Điều hành tỷ giá

Một phần của tài liệu Chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam giai đoạn 2007 - nay (Trang 26 - 29)

Ngân hàng Nhà nước điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá phù hợp với tình hình cung - cầu ngoại tệ, tăng tính thanh khoản của thị trường,thực hiện các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước.

Thanh khoản VND toàn hệ thống về cơ bản được đảm bảo. Từ tháng 10, một số TCTD có khó khăn thanh khoản tạm thời do mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn, do huy động vốn từ các tổ chức và dân cư giảm, huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng chưa đủ bù đắp, nhưng đã được NHNN hỗ trợ kịp thời thông qua tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở. Thanh khoản ngoại tệ ở mức thấp trong 7 tháng đầu năm, từ tháng 8 đã cải thiện sau khi NHNN thực hiện một số biện pháp kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ.

Việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kết hợp với việc thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đô-la Mỹ của tổ chức và cá nhân tại TCTD đã góp phần giảm tình trạng đô la hóa, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam. Các biện pháp nhằm bình ổn thị trường ngoại hối đã góp phần cải thiện thanh khoản ngoại tệ, tái lập thế cân bằng trên thị trường ngoại hối cũng như thúc đẩy xuất khẩu.

Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường; các ngân hàng đã bắt đầu mua được vàng từ thị trường trong nước để bù đắp lại lượng vàng đã bán ra, giảm bớt áp lực nhập khẩu vàng, tiết kiệm ngoại tệ và giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

2.5.4 Dự trữ bắt buộc

Năm 2011, NHNN vẫn duy trì các tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND ở mức thấp như năm 2010, cụ thể kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1% nhằm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc giảm dần lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, lại liên tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng. Cụ thể ngày 9/4/2011 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-NHNN điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng tăng từ 4% lên 6% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ tăng từ 2% lên 4% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.

Ngày 1/6/2011 Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng, với mức cao nhất là 7% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Bên cạnh đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ là 5% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.

Sau đó ngày 1/9/2011 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng lên 8% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi dưới 12 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ là 6% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.

Các chuyên gia cho rằng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng thời Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất huy động tiền USD sẽ khiến các ngân hàng phải tính toán, cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, đồng thời tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù cho phần vốn huy động phải dự trữ bắt buộc.Khi lãi suất huy động ngoại tệ giảm xuống, người dân sẽ chuyển sang gửi VND và các doanh nghiệp cũng giảm vay ngoại tệ do lãi vay tăng lên, từ đó giảm tình trạng găm giữ USD, tăng cung ngoại tệ cho thị trường.Đặc biệt, nó có thể giúp tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế giảm thiểu, bởi người dân không còn cảm thấy quá hấp dẫn khi giữ ngoại tệ.

2.5.5 Điều hành lãi suất

Trước tháng 3/2011, chính sách lãi suất của Việt Nam không có nhiều biến động khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Các mức lãi suất được duy trì ở mức khá thấp từ sau gói hỗ trợ lãi suất của NHNN, do vậy, cơ chế lãi suất trần không còn cần thiết. Chính vì vậy, ngày 14/04/2010, NHNN đã ban hành Thông tư số 12/2010/TT-NHNN hướng dẫn tổ

chức tín dụng (TCTD) cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận.

Tuy nhiên, từ tháng 03/2011, tỷ lệ lạm phát lại tăng cao với sự gia tăng mạnh giá cả nhiên liệu, năng lượng và các hàng hóa khác. Với mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế, NHNN đã phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, điều này đã tác động làm tăng lãi suất tiền gửi và cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM). Nhằm ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 quy định về mức lãi suất trần huy động tiền gửi là 14% cho các NHTM. Ưu tiên hàng đầu của NHNN hiện nay là giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp bằng cách kiểm soát chặt chẽ mức lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng.

Trong tháng 9/2011, NHNN đã có những biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường kiểm soát đối với chính sách trần lãi suất huy động, chẳng hạn như sẽ “sa thải” lãnh đạo ngân hàng trong trường hợp phát hiện những thủ thuật hay gian lận của ngân hàng trong huy động tiền gửi. Tuy nhiên, các NHTM nhỏ của Việt Nam, với áp lực rủi ro thanh khoản, vẫn tìm mọi cách để “lách” quy định của NHNN. Trước những nguy cơ rủi ro cao khi một số NHTM chấp nhận huy động lãi suất 14%/năm với cả những kỳ hạn rất ngắn (24 giờ, 2 ngày, 1 tuần, 2 tuần...), NHNN đã phải bổ sung Thông tư số 30/2011/TT- NHNN ngày 28/9/2011 quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cụ thể: lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14%/năm, riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng trở lên là 14,5%.

2.5.6 Kiểm soát tín dụng

Ngân hàng Nhà nước thực hiện mạnh mẽ các biện pháp điều hành nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16% và điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; hạn chế cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất để đảm bảo tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất;

Tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tăng ở mức thấp, nhưng cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, giảm cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Ước đến cuối năm, tín dụng tăng 12%, trong đó VND tăng 10,2%; tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%, nhưng từ tháng 8 đến tháng 12 tín dụng ngoại tệ đã có xu hướng tăng chậm lại. Ước đến cuối năm, tín dụng đối

với lĩnh vực sản xuất tăng 18% (trong đó, tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 25%, tín dụng xuất khẩu tăng 58%); tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất giảm 20%, trong đó, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 43%, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 18,4%, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23%.

2.6 Sáu tháng đầu năm 2012

Trong khoảng cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, tình hình kinh tế có chuyển biến theo hướng không thuận lợi: sức mua yếu, tín dụng tăng trưởng âm trong quý I/2012, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn do lãi suất quá cao.

Vì vậy, với mục tiêu gia tăng sức mua, ngăn chặn đà suy thoái, ổn định lãi suất, đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, NHNN đã có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm 2012.

Một phần của tài liệu Chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam giai đoạn 2007 - nay (Trang 26 - 29)