Niên-hiệu : Thuận-thiên 1. Thái-Tổ khởi nghiệp.
Lý công Uẩn người ở làng Cổ-pháp, nay thuộc về huyện Đông-ngạn, phủ Từ- sơn, tỉnh Bắc-ninh (ở làng Đình-bảng có lăng và đền thờ nhà Lý).
Tục truyền rằng Công Uẩn không có cha, mẹ là Phạm-thị đi chơi chùa Tiêu-sơn (làng Tiêu-sơn, phủ Từ-sơn), nằm mộng thấy đi lại với thần nhân rồi về có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi đem cho người sư ở chùa Cổ- pháp tên là Lý khánh Văn làm con nuôi, mới đặt tên là Lý công Uẩn.
Công Uẩn lớn lên vào Hoa-lư làm quan nhà Tiền-Lê, đến chức Tả-thân- vệ Điện-tiền Chỉ-huy-sứ. Khi Lê Long Đĩnh mất, thì Lý công Uẩn đã ngoài 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán-giận nhà Tiền-Lê lắm, ở trong triều có bọn Đào cam Mộc cùng với sư Vạn Hạnh mưu tôn Lý công Uẩn lên làm vua.
Lý công Uẩn bèn lên ngôi hoàng-đế, tức là vua Thái-tổ nhà Lý.
2. Dời Đô Về Thăng Long Thành.
Thái-tổ thấy đất Hoa-lư chật-hẹp không có thể mở-mang ra làm chỗ đô-hội được, bèn định dời đô về La-thành. Tháng 7 năm Thuận-thiên nguyên-niên (1010), thì khởi sự dời đô. Khi ra đến La-thành, Thái-tổ lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng hiện ra, bèn đổi Đại-la thành là Thăng-long thành, tức là thành Hà-nội bây giờ. Cải Hoa-lư làm trường-an phủ và Cổ-pháp làm Thiên-đức phủ.
3. Lấy Kinh Tam Tạng.
Nhà Lý bấy giờ sùng đạo Phật, nhà vua trọng đãi những người đi tu, lấy tiền kho ra để làm chùa đúc chuông. Tháng 6 năm mậu-ngọ (1018) vua sai quan là Nguyễn đạo Thanh và Phạm Hạc sang Tàu lấy kinh Tam-tạng đem về để vào kho Đại-hưng.
4. Việc Chính Trị.
Lúc bấy giờ ở bên nhà Tống có nhiều việc, cho nên cũng không sinh sự lôi thôi gì với nước ta. Bởi vậy khi Thái-tổ lên làm vua, sai sứ sang cầu phong, vua nhà Tống liền phong cho làm Giao-chỉ quận-vương, sau lại gia phong Nam-bình- vương. Nước Chiêm-thành và nước Chân-lạp đều sang triều cống, cho nên việc bang-giao thời bấy giờ đều yên-trị.
ở trong nước cũng có đôi ba nơi nổi lên làm loạn, như ở Diễn-châu (thuộc Nghệ-an) và ở mạn Thượng-du hay có sự phản-nghịch, nhà vua phải thân chinh đi đánh-dẹp mới yên được.
Thời bấy giờ các hoàng-tử đều phong tước vương và phải cầm quân đi đánh giặc, bởi vậy ai cũng giỏi nghề dùng binh.
Thái-tổ lưu tâm về việc sửa-sang trong nước: đổi phép cũ của nhà Tiền- Lê; chia nước ra làm 24 lộ, gọi Hoan-châu và Ái-châu là trại. Lại định ra 6 hạng thuế là : thuế ruộng, đầm, ao; thuế đất trồng dâu và bãi phù-sa; thuế sản-vật ở núi; thuế mắm-muối đi qua Aỉ-quan; thuế sừng tê, ngà voi và hương ở trên mạn núi xuống; thuế tre gỗ hoa quả. Vua cho những bậc công-chúa coi việc trưng-thu các thứ thuế ấy.
Thái-tổ trị-vì được 19 năm thì mất, thọ 55 tuổi.