- Tài chínhkinh tế:
KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ 195 4 75:
cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam giải phóng Miền Nam khỏi sự xâm lược của đế quốc Mĩ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước. Trải qua năm giai đoạn: giai đoạn 1 (7.1954 - 12.1960); giai đoạn 2 (1.1961 - 6. 1965); giai đoạn 3 (7.1965 - 12.1968); giai đoạn 4 (1.1969 - 1.1973); giai đoạn 5 (12.1973 - 30.4.1975). Đế quốc Mĩ và chính quyền Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương 1954, biến Miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mĩ, cự tuyệt hiệp thương giữa hai Miền Bắc - Nam và tổng tuyển cử thống nhất đất nước; khủng bố, đàn áp những người yêu nước và cách mạng, tiến hành cuộc chiến tranh đơn phương để chống lại nhân dân Miền Nam Việt Nam và phá hoại Miền Bắc. Phong trào đấu tranh đòi Mĩ - Diệm phải thi hành hiệp định Giơnevơ chống đàn áp, khủng bố nổi lên khắp nơi. Cao trào lan rộng thành những cuộc khởi nghĩa từng phần ở Khu V cũng như Nam Bộ, đã giải phóng được 1.353/2.627 xã với số dân hơn 5,5 triệu, làm thất bại việc thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mĩ. Ngày 20.12.1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam được thành lập.
Trước nguy cơ sụp đổ của hệ thống nguỵ quyền, đế quốc Mĩ phải đối phó bằng thủ đoạn phát động "chiến tranh đặc biệt", nâng số quân từ 1.077 cố vấn và nhân viên kĩ thuật quân sự (1960) lên 10.962 (1962). Các cuộc khởi nghĩa từng phần đã phát triển thành cuộc chiến tranh cách mạng, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị trên cả ba vùng chiến lược, đặc biệt sau khi thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam (15.12.1961). Phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ngày càng phát triển ở cả nông thôn và đô thị. Nhiều cuộc bãi công, biểu tình, bãi khoá, tuần hành đã nổ ra ở Sài Gòn, Gia Định, Đà Nẵng, Huế. Ấp chiến lược của đối phương bị phá vỡ từng mảng. Nhiều chiến thuật mới của Mĩ và quân đội Sài Gòn như: "Trực thăng vận", "Thiết xa vận", "Phượng hoàng vồ mồi"... bị đánh bại. Tác chiến của Quân giải phóng được đẩy mạnh [x. Chiến dịch Bình Giã (2.12.1964-3.1.1965)]. Vùng giải phóng được mở rộng. Mặt trận Dân tộc Giải phóng được củng cố và phát triển nhanh chóng, trở thành người đại diện chân chính cho nhân dân Miền Nam Việt Nam. Nhân dân Việt Nam trên cả hai miền đất nước đã đoàn kết, đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mĩ. Sau thất bại của "Chiến tranh đặc biệt", Mĩ chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân vào Miền Nam hòng nhanh chóng kết thúc chiến tranh [tháng 12.1965 đưa tổng số quân Mĩ lên 184.314; tháng 11.1966 - 389 nghìn, tháng 12.1967 - 480 nghìn và cho đến lúc cao nhất (27.3.1969) quân số Mĩ ở Miền Nam Việt Nam lên tới 625.866; quân các nước chư hầu 72 nghìn và trên 1 triệu quân Sài Gòn]. Quân Mĩ vào và thực hiện "ấp chiến lược" đã gây cho ta nhiều thiệt hại, khó khăn, vùng giải phóng bị thu hẹp. Nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, chịu đựng gian khó, quân dân ta đã đoàn kết để chiến đấu. Những trận đầu diệt Mĩ của Quân giải phóng Miền Nam: trận Núi Thành 26.5.1965 (Quảng Nam), trận Vạn Tường 18-20.8.1965 (Quảng Ngãi), chiến dịch Plâyme (Tây Nguyên), chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng (Nam Bộ). Đông Xuân 1965 - 66, cuộc phản công chiến lược thứ nhất của Mĩ bị đánh bại. Đông Xuân 1966 - 67, cuộc phản công chiến lược thứ hai cũng bị đập tan. Đầu 1968, quân và dân Miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào đêm 30 rạng sáng 31.1.1968 (tức mồng một Tết Mậu Thân), đánh vào 6 thành phố, 44 thị xã, hàng trăm quận lị và căn cứ quân sự đối phương. Miền Bắc ra sức chi viện cho Miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mĩ. Trước thất bại nặng nề, ngày 1.11.1968, Mĩ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom Miền Bắc và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chịu họp Hội nghị bốn bên ở Pari. Chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mĩ bị phá sản. Mĩ phải xuống thang chiến tranh chuyển sang thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" và mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Sau khi lật đổ chính quyền Xihanuc (18.3. 