Đặc điểm kinh tế tỉnh Long An

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giửa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2013 - 2020 (Trang 35 - 41)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2.Đặc điểm kinh tế tỉnh Long An

2.1.2.1. Kết quả phát triển kinh tế thời gian qua

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp thành phố Hồ Chí Minh, lại nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Long An có điều kiện thuận lợi trong phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Giai đoạn 2006-2010 kinh tế tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 11,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp – xây dựng. Năm 2011-2012 mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng Long An vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (năm 2011 tăng 12,2%, năm 2012 tăng 10,5%); cơ cấu kinh tế năm 2012: Nông nghiệp 32,5%, Công nghiệp – xây dựng 37,5%, Thương mại – dịch vụ 30,0%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2012 đạt 36,6 triệu đồng, tương đương 1.800 USD.

- Về phát triển kinh tế nông nghiệp: Long An cơ bản vẫn còn là tỉnh nông nghiệp. Chương trình khai phá Đồng Tháp Mười tỉnh thực hiện trong thập niên 1980 đã mang lại hiệu quả to lớn, một vùng hoang hóa, chua phèn nặng đã được khai hoang, phục hóa, biến thành vùng lương thực trọng điểm của tỉnh và của cả vùng (chiếm trên 2/3 sản lượng lúa của tỉnh). Cây lúa là cây trồng chính của tỉnh với sản lượng bình quân 2006-2010 là 2,05 triệu tấn/năm, năm 2012 đạt 2,66 triệu tấn, xuất khẩu đạt 600.000 tấn gạo. Tỉnh còn một số loại cây trồng có sản lượng khá lớn và hiệu quả kinh tế cao đang được người dân đưa vào sản xuất: dưa hấu, thanh long, đậu phọng, chanh, đay,…; ngoài ra hàng năm trên địa bàn tỉnh còn sản xuất được trên 100.000 tấn rau, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh. Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, nhưng tỉnh vẫn duy trì được tổng đàn khá lớn (năm 2012: trâu 14.500 con, bò 81.000 con, heo 268.000 con, đàn gia cầm 13,5 triệu con). Long An còn có một diện tích đáng kể nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi thủy sản nước ngọt (tôm càng xanh, cá) ở vùng Đồng Tháp Mười, thủy sản nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua lột) ở vùng hạ của tỉnh.

- Về phát triển công nghiệp – xây dựng: Tận dụng lợi thế tiếp giáp thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An đã tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào hoạt động sản xuất công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 khu công nghiệp với với tổng diện tích 10.904,6 ha và 40 cụm công nghiệp với tổng diện tích 4.234 ha. Các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 100 ngàn lao động và đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng giá trị GDP của tỉnh. Số lượng doanh nghiệp, số dự án đầu tư trong và ngoài nước đăng ký và hoạt động trên địa bàn tỉnh tăng khá cao qua các năm, đến nay có 4.810 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 81.750 tỷ đồng và có 477 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,7 tỷ USD (trong đó có 270 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện 1,7 tỷ USD). Trong những năm qua, kinh tế tỉnh tăng trưởng khá cao, trong đó tăng trưởng nhờ yếu tố vốn là chủ yếu, giai đoạn

2006-2010 tổng mức đầu tư toàn xã hội của tỉnh duy trì ở mức cao (bình quân 39,6%/GDP), năm 2011-2012 gặp nhiều khó khăn nhưng vốn đầu tư phát triển của tỉnh vẫn ở mức khá cao (năm 2011 chiếm 34,8%GDP, năm 2012 chiếm 33% GDP). Lĩnh vực xây dựng cơ bản cũng có nhiều tiến bộ, các công trình, dự án lớn được triển khai và hoàn thành, nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày càng tăng và có hiệu quả hơn. Tính chung, khu vực công nghiệp – xây dựng cơ bản của tỉnh tăng trưởng rất cao, đạt 20,9%/năm (2006-2010), năm 2011 đạt 17,5%.

- Về phát triển thương mại – dịch vụ: Đánh giá chung thương mại – dịch vụ

của tỉnh trong những năm qua có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH. Thương mại – dịch vụ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 11,2%/năm, năm 2011 tăng 12,1%, năm 2012 tăng 11,5%. Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, hệ thống chợ và siêu thị phát triển khá, góp phần đưa tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng khá cao (bình quân 23,8% giai đoạn 2006-2011). Tỉnh Long An là địa phương dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu hàng hóa, với tốc độ tăng trưởng bình quân 28,2% trong giai đoạn 2006-2010, năm 2012 tăng 20,2%, đạt kim ngạch 2,38 tỷ USD.

