Kết quả nghiên cứu của luận án đã cho thấy cả hai lý thuyết đánh đổi và lý thuyết thứ tự ưu tiên khi huy động vốn đều có khả năng giải thích nhất định về sự
vận động của cấu trúc vốn các DNSXCN Việt Nam. Cụ thể chiều hướng ảnh hưởng của các nhân tố lên cấu trúc vốn được tổng hợp lại như sau:
- Về nhân tố quy mô doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, các mô hình ước lượng cho kết quả về mối quan hệ cùng chiều giữa các nhân tố này và cấu trúc vốn của doanh nghiệp..
- Về nhân tố tỷ lệ giá trị tài sản cố định, tính thanh khoản kết quả hồi quy cho thấy các nhân tố này có ảnh hưởng ngược chiều lên tỷ lệ nợ ngắn hạn.
- Về nhân tố lãi suất, kết quả ước lượng cho thấy nhân tố này có ảnh hưởng ngược chiều rõ rệt lên cả 3 tỷ lệ nợ của doanh nghiệp.
- Về yếu tố năm suy thoái kinh tế 2008 và 2011, điểm đáng lưu ý của nhân tố này là nó có tác động cùng chiều lên các tỷ lệ nợ tính theo GTTT và hầu như không có tác động lên tỷ lệ nợ theo GTSS của các doanh nghiệp.
- Về nhân tố tính chất sở hữu nhà nước, các kết quả cho thấy mối quan hệ giữa tính chất sở hữu nhà nước với cấu trúc vốn là quan hệ cùng chiều rất ổn định.
- Về nhân tố giới tính của giám đốc điều hành, kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy các doanh nghiệp có giám đốc điều hành là nam giới sẽ có xu hướng vay nợ nhiều hơn các doanh nghiệp có giám đốc điều hành là nữ giới.
Về vấn đề các giải pháp cho việc hoạch định cấu trúc vốn của các DNSXCN Việt Nam, luận án đề cập đến 3 nhóm giải pháp như sau:
- Nhóm 1 gồm các giải pháp dựa trên tiêu chí xây dựng từ việc phân tích ảnh hưởng của các nhân tố lên cấu trúc vốn của các DNSXCN Việt Nam.
- Nhóm 2 gồm gác giải pháp dựa trên tiêu chí xây dựng từ việc phân tích các hướng vận dụng các lý thuyết về cấu trúc vốn trong việc điều hành cấu trúc vốn tại các DNSXCN Việt Nam.
- Nhóm 3 gồm các giải pháp dựa trên các phát hiện của tác giảđối với những vấn đề cá biệt đã được phân tích trong nội dung thực trạng về cấu trúc vốn của các DNSXCN Việt Nam đã trình bày ở chương 3, vấn đề về cấu trúc vốn tối ưu được tham khảo trong phần phụ lục của luận án, và các vấn đề về bối cảnh thị trường vốn được phân tích ở phần đầu chương 6 của luận án. Trong đó, điểm đáng chú ý là gợi ý về cấu trúc vốn tối ưu cho các DNSXCN Việt Nam ở mức khoảng 64,33%.
1. Phan Thanh Hiệp, “Hướng đi nào cho chính sách tiền tệ Việt Nam những tháng cuối năm 2011”, Tạp chí Ngân Hàng, số 16 – 2011.
2. Phan Thanh Hiệp, “Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp công nghiệp: Nghiên cứu từ mô hình GMM”, Tạp chí tài chính, Kỳ 1 – Tháng 06/2016 (634).
3. Phan Thanh Hiệp “Ảnh hưởng của cấu trúc vốn lên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp”, Tạp chí tài chính, Kỳ 2 – Tháng 06/2016 (635)