Thực trạng dạy học giải bài tập chương “Điện tích Điện trường”

Một phần của tài liệu Lựa chọn và hướng dẫn giải hệ thống bài tập chương Điện tích, điện trường nhằm giúp học sinh lớp 11 THPT nắm vững kiến thức cơ bản, góp phần phát triển năng lực giải quyết vấn đề (Trang 35 - 36)

Qua dự giờ, trò chuyện với giáo viên và học sinh chúng tôi nhận thấy nhiều học sinh không tích cực theo dõi quá trình giải bài tập trên bảng, chủ yếu là ghi chép một cách máy móc vào vở những phép tính toán cụ thể và kết quả cuối cùng, có khi còn không chép công thức vật lí. Sau khi được hỏi lại thì họ không biết xuất phát từ đâu mà có những phép toán đó (nghĩa là không hiểu bản chất vật lí). Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện trong quá trình học tập và giải bài tập chương “Điện tích. Điện trường”, học sinh gặp các khó khăn chủ yếu và mắc các sai lầm phổ biến sau:

- Hiểu rất mơ hồ về khái niệm điện trường bởi học sinh nghĩ rằng, muốn tác dụng lực lên một vật (điện tích) phải có một vật cụ thể và phải có sự tiếp xúc giữa các vật đó.

- Khi biểu diễn lực điện tác dụng lên một điện tích điểm hay biểu diễn cường độ điện trường tại một điểm gây bởi một điện tích, học sinh thường nhầm hướng của các vectơ này. Đặc biệt trong nhiều trường hợp, một điện tích điểm chịu tác dụng của nhiều lực hay tại một điểm có nhiều cường độ điện trường thành phần thì việc biểu diễn vectơ tổng hợp cũng như xác định độ lớn của vectơ này gây rất nhiều khó khăn cho học sinh bởi khả năng giải toán theo phương pháp hình học của học sinh còn hạn chế.

- Đối với loại bài toán xác định điều kiện cân bằng của hệ điện tích điểm, nhẽ ra khi viết điều kiện cân bằng của một điện tích điểm phải là hợp lực của tất cả các lực thành phần tác dụng lên điện tích đó bằng không thì nhiều học sinh khi viết lại viết thừa lực thành phần hoặc thiếu lực thành phần nghĩa là trong biểu thức tổng hợp vectơ có lúc xuất hiện thêm lực điện tác dụng lên một điện tích điểm khác. Điều này là do học sinh nghĩ rằng điều kiện đó là chung cho cả hệ nên tìm được lực điện nào là học sinh ghi luôn vào biểu thức.

- Đối với bài toán xác định công của lực điện: AqEd, học sinh không xác định được đúng hình chiếu d của đường đi trên phương của lực mà thường nghĩ rằng d chính là đường đi.

- Đối với bài toán xác định điện thế tại một điểm, học sinh hay nhầm quy ước về dấu, nên xác định điện thế tổng cộng bằng cách tính tổng đại số thường dẫn đến kết quả sai.

- Đối với bài toán về chuyển động của các hạt mang điện trong điện trường đều, nhiều học sinh cho rằng tác dụng vào điện trường ngoài trọng lực còn một loại lực nữa là “lực rơi” làm cho vật rơi xuống. Mặt khác, loại bài toán này dùng nhiều kiến thức động lực học chất điểm đã học từ lớp 10 nên đa số học sinh không nhớ kiến thức đó vì vậy gặp khó khăn khi giải loại toán này.

- Đối với loại bài toán là một bộ tụ điện, học sinh thường gặp khó khăn khi viết sơ đồ mạch tụ, không biết viết từ đâu.

Một phần của tài liệu Lựa chọn và hướng dẫn giải hệ thống bài tập chương Điện tích, điện trường nhằm giúp học sinh lớp 11 THPT nắm vững kiến thức cơ bản, góp phần phát triển năng lực giải quyết vấn đề (Trang 35 - 36)