Khái niệm nhân cách

Một phần của tài liệu Phần 2 giáo trình tâm lí học đại cương (dùng cho sinh viên hệ từ xa và hệ vừa học vừa làm) (Trang 29 - 30)

I. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ NHÂN CÁCH 1 Khái niệm

1.2. Khái niệm nhân cách

Nhân cách được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau thuộc nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau, trong đó có khoa học tâm lí. Đây là vấn đề rất phức tạp nên ngay trong tâm lí học cũng có nhiều định nghĩa và quan niệm khác nhau về nhân cách. Nhân cách là một trong những từ cổ nhất của khoa học tâm lí. Ngay từ năm 1927, G.W. Allport đã dẫn ra gần 50 định nghĩa khác nhau của các nhà tâm lí học về nhân cách và hiện nay có rất nhiều lí thuyết khác nhau về nhân cách trong khoa học tâm lí. Có thể nêu một số nhóm quan điểm lí thuyết như sau:

- Quan điểm sinh vật hoá nhân cách: coi bản chất nhân cách nằm trong các đặc điểm hình thể (Kretchmev), ở góc mặt (C. Lombrozo), ở thể tạng (Sheldon), ở bản năng vô thức (S. Freud)...

- Quan điểm xã hội học hoá nhân cách: lấy các quan điểm xã hội (gia đình, họ hàng, làng xóm...) để thay thế một cách đơn giản, máy móc các thuộc tính tâm lí của cá nhân đó.

- Có những quan niệm chỉ chú ý đến cái chung, bỏ qua cái riêng, cái đơn nhất của con người, đồng nhất nhân cách với con người. Ngược lại, một số quan điểm khác lại chỉ chú ý tính đơn nhất có một không hai của nhân cách.

- Các nhà tâm lí học khoa học cho rằng, khái niệm nhân cách là một phạm trù xã hội, có bản chất xã hội - lịch sử, nghĩa là nội dung của nhân cách là nội dung của những điều kiện lịch sử cụ thể của xã hội cụ thể chuyển vào thành đặc điểm nhân cách của từng người. Có thể nêu lên một số định nghĩa nhân cách như sau: + "Nhân cách là một cá nhân có ý thức, chiếm một vị trí nhất định trong xã hội và đang thực hiện một vai trò xã hội nhất định" (A.G. Covaliôv).

+ "Nhân cách là con người với tư cách là kẻ mang toàn bộ thuộc tính và phẩm chất tâm lí, quy định hình thức của hoạt động và hành vi có ý nghĩa xã hội" (E.V. Sôrôkhôva).

+ "Nhân cách là hệ thống những phẩm giá xã hội của cá nhân thể hiện những phẩm chất bên trong của cá nhân, mối quan hệ qua lại của cá nhân với các cá nhân khác, với tập thể, xã hội, với thế giới xung quanh và mối quan hệ của cá nhân với công việc trong quá khứ, hiện tại và tương lai".

+ "Nhân cách của con người là mức độ phù hợp giữa thang giá trị và thước đo giá trị của người ấy với thang giá trị và thước đo giá trị của cộng đồng và xã hội; độ phù hợp càng cao, nhân cách càng lớn".

Từ những điều trình bày ở trên, có thể nêu lên một định nghĩa về nhân cách như sau: Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lí của cá nhân, quy định hành vi xã hội và giá trị xã hội của cá nhân đó.

Như vậy, nhân cách là sự tổng hoà không phải các đặc điểm cá thể của con người mà chỉ là những đặc điểm quy định con người như là một thành viên của xã hội, nói lên bộ mặt tâm lí - xã hội, giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân. Những thuộc tính tâm lí tạo thành nhân cách thường biểu hiện trên ba cấp độ: cấp độ bên trong cá nhân, cấp độ liên cá nhân và cấp độ biểu hiện ra hoạt động và các sản phẩm của nó.

Từ định nghĩa trên cho ta thấy chỉ có thể dùng từ nhân cách cho con người và chỉ từ một giai đoạn phát triển nhất định nào đó. Vì thế người ta không nói "nhân cách của con vật" hay "nhân cách của một trẻ sơ sinh, một trẻ hai tuổi". Nhưng lại có thể nói đến nhân cách của một học sinh tiểu học, nhân cách của một sinh viên. Con người được sinh ra chưa phải đã là một nhân cách, mà trong quá trình sinh sống và hoạt động, giao lưu của mình trong xã hội, con người trở thành một nhân cách. Nhân cách được hình thành không dừng lại, không cố định, nó có thể được phát triển đi đến hoàn thiện, có thể bị suy thoái. X.L. Rubinstêin đã viết: "Con người là nhân cách do nó xác định quan hệ của mình với những người xung quanh một cách có ý thức" và ông cũng nêu ý tưởng rằng, nhân cách là sản phẩm tương đối của sự phát triển xã hội - lịch sử và của sự tiến hoá cá thể của con người.

Một phần của tài liệu Phần 2 giáo trình tâm lí học đại cương (dùng cho sinh viên hệ từ xa và hệ vừa học vừa làm) (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)