Với hệ thống mạng lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thiết bị thì việc vận hành khai thác là vô cùng phức tạp nếu như không có các công cụ quản lý, giám sát. Các công cụ giám sát được sử dụng phổ biến ở các nhà mạng tại Việt Nam có thể phân ra làm 2 loại chính:
- Giám sát băng thông: Có một số công cụ giám sát băng thông như MRTG [10] (hiện nay đang được sử dụng tại VDC Online), Cacti [11] (hiện nay đang được sử dụng tại FPT Telecom, Viettel IDC). MRTG và Cacti sử dụng SNMP để lấy thông tin về băng thông trên từng cổng của thiết bị mạng, tổng hợp lại và vẽ thành biểu đồ băng thông. Người quản trị khi sử dụng biểu đồ băng thông sẽ có cái nhìn bao quát về lịch sử thông lượng dữ liệu đi ra, vào cổng thiết bị đó. Hình 2.2 bên dưới là một ví dụ về giám sát băng thông thiết bị bằng công cụ Cacti. Giao diện cơ bản gồm 2 phần: Phần Menu và phần biểu đồ.
Hình 2.2 Giám sát băng thông hệ thống bằng Cacti (Nguồn: [18])
- Giám sát trạng thái: Có một số công cụ giám sát trạng thái phổ biến như Nagios [12] (hiện nay đang được sử dụng tại Viettel IDC, VDC Online), Opsview [13] (hiện đang được sử dụng tại FPT Telecom), Zabbix [14] (đang được sử dụng tại một số ISP khác). Các công cụ giám sát trạng thái sẽ chủ yếu tập trung vào tình trạng các thông số phần cứng cũng như phần mềm của thiết bị, như CPU, RAM, ổ cứng, FAN, POWER, trạng thái UP/DOWN... Các công cụ này có thể có hoặc không tổng hợp các thông số trạng thái để vẽ thành biểu đồ. Hình 2.3 bên dưới là một ví dụ về giám sát trạng thái thiết bị bằng công cụ Nagios được lấy từ hệ thống giám sát của Viettel IDC. Trạng thái thiết bị được thể hiện thông qua màu sắc tương ứng: xanh – bình thường, vàng – cảnh báo, đỏ - lỗi.
Toàn bộ các hệ thống giám nói trên luôn đi kèm hệ thống cảnh báo. Có nhiều loại cảnh báo, nhưng phổ biến nhất là cảnh báo bằng email, sms, cảnh báo bằng đèn hiệu và âm thanh.
Hệ thống giám sát cung cấp cho người quản trị cái nhìn tổng quan cũng như chi tiết về hệ thống. Đây là cơ sở trực quan và hữu dụng nhất để người quản trị có thể phát hiện sớm các tấn công vào hệ thống mạng của mình.
Hình 2.3 Giám sát trạng thái hệ thống bằng Nagios (nguồn: Viettel IDC)