4. Hệ thống câu hỏi trong giờ dạy học truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa 1 Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
4.2.2. Hệ thống câu hỏi trong giờ dạy học truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
Đối với truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, như phần mục tiêu bài học đã trình bày, trọng tâm bài học là giúp học sinh nắm được quan niệm của nhà văn về cuộc đời và nghệ thuật, về những đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu. Để đạt được mục tiêu đề ra, giáo án thiết kế một hệ thống câu hỏi khám phá nội dung, hình thức nghệ thuật của truyện ngắn và phong cách truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu gồm 19 câu hỏi :
Câu hỏi 1: ( Câu hỏi tái hiện) Em hãy giới thiệu những nét chính về nhà văn Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa?
Câu hỏi tái hiện kiến thức giúp học sinh nắm được những nét cơ bản về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu cũng như hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa để có cái nhìn toàn diện hơn về tác giả, tác phẩm.
Câu hỏi 2: ( Câu hỏi gợi tìm) Em hãy cho biết tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa được viết theo thể loại nào?
Việc xác định thể loại của tác phẩm sẽ giúp các em nắm được đặc trưng của thể loại truyện ngắn hiện đại trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, từ đó biết cách phân tích, đánh giá một truyện ngắn hiện đại theo đặc trưng thể loại.
Câu hỏi 3: (Câu hỏi tái hiện) Dựa vào việc đọc và tìm hiểu tác phẩm, em hãy tóm tắt truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa?
Thông qua việc yêu cầu học sinh tóm tắt tác phẩm, giáo viên có thể kiểm tra việc đọc và chuẩn bị bài ở nhà của các em, đồng thời giúp các em bước đầu nắm được nội dung cơ bản của truyện:
Câu hỏi cảm xúc này kích thích học sinh trình bày cảm xúc thật của mình về tác phẩm, nhờ đó mà giáo viên có những định hướng giảng dạy phù hợp với trình của học sinh, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm.
Câu hỏi 5: ( Câu hỏi gợi tìm, phân tích) Truyện được kể bằng lời của nhân vật nào? Chọn ngôi kể như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung truyện?
Xác định ngôi kể trong truyện sẽ giúp học sinh nắm được nghệ thuật trần thuật đặc sắc trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Đây là một đặc điểm tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật của ông tạo nên tính chân thực, đa giọng điệu trong truyện ngắn này.
Câu hỏi 6: ( Câu hỏi phân tích) Em có nhận xét gì về nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong đoạn trích? Hãy phân tích tính độc đáo của tình huống truyện?
Câu hỏi phân tích vừa giúp học nắm được nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn sau 1975, vừa phát hiện ra tình huống truyện độc đáo (tình huống nhận thức) có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống, nắm được tư tưởng chủ đề của tác phẩm thông qua diễn biến của tình huống (hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, tình huống nhận thức của Đẩu và Phùng khi nghe câu chuyện đời của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện).
Câu hỏi 7: (Câu hỏi nêu vấn đề)Như đã nói ở phần tóm tắt, phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng tại vùng biển nọ là “một cảnh đắt trời cho”, em hiểu “ một cảnh đắt trời cho” ở đây là thế nào và vì sao người nghệ sĩ lại gọi cảnh tượng ấy như vậy? Cảm nhận của người nghệ sĩ khi đứng trước bức tranh nghệ thuật ấy?
Với câu phân tích, nêu vấn đề này, học sinh sẽ khám phá được vẻ đẹp toàn bích của bức tranh chiếc thuyền lưới vó trong biển sớm mờ sương trên biển – bức họa kì diệu của thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người, vừa hiểu được cảm xúc thăng hoa của nghệ sĩ Phùng vừa thấy được quan niệm của Nguyễn Minh Châu về cái đẹp- cái đẹp chính là đạo đức, hướng con người đến Chân, Thiện, Mĩ. Ngoài ra câu hỏi này còn giúp học sinh liên tưởng đến quan niệm văn chương của Thạch Lam, Nguyễn
Tuân, để hiểu rõ hơn về những tác động thẩm mĩ kì diệu của văn học đối với tâm hồn con người.
Câu hỏi 8: ( Câu hỏi phân tích) Tuy nhiên khi tâm hồn đang bay bổng với những cảm xúc thẩm mĩ, nghệ sĩ Phùng đã phát hiện ra điều gì? Tại sao anh lại kinh ngạc như vậy?Qua hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, nhà văn muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp gì?
Câu hỏi phân tích giúp người học nhận ra nghịch lí của cuộc sống từ hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, hiểu được thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm qua hai phát hiện này: cuộc sống luôn chứa đựng những nghịch lí, không nên đánh giá sự vật hiện tượng ở dáng vẻ bên ngoài mà phải đi sâu khám phá bản chất bên trong.
Câu hỏi 9: ( câu hỏi hình dung tưởng tưởng) Em hãy thử hóa thân vào nhân vật nghệ sĩ Phùng kể lại những điều mình đã thấy và cảm nhận về hai cảnh tượng mình chứng kiến tại vùng biển miền Trung này?
