Llosa với những cuốn tiểu thuyết của mình đã khiến người đọc phải đọc theo cách khác với truyền thống. Bởi vì ông không làm công việc sắp đặt mọi thứ theo logic nhân - quả, trước - sau, lớn - bé, quan trọng - thứ yếu… mà sắp đặt theo logic của chính ông. Tính chất phi logic này đã tạo nên nét mờ, sự nhòe khiến người đọc phải nghĩ và sắp xếp lại mọi thứ trong đầu. Mặc khác, Llosa chọn hình thức trần thuật qua những mảnh vỡ, những mê lộ - điều này gợi ta nghĩ đến tính toàn thể. Văn bản của Llosa hệt như khối vuông rubik đã được xáo trộn các mảnh màu. Công việc của người đọc là giải quyết sao cho mỗi mặt của khối là một màu đồng nhất. Đối với độc giả, hành động “đọc” không còn sự thụ hưởng như trước kia, mà phải tham dự vào văn bản bằng sự tư duy và sự liên tưởng.
Khác với những tác giả như Llosa, Cortázar và Fuentes - những nhà văn tạo nên sự cách tân thi pháp tiểu thuyết mạnh mẽ nhất, ở trường hợp Márquez không thách đố bạn đọc về cấu trúc và văn phong. Bằng lối viết mạch lạc và hấp dẫn, tiểu thuyết Márquez chinh phục được nhiều tầng lớp độc giả khác nhau. Tuy nhiên, đối với từng
độc giả, Trăm năm cô đơn sẽ hiện ra với những màu sắc và góc độ tiếp nhận khác
nhau. Điều này không xuất phát từ tính mảnh vỡ của văn phong, hay tính lỏng lẻo của cấu trúc mà thể hiện ở tính thực tại mà Márquez đã mang đến cho từng độc giả. Ông đã thay đổi cả cách đọc của quần chúng, hơn nữa, qua đó, thay đổi cách nhìn về hiện thực của mọi người. Rất nhiều khía cạnh trong tiểu thuyết của Márquez mang tính chất ít ỏi và lấp lửng bởi vì nguyên tắc “show don't tell”. Giọng kể thản nhiên cùng với sự hạn chế giải thích những tình tiết mơ hồ dẫn đến khoảng trống gợi mở những sự diễn giải khác nhau.
KẾT LUẬN
Thành quả của tiểu thuyết mới Mỹ Latinh nói chung, có thể tóm gọn bằng sự đổi mới trên hai biểu hiện: những chủ đề chưa từng được đề cập đến và theo đó là kỹ thuật và cấu trúc tự sự mới lạ. Về mặt kỹ thuật, những tác phẩm lớn nhất của giai đoạn Bùng nổ tìm cách đứt đoạn với truyền thống, kiến tạo một cấu trúc tiểu thuyết hoàn toàn phi tuyến tính, đa tầng bậc, sử dụng thao tác đan cắt, phối hợp nhiều sự kiện, chủ đề, nhân vật, giọng điệu, điểm nhìn… đã góp phần tạo nên tác phẩm như một bức tranh lập thể, đồ sộ, phong phú, thể hiện một trường lực mạnh mẽ.
Tính cách phức hợp, nhiều đối cực của khu vực này cộng hưởng với tâm lý sáng tạo đặc biệt của nhà văn đã đẩy họ lựa chọn một con đường nghệ thuật tương ứng: trần thuật trong tính mâu thuẫn, tương phản. Các yếu tố ở mặt hình thức thường được bố cục theo tinh thần song hành, đối lập nhau như những đề và phản đề. Những cảm giác phức hợp, những tư tưởng đa nguyên đã phả ra những cấu trúc nghệ thuật phức tạp và tương phản, không còn đơn giản hay đóng kín như trước.
Tiểu thuyết Márquez và Llosa có sự giao thoa và sự khác biệt rõ nét ở mặt chủ đề tư tưởng và cấu trúc nghệ thuật. Sự thành công của hai ông được quốc tế thừa nhận từ sớm. Nếu Márquez đậm tính chất nghệ sĩ từ triết lý đến phong cách viết thì Llosa lại đậm phong thái học giả trên cả nội dung và hình thức tác phẩm. Những trang viết Márquez đẹp, hài hước và u buồn. Những trang viết của Llosa đầy những suy tư, tranh biện, kích thích tư duy và liên tưởng. Márquez đã “thâu tóm, tựu thành và thực hiện một cách hữu hiệu đến tuyệt đối việc chuyển di thế giới Mỹ Latinh vào văn chương”, là đại diện cho khuynh hướng thứ nhất về nền văn học Mỹ Latinh như nó vốn thế - Trong khi đó, Llosa đai diện cho khuynh hướng thứ hai ở chỗ biểu hiện được một thực tại Mỹ Latinh như nó cần thế, nên thế… Cả Márquez và Llosa đã nối kết được tính truyền thống và hiện đại, tính bản địa và quốc tế. Họ đã viết bằng tiếng nói của địa phương để lan tỏa vào khung cảnh văn chương thế giới (weltliteratur), họ đi đến cái chung mà không mất đi những chủ đề riêng, những quan niệm cá nhân của chính mình. Từ sự sáng tạo độc đáo, Márquez và Llosa đã có những đóng góp riêng trong sự nghiệp văn chương, làm nên sự phong phú của tiểu thuyết Mỹ Latinh.