b. Chất lượng lao động thấp là một cản trở đối với dòng FD
4.3.6 Nhóm giải pháp và kiến nghị khác
Bên cạnh các giải pháp đối với Nhà nước, để có thể phát huy được hơn nữa các tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực của mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững, Luận án còn đề xuất một số giải pháp đối với các doanh nghiệp có vốn FDI và người lao động.
KẾT LUẬN
Luận án tiến sỹ với đề tài: “Mối quan hệ qua lại giữa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển bền vững của Việt Nam” mong muốn đóng góp một số ý kiến nhằm phát huy những khía cạnh tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của tới phát triển bền vững của Việt Nam và của phát triển bền vững tới thu hút FDI vào Việt Nam, đặc biệt thông qua xem xét tác động của FDI tới từng trụ cột của phát triển bền vững và
của từng trụ cột tới dòng FDI vào Việt Nam.
Từ các nghiên cứu và đánh giá của Luận án, có thể rút ra được một số kết luận và có những đóng góp mới như sau:
1. Luận án đã tổng hợp và trình bày một cách cụ thể tình hình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam về tác động của FDI tới từng trụ cột của phát triển bền vững (tăng trưởng kinh tế, xã hội và môi trường) cũng như tới phát triển bền vững nói chung. Bên cạnh đó, Luận án cũng làm rõ tình hình nghiên cứu về tác động của từng trụ cột và của phát triển bền vững tới dòng FDI. Các tác động này được xem xét ở cả hai góc độ tích cực và tiêu cực. Cho đến nay, theo tìm hiểu của tác giả Luận án, chưa có nghiên cứu nào tổng hợp được một cách hệ thống về các khía cạnh của mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững cả ở góc độ chung cũng như ở góc độ quan hệ giữa FDI và từng trụ cột trong cùng một nghiên cứu như vậy. Qua phân tích về tình hình nghiên cứu như trên, có thể thấy rõ rằng khoảng trống nghiên cứu về mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững nói chung, hay giữa FDI và từng trụ cột của phát triển bền vững cùng một lúc hầu vẫn còn bỏ ngỏ cho các nghiên cứu sau này.
2. Luận án đã trình bày được hệ thống các vấn đề lý luận về đầu tư trực tiếp nước ngoài, cụ thể Luận án đã làm rõ khái niệm và đặc điểm của FDI, nhấn mạnh FDI là một dòng vốn đầu tư tư nhân với những đặc điểm quan trọng liên quan tới việc nhà đầu tư tham gia kiểm soát doanh nghiệp tiếp nhận vốn và cũng là một dòng vốn thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.
3. Đối với phát triển bền vững, Luận án đã làm rõ khái niệm, các nguyên tắc, cũng như xem xét các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững (các nhóm chỉ tiêu tổng hợp và chỉ tiêu theo từng trụ cột của phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế, xã hội và môi trường). Luận án cũng chỉ ra hạn chế về số liệu liên quan tới chỉ tiêu tổng hợp, vì vậy các nội dung phân tích tập trung vào mối quan hệ giữa FDI và từng trụ cột ở các khía cạnh hướng tới phát triển bền vững.
4. Luận án đề xuất khung lý thuyết về các kênh truyền dẫn tạo nên từng chiều tác động của FDI tới từng trụ cột ở các khía cạnh hướng tới phát triển bền vững và của từng trụ cột tới FDI, trên cơ sở kết hợp lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng tới FDI và tác động của FDI tới phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của nước nhận đầu tư. Các tác động này được xem xét ở cả hai góc độ tích cực và tiêu cực. Đồng thời, Luận án cũng chỉ ra mối liên hệ của các kênh này với các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững có liên quan. Đây là cơ sở để Luận án làm rõ thực trạng tác động ở nội dung sau.
5. Luận án đã đi sâu phân tích và làm rõ thực trạng mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững (ở cả hai góc độ tích cực và tiêu cực) sử dụng phương pháp thống kê mô tả. Những nội dung này giúp nhìn nhận một cách tổng thể về mối quan hệ giữa hai biến số này.
6. Luận án đã sử dụng phương pháp Vector hiệu chỉnh sai số (VECM) để xem xét và đánh giá tốt hơn mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững như một tổng thể với ba trụ cột
được đo lường bằng các biến khác nhau. Kết quả nghiên cứu định lượng đã cho các tác động ngắn hạn và dài hạn của FDI tới các trụ cột và của các trụ cột tới FDI. Từ đây, cùng với những phân tích định tính, Luận án đưa ra đánh giá chung về mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững theo các trụ cột. Cụ thể, về tác động của FDI tới phát triển bền vững, FDI thực sự giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, giúp nâng cao đời sống của người dân, cũng có tác động tương đối cân bằng (giữa tích cực và tiêu cực) đối với môi trường. Tuy nhiên, dòng FDI các năm trước cũng có thể gây ra tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, đồng thời dù tác động của FDI tới đời sống xã hội của người dân là có nhưng tác động không lớn. Ngoài ra, tác động của dòng FDI tới môi trường tới năm 2012 dù chưa rõ rệt nhưng cũng cảnh báo về những tác động tiêu cực nhiều hơn nữa trong tương lai. Về tác động của phát triển bền vững tới thu hút FDI vào Việt Nam, tăng trưởng kinh tế và sự cải thiện đời sống xã hội góp phần thu hút vốn FDI nhiều hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế lại không có tác động lớn tới việc thu hút FDI trong dài hạn và các nhân tố về xã hội, môi trường khác cũng chưa thực sự ảnh hưởng tích cực tới thu hút FDI vào Việt Nam.
7. Luận án đã chỉ ra một số biến động trên thế giới và trong nước giai đoạn 2017-2020 và những quan điểm và định hướng cụ thể của Nhà nước liên quan tới thu hút vốn FDI và thúc đẩy phát triển bền vững.
8. Luận án đã đề xuất một số giải pháp đối với Nhà nước nhằm phát huy các tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực của mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững của Việt Nam cho giai đoạn 2017-2030. Các giải pháp được đưa ra theo các nhóm cụ thể như: (i) các giải pháp về định hướng chung và định hướng thu hút FDI, (ii) các giải pháp về tuyên truyền và đẩy mạnh trao đổi ý kiến hai chiều với doanh nghiệp có vốn FDI, (iii) các giải pháp về hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp có vốn FDI, (iv) các giải pháp về theo dõi và giám sát các doanh nghiệp có vốn FDI và (v) các giải pháp về hỗ trợ người lao động.
Có thể nói, Luận án tiến sỹ là một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc của tác giả trong lĩnh vực nghiên cứu về dòng vốn FDI và phát triển bền vững. Hy vọng rằng, những đóng góp của Luận án sẽ góp phần vào công tác xây dựng và hoạch định chính sách của Nhà nước nhằm phát huy các tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực của mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới và các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên phức tạp, buộc các nước phải hướng tới thực hiện các chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn.
Sau nghiên cứu các nội dung trong Luận án, tác giả cũng đề xuất hướng tiếp cận mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững thông qua các chỉ tiêu tổng hợp một khi các chỉ tiêu này có thể được thống kê một cách chi tiết và cụ thể hơn. Ngoài ra, các nghiên cứu mới có thể sử dụng phương pháp VECM khi số liệu về chuỗi thời gian phản ánh các trụ cột có thể thu thập được trong giai đoạn dài hơn.