Đặc trưng thị trường gạo thế giới có khối lượng gạo giao dịch rất ít so với tổng sản lượng gạo thế giới (chỉ ở mức trên dưới 5%) nên có rất nhiều nhân tố tác
động, ảnh hưởng không nhỏ tới giá cả trong đó có những nhân tố lâu dài, tạm thời, có nhân tố tự nhiên, xã hội, nhân tố kinh tế, chính trị...
- Quan hệ cung cầu: Giá gạo xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới không phụ thuộc vào lượng gạo xuất ra mà bị ảnh hưởng bởi số lượng nhập khẩu của các nước tiêu thụ lớn gạo Việt Nam. Trong năm 2011, theo số liệu thống kê Bộ NN&PTNN, Indonesia và Philippines là hai thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt Indonesia đã nhập 1,728 triệu tấn gạo kim ngạch 929 triệu USD tăng 411% về lượng và 443,71 về giá trị. Điều này đã làm giá gạo 5% tấm Việt Nam trong quí 4/2011 579 USD/tấn tăng 16,93%, gạo 25% tấm 538 USD/tấn tăng 15,98% so với quí 2/2011.
- Nhân tố thời vụ: Thời vụ sản xuất và thu hoạch lúa gạo gắn liền với những biến động của cung-cầu và giá gạo qua các tháng của năm. Ở Việt Nam, thời điểm giá gạo ởđỉnh cao trong năm không phải thời điểm xuất khẩu nhiều, nhưng lúc xuất khẩu nhiều lại thường là lúc giá cả gạo xuống thấp. Các nhà nhập khẩu thường tập trung mua vào thời điểm chính vụ sản lượng dồi dào, nhất là trong thời vụ đông xuân, lúc giá lúa gạo tương đối thấp. Chu kỳ sản lượng gạo tăng giảm này phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết, khí hậu của Việt Nam, mỗi khi thiên tai, mất mùa nghiêm trọng thường làm thay đổi giá.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước nên giá lúa gạo Việt Nam gắn liền với cơ cấu mùa vụ và chu kỳ xuất khẩu của khu vực này. Các nhà nhập khẩu đã lợi dụng đặc thù sản xuất lúa gạo của Việt Nam mong muốn giá giảm có lợi nhất cho họ. Thông thường vào thời điểm xuất khẩu gạo nhiều nhất thì giá gần như không bao giờ ở mức cao và ngược lại, khi giá lên cao thì số lượng xuất khẩu không nhiều. Điều này gây thiệt hại không nhỏ đối với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
- Khả năng thanh toán của các nước nhập khẩu và ảnh hưởng của thị trường lương thực thế giới: Việt Nam thường xuất khẩu gạo sang các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Khả năng thanh toán bằng ngoại tệ của những nước này thường bị hạn chế nhất là khi có những khó khăn về kinh tế, bất ổn chính trị,
lạm phát... Tình hình đó ảnh hưởng trực tiếp đến biên độ cung cầu về gạo. Giá các loại gạo phẩm cấp trung bình và thấp thường bịảnh hưởng.
- Tỷ giá hối đoái ngoại tệ của hàng xuất khẩu: Trong trường hợp tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam giảm so với ngoại tệ mạnh đặc biệt USD EUR... thì các doanh nghiệp có thể thu được nhiều lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu và ngược lại. Chính vì vậy, các doanh nghiệp có thể thông qua nghiên cứu và dự đoán xu hướng biến động của tỷ giá hối đoái đểđưa ra biện pháp xuất khẩu phù hợp, lựa chọn thị trường có lợi, lựa chọn nguồn hàng, đồng tiền thanh toán...
Tháng 2/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố điều chỉnh tỷ giá VND so với đồng USD ở mức 20.693 VND/USD (tăng 9,3% so với mức 18.932 VND trước đó) và thu hẹp biên độ giao dịch từ +/-3% xuống +/-1%, đã khiến các chuyên gia tài chính, kinh tế quốc tế và khu vực đặc biệt quan tâm [22]. Theo dự tính của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá bán của mỗi tấn gạo Việt Nam từ đó sẽ giảm 10 USD. Nhưng điều này tạm thời không tác động mạnh tới việc xuất khẩu gạo của các nước ASEAN khác, là vì hiện nay thị trường quốc tế vẫn có nhu cầu rất lớn về gạo và các nông sản chủ yếu khác. Chủ tịch danh dự Hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng: "Nếu VND tiếp tục giảm giá, thì trong vài năm tới Việt Nam sẽ có thể thay thế Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới"[21].
- Thuế quan: là nhân tố trực tiếp tác động đến giá gạo xuất khẩu. Khi giá gạo nội địa quá cao, Chính phủ có thể tăng thuế xuất khẩu để làm giảm lượng gạo xuất khẩu và ngược lại, khi giá gạo trong nước xuống thấp, có thể điều chỉnh giảm thuế để đẩy mạnh xuất khẩu, giúp tiêu thụ lúa gạo nội địa. Thuế xuất khẩu gạo tác động trực tiếp tới lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh gạo một cách công bằng và gián tiếp điều chỉnh giá gạo thị trường trong nước.
- Trợ cấp xuất khẩu: Trong một số trường hợp Chính phủ phải thực hiện chính sách trợ cấp xuất khẩu để tăng mức độ xuất khẩu hàng hóa của nước mình, tạo điều kiện cho sản phẩm có sức cạnh tranh về giá trên thị trường thế giới. Trợ cấp xuất khẩu sẽ làm tăng giá nội địa của hàng xuất khẩu, giảm tiêu dùng trong nước nhưng tăng sản lượng và mức xuất khẩu. Đối với sản phẩm gạo, chính phủ có
các hình thức trợ cấp xuất khẩu: Hỗ trợ lãi suất thu mua lúa gạo trong vụ thu hoạch, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hỗ trợ lãi suất xuất khẩu gạo trả chậm….
Thời gian hơn 21 năm tham gia xuất khẩu gạo là một quá trình tương đối dài nhưng so với các nước có truyền thống thì trong lĩnh vực này, Việt Nam vẫn còn là một nước non trẻ. Kinh nghiệm sản xuất, chế biến gạo của nước ta còn nhiều yếu kém về chất lượng nên thường bị thua thiệt và chèn ép về mặt giá cả. Các kênh thông tin không đủ hiện đại để cung cấp cho các doanh nghiệp đầy đủ và cập nhật tình hình lương thực trên thế giới nên dễ dẫn đến hiệu quả kém trong việc nắm bắt và ra quyết định xuất khẩu, dẫn đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn giá của các nước đối thủ cạnh tranh.