Câu hỏi hình dung tưởng tượng sẽ kích thích trí tưởng tượng, liên tưởng sáng tạo của học sinh, giúp các em mạnh dạn trình bày những cảm nhận của mình về vấn đề đặt ra trong tác phẩm, nhờ đó mà năng lực cảm nhận và đánh giá những vấn đề trong cuộc sống của các em trở nên hoàn thiện hơn.
Câu hỏi 10: ( Câu hỏi phân tích) Như đã nói ở trên, nhân vật trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa rất đa dạng. Theo em nhân vật nào đáng chú ý ? Em hãy làm rõ nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của tác giả?
Việc phân loại nhân vật sẽ giúp học sinh xác định được nhân vật chính trong tác phẩm ( Người đàn bà hàng chài, Phùng), đồng thời rèn luyện kỹ năng phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự (ngoại hình, hoàn cảnh, hành vi cử chỉ, ngôn ngữ, tâm trạng làm rõ tính cách nhân vật). Kỹ năng này rất cần thiết đối với học sinh phổ thông, bởi số lượng tác phẩm tự sự trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông khá nhiều. Ngoài ra câu hỏi còn giúp học sinh nắm được nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Minh Châu.
Câu hỏi 11: (Câu hỏi cảm xúc) Qua câu chuyện kể về cuộc đời và và thái độ của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện, em có cảm nhận gì về nhân vật này?Những chi tiết nghệ thuật đặc sắc nào trong đoạn trích đã góp phần làm rõ tính cách nhân vật ?
Câu hỏi cảm xúc, kích thích học sinh bộc lộ khả năng phân tích, bày tỏ cảm xúc của mình về nhân vật trong tác phẩm. Nhân vật này thể hiện được quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu đi tìm hạt ngọc ẩn trong tâm hồn con người. Nhân vật này được miêu tả qua ngoại hình, cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Học sinh biết tìm và đánh giá các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự, đồng thời thấy được giá trị của các chi tiết tiêu biểu trong truyện ngắn: chắp tay vái lấy vái lia lịa đứa con, bị chồng đánh không chống trả, không chạy trốn, rón rén đến ngồi thu mình ở tòa án... ( nếu không có những chi tiết này câu chuyện này sẽ trở nên nhạt nhẽo).
Câu 12: (Câu hỏi phân tích)Theo em, câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện giúp Phùng hiểu ra được điều gì? Nêu cảm nhận của em về nhân vật nghệ sĩ Phùng? Phùng là kiểu nhân vật nào?
Từ câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện, Phùng đã nhận thức được rất nhiều điều về cuộc sống và nghệ thuật. Câu hỏi phân tích, cảm nhận giúp học sinh thấy được quá trình nhận thức sâu sắc của nghệ sĩ Phùng : Phùng hiểu hơn về người đàn bà sâu sắc hiểu đời, nhân hậu, vị tha, giàu đức hy sinh; người đàn ông do hoàn cảnh thay tính đổi nết - bất kể lúc nào thấy khổ quá là lôi vợ ra đánh; chánh án Đẩu có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng kinh nghiệm sống chưa nhiều và về chính mình ( sẵn sàng làm tất cả vì sự công bằng nhưng lại đơn giản trong cách nhìn nhận, suy nghĩ) và trực tiếp bộc lộ thái độ tình cảm của về về nhân vật Phùng: đam mê cái đẹp, say mê và có trách nhiệm với nghề nghiệp…, bồi dưỡng khả năng cảm thụ văn học của các em, xác định được kiểu nhân vật chính trong truyện ngắn – nhân vật tự ý thức.
Câu hỏi 13: (Câu hỏi cảm xúc)Nếu được phép thay mặt nhà văn chuyển đến người đọc, nhất là người nghệ sĩ, những thông điệp nghệ thuật về cách nhìn nhận con người và cuộc đời thì em sẽ nói gì?
Câu hỏi này kích thích học sinh trình bày những suy luận của mình rút ra từ việc phân tích đánh giá câu chuyện của người đàn bà tại tòa án, phát hiện ra thông điệp nhà văn muốn gửi gắm: Đừng nhìn nhận cuộc đời và con người một cách dễ dãi, phiến diện mà phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều về cuộc sống và con người. Từ đó, các em cũng rút ra được bài học cho mình khi nhìn nhận, đánh giá về cuộc sống và con người.
Câu hỏi 14: ( Câu hỏi nêu vấn đề) Mỗi khi ngắm bức ảnh được chọn, người nghệ sĩ nhiếp ảnh đều thấy những gì sau bức tranh? Theo em, những hình ảnh tượng trưng cho điều gì? Quan điểm nghệ thuật nhà văn muốn gửi gắm đến người đọc?
Câu hỏi gợi tìm, nêu vấn đề sẽ giúp người học phát hiện, phân tích những hình ảnh tượng trưng trong bức tranh và thông điệp nhà văn muốn gửi gắm: Nghệ thuật chân chính phải gắn liền với cuộc đời và phải luôn vì cuộc đời.
Câu hỏi 1: (Câu hỏi phân tích) Em hãy nhận xét về nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa?( về ngôn ngữ, giọng điệu, xây dựng tình huống truyện, xây dựng nhân vật)
Với câu hỏi phân tích này, học sinh phải vận dụng kỹ năng đánh giá nhận xét của mình về nghệ thuật viết truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, đồng thời nắm vững những đặc trưng của loại tự sự nói chung và truyện ngắn hiện đại nói riêng, rèn luyện kỹ năng phân tích một truyện ngắn hiện đại.
Câu hỏi 16: ( Câu hỏi nêu vấn đề) Có ý kiến cho rằng, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu giàu giá trị nhân đạo. Em hãy chỉ ra những yếu tố làm nên giá trị nhân đạo của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa?
Câu hỏi nêu vấn đề, giúp học sinh hiểu được tư tưởng nhân đạo của nhà văn - quan tâm đến số phận bất hạnh của con người trong cuộc sống, đi tìm, phát hiện và khẳng định cái đẹp, cái thiện ở người đàn bà lam lũ, rung lên hôi chuống cảnh báo nạn bạo
lực gia đình được thể hiện trong truyện ngắn. Ngoài ra câu hỏi còn giúp giáo viên củng cố kiến thức cho học sinh về những chuyển biến của văn học Việt Nam sau 1975.
Câu hỏi 17: ( Câu hỏi gợi tìm) Các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu rất hay sử dụng hình ảnh biểu tượng. Em hãy tìm những hình ảnh biểu tượng trong truyện ngắn này và nêu ý nghĩa của nó?
Sử dụng hình ảnh biểu tượng là một trong những nét nghệ thuật đặc sắc trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Câu hỏi gợi tìm sẽ giúp giáo viên hướng dẫn học sinh tìm ra hình ảnh biểu tượng của tác phẩm: Chiếc thuyền ngoài xa - ẩn dụ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời; bãi xe tăng hỏng nơi diễn ra cảnh bạo lực gia đình tượng trưng cho chiến thắng của dân tộc ta trong quá khứ,vừa tượng trưng cho cuộc sống đói nghèo, lạc hậu sau chiến tranh. Đây là cuộc chiến không kém phần khốc liệt trong cuộc sống con người, bởi sự tàn bạo nhiều khi nảy sinh từ sự nghèo đói, túng quẩn. Việc phát hiện và phân tích và tìm ra các hình ảnh biểu tượng trong tác phẩm sẽ giúp các em hiểu tác phẩm sâu hơn, nắm rõ hơn phong cách nghệ thuật của tác giả.
Câu hỏi 18: ( Câu hỏi phân tích) Bằng những hiểu biết về tác phẩm, em hãy nêu ý nghĩa nhan đề của truyện ngắn?
Từ những hiểu biết về nội dung đoạn trich và tác phẩm, học sinh suy luận để tìm ra ý nghĩa nhan đề tác phẩm. Đây là câu hỏi rèn luyện tư duy tổng hợp đánh giá của học khi tìm hiểu xong tác phẩm, bởi nhan đề của truyện thường gắn liền với chủ đè của tác phẩm.
Câu hỏi 19: ( Câu hỏi giáo dục) Qua tìm hiểu đoạn trích Chiếc thuyền ngoài xa, em rút ra cho được bài học gì về cuộc sống? Về kỹ năng phân tích truyện ngắn?
Câu hỏi này giúp học sinh mạnh dạn trình bày những bài học mình rút ra từ tác phẩm, bồi đắp nhân cách và tâm hồn cho các em: sống biết thông cảm, xót thương cho những người bất hạnh, biết đấu tranh chống lại cái xấu cái ác để xã hội ngày càng tốt
đẹp hơn, biết cách nhìn nhận về con người và cuộc sống; Củng cố kiến thức và kỹ năng phân tích truyện ngắn hiện đại.
Trên đây là những câu hỏi có tính hướng dẫn cho việc phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Tất nhiên, hệ thống câu hỏi phải tùy vào thực tế giảng dạy tác phẩm này, tùy từng tình huống cụ thể mà giáo viên có cách sử dụng linh hoạt các câu hỏi ấy. Một hệ thống câu hỏi phù hợp với đặt trưng thể loại , với đối tượng học sinh sẽ làm cho giờ học sinh động, đạt hiệu quả cao, kích thích được sự chủ động sáng tạo của học sinh, giúp các em chiếm lĩnh được cái hay cái đẹp của tác phẩm, phát triển năng lực cảm thụ văn chương cho học sinh ở nhà trường THPT.
5. Kết luận
Nắm chắc đặc trưng thể loại truyện ngắn hiện đại, giáo viên sẽ xây dựng được hệ thống câu hỏi khoa học, phù hợp với thể loại của tác phẩm. Từ đó, giúp cho giờ học tác phẩm văn chương đạt hiệu quả cao: phát huy được tính chủ động sáng tạo của học sinh, tạo không khí sinh động, hình thành những cảm xúc thẩm mĩ, hấp dẫn cuốn hút người học và đặc biệt cung cấp cho người học những tri thức cơ bản khi tiếp cận với một truyện ngắn hiện đại.