Phương pháp định tính: Dựa trên cơ sở các lý thuyết nền tảng và các nghiên cứu ở trong và ngoài nước, tác giả tổng hợp, thống kê, so sánh và phân tích các số liệu và sự kiện để thấy được sự thay đổi của mẫu hình bộ ba bất khả thi cũng như chính sách điều hành tỷ giá theo thời gian ở Việt Nam.
Phương pháp định lượng: phân tích, xử lý số liệu, dữ liệu thứ cấp được công bố từ các cơ quan thống kê, cơ quan quản lý, các tổ chức chuyên môn, các tổ chức quốc tế uy tín để dẫn chứng cho các luận điểm trong đề tài. Các kiểm định được thực hiện bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS) dựa trên phần mềm SPSS 20.
Tác giả tính toán các chỉ số của bộ ba bất khả thi tại Việt Nam theo phương pháp của Hiro Ito và Masahiro Kawai (2012), đã được giới thiệu ở trang 15 mục 2.3 chương 2. Để tính toán chỉ số ổn định tỷ giá (ES), tác giả sử dụng tỷ giá theo tháng của các đồng tiền bao gồm: VND, USD, JPY, EUR, GBP so với SDR từ 01/19985 đến 12/2012 theo công bố của IMF cho mỗi ước lượng với quãng giai đoạn là 36 tháng. Kết quả R2 điều chỉnh của mô hình (1) sau khi loại bỏ những ước lượng mà giá trị p lớn hơn 20% ra khỏi phương trình là thang đo của mức độ ổn định tỷ giá hối đoái của Việt Nam cho giai đoạn từ 2000-2012.
Về tự do hoá của thị trường tài chính (FO), tác giả sử dụng các dữ liệu được công bố theo năm bởi IMF, World Bank và số liệu Cán cân thanh toán quốc tế năm 2012 của NHNN để tính toán chỉ số hội nhập tài chính cho Việt Nam từ 2001- 2012 theo mô hình (9).
Mức độc lập trong chính sách tiền tệ (MI) được tính dựa trên các mô hình (3), (4), (5), (6), (7), (8). Lãi suất danh nghĩa hằng tháng được sử dụng tính toán trong công thức là giá trị trung bình của lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay và lãi suất tín phiếu kho bạc (vì tín phiếu kho bạc cũng là một công cụ quan trọng để NHTW điều hành chính sách tiền tệ). Dữ liệu sử dụng trong các mô hình trên được lấy theo tháng từ 1/1999 đến 12/2012:
Số liệu Nguồn
Lãi suất chiết khấu, cho vay và trái phiếu của các nước Mỹ, khu
vực châu Âu, Nhật, Anh IMF
Lãi suất chiết khấu, cho vay và trái phiếu chính phủ của Việt Nam SBV Chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp Việt Nam GSO
CPI Việt Nam GSO
Tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới (tỷ lệ thay đổi trung bình
trong sản xuất công nghiệp của nhóm G7 và BRIC) IMF
Giá dầu thô IMF
Dựa vào dữ liệu về các chỉ số bộ ba bất khả thi đã được tính toán cho Việt Nam và mô hình (10) của Aizenman, Chinn và Ito (2008) (trang 22 mục 2.5 chương 2), tác giả tiến hành kiểm định mối tương quan tuyến tính của các chỉ số bộ ba bất khả thi ở Việt Nam. Lý do chúng ta tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm này là vì các nhà hoạch định chính sách của một nền kinh tế phải chọn được một giá trị bình quân trong tỷ trọng của 3 nhân tố thuộc bộ ba nhất định nhằm đạt được một sự kết hợp tốt nhất của hai trong số ba mục tiêu chính sách. Do đó, nếu mức độ phù hợp của mô hình hồi quy cao, nó sẽ cho thấy một mối tương quan tuyến tính là hoàn hảo đủ để giải thích cho sự đánh đổi về mặt tỷ trọng của các chỉ số. Nói cách khác, nếu mô hình hồi quy là kém phù hợp, sự đánh đổi giữa các chính sách sẽ không đáng kể, điều này hàm ý rằng hoặc các lý thuyết của bộ ba bất khả thi là sai, hoặc mối quan hệ giữa các biến là phi tuyến tính. Thông qua mô hình hồi quy mối quan hệ tuyến tính giữa 3 chỉ số bộ ba bất khả thi, chúng ta chỉ có thể thấy được định hướng chính sách của các quốc gia, tuy nhiên lại không thấy được động lực dẫn đến những thay đổi trong chính sách đó. Vì vậy, tác giả đã tiến hành kiểm nghiệm thực tế để xem mỗi sự kết hợp trong chính sách bộ ba bất khả thi sẽ có tác động như thế nào đến biến động lạm phát ở Việt Nam thông qua mô hình ước lượng (11) của Orcan Cortuk và Nirvikar Singh (2011) (trang 25 mục 2.6 chương 2).