KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Kết luận:

Một phần của tài liệu Xác định các tham số trong bài toán chẩn đoán kết cấu bằng phương pháp động để cải tiến công tác quản lý công trình cầu (tt) (Trang 26 - 28)

Kết luận:

1. Phương pháp nhận dạng dao động đã được áp dụng để xác định các đặc trưng dao động của các KCN cầu, trong đó có 2 tham số quan trọng là: tần số dao động riêng và dạng thức dao động. Từ đó xác định chỉ số MFC cho bài toán chẩn đoán động KCN cầu.

2. Mô hình phần tử hữu hạn của KCN cầu đã được xây dựng để tính ra tần số riêng và dạng thức dao động lý thuyết. So sánh kết quả đo trên 6 cầu (thực hiện trên địa bàn TP Hà Nội) với kết quả tính toán cho thấy sự chênh lệch nằm trong phạm vi 10%, chứng tỏ mô hình tính là chấp nhận được. Có thể nâng cao độ chính xác cho mô hình chính bằng cách xét chi tiết các điều kiện biên (liên kết dầm với gối, độ cứng gối cầu,...).

3. Đã mô phỏng một số hư hỏng trong KCN cầu dầm BT nhịp giản đơn cụ thể (bao gồm hư hỏng tại bản mặt cầu, tại dầm chủ và dầm ngang) và khảo sát được ảnh hưởng của các hư hỏng đó đến sự thay đổi các đặc trưng dao động như tần số dao động riêng, dạng thức dao động. Ngoài ra, luận án cũng đã mô phỏng được hư hỏng ngẫu nhiên trong bản mặt cầu và phân tích ảnh hưởng của nó đến sự thay đổi các tần số dao động riêng của KCN cầu dầm giản đơn BTCT. Tùy theo mức độ hư hỏng mà các tần số dao động riêng của KCN bị ảnh hưởng ít hay nhiều. Đã phân tích ảnh hưởng của độ cứng gối cầu đến tần số dao động riêng của KCN cầu dầm BT nhịp giản đơn dựa trên mô hình PTHH cầu La Khê. Cụ thể: khi coi gối là gối di động (có độ cứng theo phương dọc cầu bằng 0) thì tần số dao động cơ bản của cầu là 4.20 Hz, khi độ cứng dọc cầu của gối bằng 7 109

N/m thì tần số dao động cơ bản của cầu là 4.80 Hz - tăng 14.3%, khi tăng độ cứng gối trên 7 109 N/m thì tần số gần như không tăng, có nghĩa giá trị độ cứng Kg = 7 109 N/m có thể coi như tương đương với 1 gối cố định.

4. Đã thực hiện thử nghiệm bài toán chẩn đoán động xác định vị trí hư hỏng trên KCN cầu dầm nhịp giản đơn, trong đó KCN cầu được mô phỏng xuất hiện một số hư hỏng để giả lập số liệu đo dao động, sau đó sử dụng phương pháp dựa trên độ mềm biểu kiến kết cấu (tính toán trên 2 tham số dao động là tần số dao động riêng và dạng thức dao động) để tìm vị trí hư hỏng trên KCN và đã phát hiện chính xác vị trí các hư hỏng.

5. Đã đề xuất tích hợp bổ sung các tham số động (gồm tần số dao động riêng và dạng thức dao động riêng) vào công tác quản lý khai thác cầu; đã xây dựng quy trình quản lý và chẩn đoán động KCN cầu.

6. Xây dựng được chương trình “Chẩn đoán KCN cầu - MFC Version 1.0”. Chương trình tuy mới ở dạng đơn giản nhưng có khả năng xử lý các

tham số dao động của KCN ở thời điểm ban đầu và hiện tại để tính toán chỉ số MFC và phát hiện vị trí hư hỏng trên KCN cầu.

Kiến nghị:

1. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, 6 công trình cầu tại TP Hà Nội mới chỉ được đo dao động 1 lần (cuối năm 2015 - đầu năm 2016). Theo kiến nghị của luận án, các KCN cầu cần được đo định kỳ, vì vậy, việc đo đạc dao động 6 công trình cầu nêu trên cần được tiến hành trong thời gian tới nhằm mục đích chẩn đoán các cầu đó và đánh giá tình trạng cầu ở thời điểm hiện tại.

2. Đề nghị ứng dụng quy trình quản lý và chẩn đoán KCN bằng phương pháp dao động cho các công trình cầu BT nhịp giản đơn trên địa bàn TP Hà Nội. Quy trình này có thể được hiệu chỉnh cho phù hợp với thực tế và có thể áp dụng cho các KCN cầu BT giản đơn và liên tục trong cả nước.

3. Nâng cấp chương trình “Chẩn đoán KCN cầu - MFC Version 1.0” theo hướng: a) Đọc và xử lý tốt các thông tin từ file dữ liệu đầu ra của phần mềm MACEC; b) Nâng cấp thuật toán tính MFC để kết quả vị trí hư hỏng trên KCN thể hiện một cách rõ ràng hơn; c) Xây dựng thêm mô-đun quản lý dữ liệu các tham số động của các KCN cầu đo được.

Một phần của tài liệu Xác định các tham số trong bài toán chẩn đoán kết cấu bằng phương pháp động để cải tiến công tác quản lý công trình cầu (tt) (Trang 26 - 28)