗ trợ, xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, xây dựng các chương trình tour du lịch kết nối các tuyến điểm du lịch để quảng bá thu hút khách, hợp tác tạo ra sự kiện du lịch như lễ hội văn hóa, festival...diễn ra hàng năm phối hợp đào tạo, bồi dưỡng các cấp về nghiệp vụ du lịch.

Khởi động chương trình, Sở Du lịch thành phố Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang thành lập Trung tâm tư vấn cung cấp thông tin về các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn của mỗi tỉnh, thành phố, chọn ra những điểm hấp dẫn giới thiệu khách tham quan. Nếu như việc hợp tác này phát triển tốt không chỉ tạo nên mối liên kết chặt chẽ trong vùng mà còn đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho mỗi tỉnh tham gia vào quá trình hợp tác.

Một phần của tài liệu Du lịch sinh thái thành phố cần thơ – thực trạng và giải pháp (Trang 115 - 117)