1970) ở Cămpuchia, Mĩ đã huy động 10 vạn quân (5 vạn quân Mĩ và 5 vạn quân của chính quyền Sài Gòn) ngày 30.4.1970 vượt qua biên giới Việt Nam - Cămpuchia xâm lược Cămpuchia. Quân Giải phóng Miền Nam phối hợp với quân cách mạng Cămpuchia đã làm cho đối phương thiệt hại nặng nề. Ngày 30.6.1970, Mĩ buộc phải rút quân. Vùng giải phóng và căn cứ cách mạng Cămpuchia được mở rộng trên 5 tỉnh. Tháng 2.1971, đối phương mở cuộc Hành quân ‘’Lam Sơn 719’’, cuộc hành quân thí nghiệm của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", dùng quân đội Sài Gòn có quân Mĩ đứng phía sau hỗ trợ đánh ra Đường 9 - Nam Lào, hòng cắt đứt con đường chi viện Bắc - Nam. Sau 43 ngày chiến đấu, Quân giải phóng Miền Nam đã đánh bại cuộc hành quân này. Đầu 1972, Quân giải phóng Miền Nam mở cuộc tiến công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu vào hệ thống phòng ngự của đối phương trên vào những hướng chiến lược quan trọng: Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu V và Khu VIII (Nam Bộ). Kết quả, đã đập tan hệ thống phòng ngự chiến lược của địch, nhiều vùng đất đai rộng lớn được giải phóng; Lộc Ninh sau 1972 trở thành "thủ đô" của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Ở Miền Bắc, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12.1972, quân và dân Miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng - bước leo thang cao nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ hai của Mĩ. Chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" bị thất bại về cơ bản, buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari, rút hết quân Mĩ và quân các nước ra khỏi Miền Nam Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Phát huy những thắng lợi đã giành được, quân và dân Việt Nam đánh bại cuộc tiến công lấn chiếm của đối phương, động viên lực lượng cả nước ra sức tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử xuân 1975. Tháng 3.1975, khi thời cơ lớn xuất hiện, quân và dân MiềnNam đã kịp thời mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy gồm ba đòn tiến công chiến lược. Đòn tiến công chiến lược thứ nhất (4 - 24.3.1975): tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột và toàn bộ Tây Nguyên [x. Chiến dịch Tây Nguyên (4.3-3.4.1975)]. Đòn tiến công chiến lược thứ hai (5 - 29.3.1975): giải phóng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng và hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng. Đòn tiến công chiến lược thứ ba (9 - 30.4.1975) kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc Kháng chiến chống Mĩ [x. Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-30.4.1975)], giải phóng các tỉnh cực Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ, giải phóng Sài Gòn - Gia Định và toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng hết các đảo (trừ Hoàng Sa), kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mĩ của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho cách mạng Cămpuchia và cách mạng Lào giành thắng lợi quyết định. Từ 5.1975, với thắng lợi vĩ đại của Kháng chiến chống Mĩ, đã mở ra một giai đoạn lịch sử mới - cả nước hoàn toàn độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội
JAN
9
Câu 8. Trình bày đường lối đối ngoại của Đảng trong thời kỳ đổi mới và những chủ trương, chính sách lớn về mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế.