3.4.1.1. Xác định hiệu lực và độ an toàn của thuốc tẩy T. suis cho lợn * Xác định khối lượng lợn để xác định liều thuốc sử dụng
Khối lượng lợn được xác định bằng cách cân (đối với lợn nhỏ) hoặc đo (đối với lợn lớn) và tính khối lượng theo công thức: Pkg = 87,5 x VN2 x DT.
Trong đó:
P: Khối lượng lợn (kg)
VN: Vòng ngực đo bằng thước dây (cm) DT: Dài thân đo bằng thước dây (cm)
* Xác định hiệu lực và độ an toàn của thuốc tẩy giun T. suis cho lợn
- Trước khi dùng thuốc, xác định cường độ nhiễm bằng cách đếm số trứng /gam phân. Sau khi dùng thuốc, xét nghiệm phân ở các ngày 5, 10 và 15
sau tẩy bằng cách đếm số trứng /gam phân để xác định hiệu lực của thuốc. Tiến hành mổ khám ngẫu nhiên một số lợn, kiểm tra số lượng T. suis ký sinh ở ruột già để xác định lại hiệu lực của thuốc.
- Xác định độ an toàn của thuốc thông qua theo dõi phản ứng của lợn sau khi dùng thuốc 1 giờ.
3.4.1.2. Phương pháp xác định tác dụng diệt trứng giun T. suis bằng thuốc sát trùng trong điều kiện phòng thí nghiệm
- Bố trí 2 lô thí nghiệm với 2 loại chất sát trùng: Povidine 10 %, Benkocid và một lô đối chứng.
Chuẩn bị 20 đĩa petri có đường kính 18 cm. Cho một lớp phân nhiễm
giun T. suis cường độ vừa và nặng dày 1,2 cm vào mỗi đĩa, (trong đó: lô thí nghiệm 1 gồm 5 đĩa petri được thử nghiệm với Povidine 10 %, lô thí nghiệm 2 gồm 5 đĩa petri được thử nghiệm với Benkocid, lô đối chứng gồm 10 đĩa petri được phun dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %).
Phun mỗi loại chất sát trùng (với liều hướng dẫn) lên lớp phân có trứng
giun T. suis ở lô thí nghiệm 1 và lô thí nghiệm 2, phun nước muối sinh lý 0,9 % lên lô đối chứng. Sau khi phun, hằng ngày lấy ở mỗi đĩa petri của 3 lô thí nghiệm, mỗi mẫu khoảng 3 gam phân bề mặt, xét nghiệm bằng phương pháp Fulleborn để tìm trứng giun T. suis. Từ đó xác định được thời gian trứng
giun T. suis bắt đầu chết và thời gian chết hoàn toàn do tác động của chất sát
trùng, hoặc xác định được trứng giun T. suis không chết do chất sát trùng không có tác dụng.
3.4.1.3. Bố trí thí nghiệm xác định công thức ủ phân có khả năng sinh nhiệt tốt để diệt trứng giun T. suis lợn
* Phương pháp bố trí thí nghiệm
- Chuẩn bị nguyên liệu ủ, bố trí ủ theo 4 công thức sau:
Công thức 1: Các nguyên liệu ủ được chuẩn bị theo tỷ lệ:
+ Phân chuồng: 200 kg. + Lá xanh băm nhỏ: 40 kg. + Tro bếp: 12 kg.
Công thức 2: Các nguyên liệu ủ được chuẩn bị theo tỷ lệ:
+ Phân chuồng: 200 kg. + Lá xanh băm nhỏ: 40 kg. + Vôi bột: 10 kg.
Công thức 3: Các nguyên liệu ủ được chuẩn bị theo tỷ lệ:
+ Phân chuồng: 200 kg. + Tro bếp:12 kg.
+ Lá xanh băm nhỏ: 40 kg. + Vôi bột: 10 kg.
Công thức 4: Các nguyên liệu ủ được chuẩn bị theo tỷ lệ:
+ Phế thải có nguồn gốc từ cây xanh (rơm, rạ, thân cây ngô, thân cây lạc...): 500 kg.
+ Phân chuồng : 500 kg.
* Cách ủ phân của công thức I, II, III: Trộn đều các nguyên liệu theo tỷ lệ của mỗi công thức ủ, cho vào mỗi hố ủ hỗn hợp nguyên liệu đã trộn của mỗi công thức trên.
Cũng trộn đều 5 kg phân lợn nhiễm giun T. suis nặng với các nguyên liệu khác (lá xanh băm nhỏ, tro bếp, vôi bột) theo tỷ lệ như 3 công thức, sau đó chia vào các túi vải nhỏ (mỗi túi 10 - 15 g), đặt vào trong các hố ủ ở các vị trí khác nhau. Chát bùn kín 3 hố ủ trên.
* Cách ủ phân của công thức IV:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Cây xanh: 500kg. - Phân chuồng : 500 kg.
Chú ý:
Kích thước nguyên liệu càng nhỏ càng tốt, cây ngô, cỏ, lau sậy, cây phân xanh, cây mua… Chặt ngắn khoảng 1 gang tay.