- Về kết cấu hạ tầng:

+ Hạ tầng giao thông: Long An là khu vực giao thoa, có luồng vận tải bằng đường bộ và đường thủy nội địa giữa Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường bộ quan trọng đi qua như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 62, Quốc lộ 50, Quốc lộ N1, N2, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, cùng nhiều tuyến tỉnh lộ kết nối khác. Tổng chiều dài các tuyến đường bộ và đường mòn trên địa bàn tỉnh là 5.545 km (23,8 km đường cao tốc, 188 km đường quốc lộ, 753 km đường tỉnh, 317,4 km đường nội thị, 314 km đường đến trung tâm xã, 3.739 km đường giao thông nông thôn do địa phương quản lý,…); mật độ đường đạt khoảng 0,36 km/km2 và 1,1 km/1.000 dân; Long An đã hoàn thành chỉ tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung

tâm. Giao thông đường thủy phổ biến trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ và hệ thống dày đặt các kênh rạch khác; vận tải bằng đường thủy nội địa chiếm 90% khối lượng các hàng hóa chủ yếu như: gạo, đường, phân bón, xi măng, vật liệu xây dựng, gỗ, thép,…

+ Hạ tầng điện: Long An không có nhà máy điện lớn và cũng không có những trạm điện công suất đủ lớn. Nguồn điện chủ yếu được cung cấp qua trạm 220KV từ Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh; hiện tỉnh đang xây dựng được 01 trạm 220KV; ngoài ra còn có một số trạm 110KV đã có và đang xây dựng; đang triển khai đền bù để xây dựng 01 trạm 500KV; mạng lưới điện hạ thế được bao phủ tương đối rộng khắp. Nhìn chung, cung cấp điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo được nhu cầu phục vụ phát triển công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân; sản lượng điện cung cấp và tiêu thụ hằng năm tăng bình quân hơn 10%; đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện của tỉnh đạt 98,81%.

+ Hạ tầng nước: Nước sinh hoạt chủ yếu được cung cấp bằng nước mặt (ao hồ ở vùng Đồng Tháp Mười) và khai thác nước ngầm với công suất thấp; các nhà máy nước ở đô thị của tỉnh tổng công suất cung cấp đạt khoảng 63.000 m3

/ngày đêm; với nguồn cung như vậy, nhu cầu nước sinh soạt của tỉnh cơ bản được đảm bảo với tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh ở khu vực thành thị đạt 99%, ở nông thôn đạt 92%. Nhu cầu nước cho sản xuất công nghiệp đang ngày một tăng do sự phát triển nhanh của các khu, cụm công nghiệp; lượng nước cung cấp chủ yếu cũng từ khai thác nước ngầm tại chỗ và từ hệ thống nước của thành phố Hồ Chính Minh; hiện một số doanh nghiệp đang triển khai đầu tư 02 nhà máy nước sử dụng nguồn nước mặt sông Vàm Cỏ Đông (hưởng nguồn nước xả của hồ Dầu Tiếng – tỉnh Tây Ninh) với công suất lớn (01 nhà máy 40.000 m3/ngày đêm – đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 (giai đoạn 2 lên 80.000 m3

), 01 nhà máy 600.000 m3/ngày đêm ở Đức Huệ, dự án khai thác nước dẫn từ hồ Phước Hòa – huyện Đức Hòa công suất 200.000 m3/ngày đêm), khi các nhà máy này hoạt động đảm bảo nhu cầu nước cho sản xuất công nghiệp.

+ Hạ tầng viễn thông: mạng lưới điện thoại của tỉnh về cố định và di động đã được phủ kín đến mọi nơi, kể cả vùng sâu, vùng xa. Số lượng bưu cục của tỉnh là 19 (01 bưu cục trung tâm, 04 bưu cục khu vực và 14 bưu cục huyện, thành phố) với 110 tổng đài và hệ thống trạm thông tin vệ tinh phục vụ thông tin, liên lạc, nâng số lượng điện thoại của tỉnh đạt khoảng 1,3 triệu (1,1 triệu máy di động, 0,2 triệu máy cố định). Số lượng người dân sử dụng internet tăng nhanh; các dịch vụ viễn thông được mở rộng với chất lượng phục vụ ngày càng cao.

+ Hạ tầng đô thị: Long An có 16 đô thị được xếp hạng, trong đó có 01 đô thị loại III (thành phố Tân An – tỉnh lị của tỉnh), 03 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Các đô thị của tỉnh dân số còn ít, hạ tầng còn kém phát triển, mức sống của người dân không có chênh lệch lớn so khu vực nông thôn. Các đô thị có dân số đông và hạ tầng khá hơn tập trung chủ yếu trong vùng Kinh tế trọng điểm của tỉnh.

