2.1. Các giải pháp về xây dựng chiến lược tài chính y tế.
• Xây dựng một chiến lược tổng thể về tài chính y tế có xác định rõ mục tiêu, tiêu chí cần đạt của hệ thống tài chính y tế Việt Nam cũng như các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đạt được mục tiêu đó.
• Xây dựng kế hoạch hợp lý để sử dụng và giám sát, đánh giá việc sử dụng nguồn tài chính được huy động từ quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và những nguồn thu mới như phí bảo vệ môi trường hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia. Vận động tăng tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
• Tăng cường chính sách tài chính y tế và đầu tư phù hợp để nâng cao chất lượng và giảm chênh lệch trong chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế huyện, xã.
2.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn tài chính ytế. tế.
• Rà soát bằng chứng được sử dụng để lựa chọn các thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật được đưa vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả; áp dụng các phương pháp đánh giá dựa trên bằng chứng như đánh giá công nghệ y tế đối với các công nghệ mới và đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
• Công khai gói quyền lợi bảo hiểm y tế cho người dân, thực hiện các biện pháp giảm các khoản thu chênh lệch của cơ sở y tế đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế.
• Tăng cường theo dõi giám sát các khoản được bảo hiểm y tế thanh toán cho cơ sở y tế và chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thông qua hệ thống thông tin dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
• Điều chỉnh phương thức chi trả phù hợp trong giai đoạn quá độ chuyển sang phương thức thanh toán mới, bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống thu thập thông tin chính xác hơn về chi phí thực tế để cung cấp dịch vụ y tế dựa trên các hệ thống kế toán chi phí thường xuyên tại một số loại cơ sở y tế khác nhau, và sử dụng kết quả để điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp hơn. Xây dựng các tiêu chuẩn dịch vụ, đặc biệt đối với dịch vụ chẩn đoán và thuốc đắt tiền.
• Tăng cường hiệu quả cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử phạt.
• Với việc Quỹ bảo hiểm y tế mới chỉ chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh (theo Luật bảo hiểm y tế) thì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đang được chi trả từ 3 nguồn: (i) Ngân sách nhà nước (phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các trạm y tế và các trung tâm y tế dự phòng, cấp ngân sách theo các chương trình mục tiêu y tế); (ii) bảo hiểm y tế; và
(iii) chi tiền túi. Để bảo đảm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được chi trả từ nguồn tài chính công (ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế) thì trước mắt cần xác định rõ gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu bao gồm những gì và được nguồn tài chính nào chi trả. Về lâu dài, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cá nhân cần được đưa vào gói dịch vụ do bảo hiểm y tế chi trả với các phương thức chi trả khác nhau.
• Có giải pháp hiệu quả kiểm soát và khắc phục những tác động không mong muốn của tự chủ bệnh viện, như tăng tính minh bạch, công khai của tài chính bệnh viện công. Xây dựng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá hiệu suất hoạt động của các bệnh viện công lập đi đôi với việc tăng cường hệ thống quản lý thông tin bệnh viện.
• Xây dựng và ban hành hướng dẫn điều trị chuẩn quốc gia cho các bệnh thường gặp.
2.3. Các giải pháp nâng cao mức bảo vệ tài chính y tế.
• Tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế (tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế) một cách hiệu quả, thông qua việc tăng mức trợ cấp mệnh giá bảo hiểm y tế cho người cận nghèo. Tăng áp lực chính trị để các địa phương đạt mục tiêu tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế.
• Triển khai bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có lộ trình. Tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, trong đó thúc đẩy việc sử dụng mã số định danh cá nhân, đặc biệt mã số định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
CHƯƠNG V: KẾT LUẬN
Sau nhiều năm thực hiện chính sách đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, sức khỏe nhân dân đã được cải thiện một cách rõ rệt và toàn diện. Tài chính y tế là một trong sáu thành phần chủ chốt của hệ thống y tế, có tác động quan trọng đến định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống y tế. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính y tế còn một số vấn đề đáng quan tâm. Mặc dù tỷ lệ chi tiêu công cho y tế trong thời gian gần đây đã tăng lên, nhưng vẫn thấp so với nhu cầu.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu nhập và cuộc sống người dân cũng được nâng cao. Trong khi khả năng chi trả của người dân tăng cao thì nhu cầu về cải thiện cuộc sống và cải thiện sức khỏe cũng tăng lên. Hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, đặc biệt là hệ thống y tế tư nhân, sẽ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Nhiều công nghệ mới, hiện đại cũng sẽ được ứng dụng trong khám chữa bệnh. Đây sẽ là yếu tố làm tăng tổng chi của quốc gia cho y tế.
Mô hình bệnh tật của người Việt Nam đang thay đổi với xu hướng gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính không lây hoặc liên quan đến lối sống, như tim mạch, tiểu đường, ung thư, HIV, tâm thần, chấn thương tai nạn... Chi phí cho các nhóm bệnh này sẽ là gánh nặng tăng thêm, trong khi vẫn đang còn phải đối phó và kiểm soát nhóm các bệnh truyền nhiễm và các loại dịch bệnh mới.
Để nâng cao hiệu quả tài chính y tế, cần thực hiện các giải pháp về xây dựng chiến lược về tài chính, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn tài chính y tế và nâng cao mức bảo vệ nguồn tài chính y tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương (2009), “Báo cáo kết quả suy rộng mẫu trong Tổng điều tra dân số và nhà ở 01/4/2009”, Nhà xuất bản Thống kê.
2. Bộ Y tế - Nhóm đối tác y tế (2010), “Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2010- Hệ thống y tế Việt Nam trước thềm kế hoạch 5 năm 2011- 2015”, Nhà xuất bản Y học.
3. UNDP (2009), “Báo cáo phát triển con người - Vượt qua rào cản: Di cư và phát triển con người (HDR2009)”
4. Bộ Y tế (2008), “Tài khoản Y tế quốc gia thực hiện ở Việt Nam thời kỳ 2000-2006”, Nhà xuất bản thống kê.
5. Bộ Y tế (2010), “Tài khoản Y tế quốc gia thực hiện ở Việt Nam thời kỳ 1998-2008”, Nhà xuất bản thống kê.
6. Bộ Y tế - Nhóm đối tác y tế (2008), “Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2008 - Tài chính y tế ở Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
7. Bộ Y tế (2006), “Công bằng, hiệu quả, phát triển trong tình hình mới”, Báo cáo Y tế 2006, Nhà xuất bản Y học, trang 135-167.
8. Bộ Y tế - Nhóm đối tác y tế (2015), “Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2015- Tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phit chăm sóc sức khỏe toàn dân”, Nhà xuất bản Y học.
9. Nguyễn Thị Kim Chúc (2007), “Kinh tế y tế”, Kinh tế y tế và bảo hiểm y tế”, Nhà xuất bản Y học, trang 18-29.