- Thiết bị theo phương pháp này dùng để tách các hạt sương và mù (axit, dầu) đến các hạt vài micron với mức tách trên 90% , cả đến hơn 99%.
CHƯƠNG 9: CÔ ĐẶC
9.1. Khái niệm chung.
Cô đặc là quá trình làm tăng nồng độ của chất hoà tan không hoặc khó bay hơi trong dung môi bay hơi.
Cô đặc dùng để tách chất hoà tan ở thể rắn (như dung dịch kiềm, dung dịch muối), dùng tách dung môi ở dạng sạch như làm ngọt nước biển ...
Để tách một phần dung môi, trong cô đặc, phải thực hiện ở nhiệt độ sôi. Do đó cô đặc khác với bay hơi vì bay hơi chỉ thực hiện trên bề mặt dung dịch và ở bất kì nhiệt độ nào dưới nhiệt độ sôi. Đun sôi dung dịch có thể dùng bất kì chất tải nhiệt nào, nhưng thông thường người ta dùng hơi nước còn gọi là hơi đốt hay hơi sơ cấp.
Hơi do dung dịch sôi bay hơi ra gọi là hơi thứ.
Quá trình cô đặc có thể tiến hành ở chân không, ở áp suất cao hoặc áp suất khí quyển. Chọn lựa áp suất nào phải phụ thuộc vào tính chất của dung dịch và khả năng sử dụng nhiệt của hơi thứ.
Cô đặc chân không dùng cho dung dịch có nhiệt độ sôi cao và dung dịch dễ bị nhiệt phân huỷ và để sử dụng hơi thứ cho cô đặc và các việc đun nóng khác không phải cô đặc. Hơi thứ lấy ra dùng vào việc khác không phải là cô đặc gọi là hơi phụ. Cô đặc áp suất cao dùng cho các loại dung dịch bền nhiệt và khi đó các thông số của hơi (áp suất, nhiệt độ) sẽ cao.
Cô đặc áp suất khí quyển thì hơi thứ không dùng vào các việc khác mà thường thải ra ngoài khí quyển. Đây là phương pháp đơn giản nhưng không kinh tế.
Cô đặc chân không hoặc áp suất khí quyển tiến hành trong thiết bị một nồi. Phần lớn các trường hợp người ta tiến hành cô đặc nhiều nồi, hơi thứ của nồi trước dùng làm hơi đốt cho nồi sau. Áp suất làm việc của nồi sau phải nhỏ hơn của nồi trước để tạo ra hiệu số nhiệt độ giữa hơi thứ nồi trước và nhiệt độ sôi của nồi sau, nghĩa là thiết lập động lực của quá trình. Trong cô đặc nhiều nồi hơi sơ cấp chỉ cho vào nồi đầu, do đó so sánh với cô đặc một nồi thì lượng hơi đốt ở đây tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm là ít hơn.