- Cần kiện toàn, bổ sung phương án A2 về phòng chống bạo loạn, biểu tình của xã. Thường xuyên tổ chức diễn tập, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống, ngăn ngừa tránh chủ quan, thụ động.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn có năng lực, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, có thái độ phục vụ nhân dân, sâu sát cơ sở giải quyết kịp thời những tâm tư nguyện vọng của dân một cách hợp lý, thoả đáng theo phương châm xã nắm tới buôn, thôn, thôn buôn nắm tới từng hộ gia đình, cán bộ phải thực sự là công bộc của dân.
- Tổ chức quản lý cần vận dụng sáng tạo giữa pháp luật với phong tục tập quán tiến bộ của buôn thôn. Kết hợp giữa cán bộ buôn thôn với già làng trong việc triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và trong tổ chức phát động quần chúng.
- Cấp ủy, chính quyền các xã có người tham gia khiếu kiện, biểu tình mà nhất là xã E cần phải có nghị quyết của cấp ủy lãnh đạo về công tác an ninh nông thôn, UBND xã xây dựng các tổ tự quản ở các buôn, phân công đảng viên phụ trách từng tổ tự quản, thực hiện tốt pháp luật theo quy định của Nhà nước ở cơ sở. Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở buôn thôn. Xử lý nghiêm các hành vi lôi kéo của kẻ xấu làm ảnh hưởng đến an ninh nông thôn, không để phát sinh hay tái diễn biểu tình bạo loạn. Nếu xảy ra phải giải tán ngay ở buôn, thôn không để kéo lên xã hoặc lây lan sang các xã khác.
KẾT LUẬN
Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chính quyền nhà nước là của dân, do dân vì dân do vậy trong bất kỳ tình huống nào, tình huống phát sinh đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ xử lý các tình huống của chính quyền Nhà nước phải được quan tâm đúng mức và phải được áp dụng biện pháp có tính sáng tạo, phù hợp. Trong quá trình xử lý tình huống một mặt phải phát huy vai trò của thủ lĩnh chính trị và tập thể lãnh đạo của địa phương tranh thủ ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên đồng thời phải dựa vào quần chúng, thông qua quần chúng là "tai mắt" của cơ sở chính trị để phát hiện đấu tranh vạch mặt các phần tử phản động cầm đầu. Khi xảy ra biểu tình, bạo loạn chính quyền phải biết dựa vào dân để cô lập, phân hoá, phân tán bọn phản động cực đoan ra khỏi đám đông biểu tình. Có thể nói vai trò của quần chúng nhân dân là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh chống lại bọn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta.
Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Xuất phát từ những đặc điểm tình hình nội tại về các vùng dân tộc thiểu số cả nước, Tây nguyên và huyện Krông Pa đời sống nhân dân còn khó khăn về vật chất và tinh thần, trình độ dân trí còn thấp. Trong khi đó các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Trước tình hình đó đã và đang đặt ra nhiệm vụ hết sức cần thiết, cấp bách đối với chính quyền Nhà nước nói chung và chính quyền cơ sở nói riêng trong hoạt động quản lý nhà nước về vấn đề của dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh công tác vận động tuyên truyền giáo dục cần tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, tín ngưỡng... của đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước
nâng cao dân trí, phát triển kinh tế xã hội nâng cao đời sống nhân dân, phát huy truyền thống đoàn kết, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cấp xã, thị trấn, huyện. Chống tư tưởng kỳ thị, hẹp hòi chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tăng cường công tác lý luận và thực tiễn về công tác dân tộc, xây dựng kế hoạch trước mắt và lâu dài vừa đảm bảo giải quyết tốt các tình huống đã phát sinh, mặt khác triển khai thực hiện kế hoạch có tính lâu dài trong hoạt động quản lý công tác dân tộc ở cơ sở. Góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội X của Đảng về phát huy sức mạnh toàn dân tộc ngay từ cơ sở thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.