- Về tài chính – ngân sách và tín dụng:

+ Tài chính -ngân sách: thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng khá cao qua từng năm, với tốc độ trung bình 20,5%/năm trong giai đoạn 2006-2010, thu hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Chi ngân sách được thực hiện với cơ cấu hợp lý, ưu tiên chi cho đầu tư phát triển với tốc độ tăng chi bình quân giai đoạn 2006- 2010 là 18,3%/năm. Năm 2012, công tác thu – chi ngân sách gặp rất nhiều khó khăn nhưng tỉnh Long An vẫn thu ngân sách đạt 107,14% dự toán Trung ương giao, tăng 7,5% (đạt 4.976 tỷ, chưa kể 750 tỷ đồng từ nguồn thu xổ số kiến thiết).

+ Tín dụng: trên địa bàn tỉnh có 30 ngân hàng thương mại và nhiều tổ chức tín dụng khác đang hoạt động. Nguồn vốn huy động và cho vay tăng nhanh qua các năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân. Đến cuối năm 2012, tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 35.187 tỷ đồng, với tổng dư nợ tín dụng là 26.287 tỷ, trong đó, tỷ lệ nơ xấu là 3,3%. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây đạt thấp và tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên.

2.1.2.2. Những khó khăn, hạn chế về kinh tế.

Kinh tế Long An trong những năm gần đây tăng trưởng khá cao nhưng thường không đạt kế hoạch: giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 11,8%/kế hoạch 13,5%-14%, năm 2011 tăng 12,2%/kế hoạch 13,5-14%, năm 2012 tăng 10,5%/kế hoạch 12%-12,5%.

Sản xuất nông nghiệp còn mang tính nông hộ, cá thể nhỏ, manh mún và thiếu bền vững. Sản lượng lúa cao nhưng phần lớn là giống lúa cao sản, chất lượng thấp, lúa đặc sản, chất lượng cao còn ít. Chăn nuôi liên tục bị thiệt hại do dịch bệnh, số lượng đàn heo, đàn gia cầm tiêu hủy rất lớn (năm 2004 tỉnh phải tiêu hủy toàn bộ tổng đàn gia cầm khoảng 8 triệu con do nhiễm dịch cúm). Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Sản xuất công nghiệp có khuynh hướng tăng trưởng chậm lại. Số khu, cụm công nghiệp được quy hoạch nhiều nhưng số đi vào hoạt động còn ít, tỷ lệ lấp đầy thấp (đến cuối năm 2012 có 16/30 khu công nghiệp đã hoạt động với tỷ lệ lấp đầy (trên tổng số khu đã hoạt động) đạt 42,35%; 9/40 cụm công nghiệp đã hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 79,35%). Phần lớn các cơ sở công nghiệp quy mô nhỏ và vừa, trình độ trang thiết bị, công nghệ thấp, sản phẩm công nghiệp chất lượng không ổn định, giá trị gia tăng không cao; một số doanh nghiệp thâm dụng nhiều đất đai và lao động nhưng đóng góp ngân sách thấp (Công ty Chingluh 100% vốn Đài Loan, tại Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức có số lao động thường xuyên 20.000- 22.000 người, hoạt động gia công da giày, tình trạng đình công diễn ra tại Công ty rất phức tạp; các vấn đề xã hội như nhà ở, y tế, an ninh trật tự chính quyền giải quyết rất khó khăn).

Thương mại-dịch vụ tăng trưởng chưa vững chắc; hạ tầng thương mại-dịch vụ đầu tư chưa tương xứng, phát triển chưa đồng bộ; dịch vụ có giá trị gia tăng cao như vận tải, cảng, bảo hiểm chưa phát triển; thiếu công trình du lịch đáp ứng được nhu cầu giải trí của nhân dân (hiện tỉnh chỉ có một số công trình du lịch về văn hóa lịch sử, gắn sinh thái, còn ít khách tham quan).

Thu ngân sách tỉnh đều tăng hằng năm nhưng tăng chủ yếu là các khoản thu không cân đối (thuế xuất nhập khẩu, thu tiền sử dụng đất), nguồn thu thiếu vững chắc, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực đầu tư nước ngoài chưa nhiều. Năm 2012, nếu loại trừ tiền sử dụng đất thì tỉnh hụt thu 360 tỷ đồng, phải cấp bù từ Trung ương.

Về kết cấu hạ tầng: đường giao thông của tỉnh nhìn chung còn kém đối với tất cả các loại đường, quy mô nhỏ, chất lượng thấp (tỷ lệ bê tông nhựa chỉ chiếm 5,3%, láng nhựa 11,3%, đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất chiếm 76,7%); đa số cầu giao thông có tải trọng dưới 8 tấn. Nguồn điện có lúc không ổn định, hằng năm vào mùa khô thường xảy ra tình trạng thiếu điện, ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp. Hệ thống cấp nước của tỉnh hiện còn nhiều yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp; một số vùng được định hướng phát triển công nghiệp nhưng hệ thống cấp nước chưa bảo đảm yêu cầu, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp ở hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc, một số xã vùng hạ cung cấp nước sinh hoạt còn khó khăn.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giửa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2013 - 2020 (Trang 35 - 41)