Bước 2: Chọn nơi ủ
- Chọn nơi tiện cho việc sử dụng phân và vận chuyển nguyên liệu. - Chọn nơi khô ráo, không bị ngập nước.
- Chọn nơi có nền đất, nền xi măng khô ráo. Có thể ủ trong nhà kho, chuồng nuôi nhốt bị bỏ không để tận dụng mái che.
- Nên rạch rãnh xung quanh cho nước chảy vào hố gom nhỏ tránh nước ủ phân chảy ra ngoài khi tưới nước quá ẩm.
- Diện tích nền: 3m2 /tấn phân ủ.
Bước 3: Chuẩn bị dụng cụ
- Bình tưới ozoa
- Cào, cuốc, xẻng, dao phát, dao băm, thớt. - Vật liệu làm mái: bạt, bao tải, nilon…
Bước 4: Trộn nguyên liệu và tiến hành làm đống ủ phân
- Chia nguyên liệu:
+ Chia đều nguyên liệu có nguồn gốc từ cây xanh làm 6 phần bằng nhau. + Chia đều nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật làm 6 phần bằng nhau. - Làm đống ủ:
+ Rải một phần nguyên liệu từ cây xanh mỗi chiều khoảng 1,5 m, độ dầy 25 - 30cm.
+ Rắc đều một phần phân lên trên lớp nguyên liệu xanh, độ dầy 10cm. + Tiếp tục làm lớp tiếp theo đến khi hoàn thành.
Chú ý:
Lượng nước tưới cần phụ thuộc vào đô tươi hay khô của nguyên liệu. Yêu cầu duy trì độ ẩm 40 - 50%.
Tiến hành đặt các túi vải chứa 10 - 15g phân lợn nhiễm giun T. suis nặng vào các vị trí khác nhau của đống ủ, (cần buộc dây thật chắc và để thò ra ngoài đống ủ để tiện cho việc lấy mẫu ra).
Bước 5: Che đậy hố ủ
- Sau khi trộn và làm đống ủ, che đậy đống ủ bằng bạt, bao tải dứa hoặc nilon.
- Làm tấm che bằng lá hoặc mái lợp để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào đống ủ làm chết vi sinh vật và giữ nhiệt giữ ẩm tốt hơn.
* Phương pháp theo dõi khả năng sinh nhiệt và tác dụng diệt trứng giun T. suis của 4 công thức ủ
Hàng ngày dùng nhiệt kế 1000C đo nhiệt độ phân ủ, đồng thời lấy từ mỗi hố ủ 1 túi vải để xét nghiệm trứng giun T. suis. Từ đó xác định được khả năng sinh nhiệt của mỗi công thức ủ và tác dụng diệt trứng giun T. suis lợn.
3.4.1.4. Phương pháp thử nghiệm quy trình phòng bệnh giun T. suis cho lợn trên diện hẹp
Địa điểm thực hiện: Huyện Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên Đối tượng thử nghiệm: Lợn nhiễm giun T. suis
Nội dung triển khai:
* Xác định tỷ lệ và cường độ nhiễm giun T. suis của lợn trước thử nghiệm
Lợn trước khi thử nghiệm được xét nghiệm phân để xác định tỷ lệ và cường độ nhiễm giun T. suis bằng phương pháp Fulleborn và phương pháp Mc. Master.
* Bố trí thử nghiệm
Lợn được bố trí thành 2 lô: Lô thử nghiệm và lô đối chứng, tương đối đồng đều về các yếu tố: tuổi, khối lượng, tỷ lệ và cường độ nhiễm giun T. suis.
Lô thử nghiệm được áp dụng biện pháp phòng trị bệnh giun T. suis như: + Định kỳ dùng thuốc có hiệu lực cao tẩy phòng giun T. suis.
+ Vệ sinh chuồng và xung quanh chuồng trại.
+ Định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng và xung quanh chuồng trại. + Vệ sinh thức ăn và nước uống cho lợn.
* Xác định tỷ lệ và cường độ nhiễm giun T. suis của lợn sau 2, 3 tháng thử nghiệm
Sau 2, 3 tháng thử nghiệm, xét nghiệm phân để xác định tỷ lệ và cường độ nhiễm giun T. suis của lô thử nghiệm và đối chứng phương pháp Fullerborn và phương pháp Mc. Master. Từ đó đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng trị đã áp dụng.
* Xác định khối lượng lợn ở các thời điểm thí nghiệm
Trước khi áp dụng quy trình phòng, trị bệnh giun T. suis, tiến hành cân (đối với lợn nhỏ) hoặc đo (đối với lợn lớn) để xác định khối lượng của từng lợn, từ đó xác định được tổng khối lượng lợn của lô thí nghiệm, lô đối chứng.
Sau thử nghiệm 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng, xác định tổng khối lượng lợn ở lô thử nghiệm và lô đối chứng tương tự như trên.
3.4.2. Đề xuất quy trình phòng trị bệnh giun T. suis cho lợn
Quy trình phòng trị bệnh giun T. suis cho lợn được đề ra dựa vào kết quả nghiên cứu thử nghiệm biện pháp phòng trị bệnh giun T. suis cho lợn.