CHƯƠNG 4 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Quản lý an toàn bệnh nhân (Trang 25 - 27)

Tại thời điểm này, an toàn bệnh nhân vẫn là một vấn đề nóng của xã hội. Việc xảy ra sự cố là điều không ai mong muốn vì hậu quả của nó là không thể sửa chữa được, bệnh nhân là người trực tiếp chịu tác hại lên sức khỏe của mình, gia đình phải chịu mất mát người thân, nhẹ hơn là tổn thất về kinh tế. Đối với những nhân viên y tế có liên quan đến sự cố, sang chấn tâm lý cũng không thể tránh khỏi. Nghiên cứu của WHO chỉ ra các trạng thái tâm lý mà người thầy thuốc liên quan đến sự cố y khoa trải qua như “xấu hổ, cảm thấy nhục nhã, sợ hãi, hoảng loạn, cảm giác tội lỗi, giận dữ và tự nghi ngờ bản thân”. Những ảnh hưởng đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng bởi các tác động dài hạn và là nguy cơ tăng các sai sót trong nghề nghiệp do sự mất tự tin của cán bộ y tế trong hành nghề. Tuy nhiên, gần đây lại có nhiều trường hợp vì hiểu biết hạn chế và tâm lý bức xúc thiếu kiểm soát dẫn đến hành vi xúc phạm và bạo lực đối với nhân viên y tế. Những vụ việc như vậy cần được đưa ra trước pháp luật để có hình thức xử phạt chính đáng để các bác sĩ và điều dưỡng có thể an tâm khi phục vụ bệnh nhân.

Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng cho đội ngũ cán bộ y tế cũng là một phần quan trọng trong công tác giảm sự cố y khoa. Không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường đại học cho các sinh viên, cần phải có một “chuẩn” nhất định đối với một bác sĩ, chính là chứng chỉ hành nghề. Tại Mỹ, một sinh viên kết thúc chương trình đào tạo tại trường đại học y chỉ có tấm bằng bác sĩ, họ sẽ phải tham gia vào một cuộc thi lấy chứng chỉ hành nghề thì mới được khám chữa bệnh. Sau đó các bác sĩ phải chứng minh mình có tham gia đủ số tiết đào tạo liên tục trong một năm mới được duy trì chứng chỉ đó, nếu không sẽ bị thu hồi. Đó là một biện pháp rất hay và hiệu quả để các bác sĩ duy trì sự ham học hỏi và vốn kiến thức, bởi vì y học đang có những bước tiến bộ vượt bậc nên kiến thức đã học ở trường 10 năm trước bây giờ có thể không còn đúng nữa, nếu không có đào tạo liên tục thì ngành y sẽ chỉ ngày càng tụt hậu so với thế giới.

Mỗi một cơ sở y tế cần xây dựng cho mình một quy trình để đảm bảo an toàn bệnh nhân phù hợp và có những biện pháp để mọi nhân viên tuân thủ theo các quy tắc đó. Tuy nhiên việc có một chuẩn chung cho tất cả các bệnh viện cũng rất cần thiết. Nên có một đơn vị riêng không chịu ảnh hưởng của bệnh viện làm công tác kiểm định chất lượng, bao gồm cả công tác đảm bảo an toàn người bệnh, các thông tin này sẽ được đưa ra công khai, minh bạch để người bệnh có quyền chọn lựa cơ sở y tế đáng tin cậy để khám chữa bệnh cho mình.

17 Cuối cùng nhưng cũng là quan trọng nhất, khắc phục lỗi hệ thống là yếu tố quyết định, vì “cứ có một lỗi hoạt động thường có 3- 4 yếu tố liên quan tới lỗi hệ thống”[1]. Các yếu tố hệ thống bao gồm: công tác quản lý, tổ chức lao động, môi trường làm việc... Điều đặc biệt là các yếu tố này lại ít được quan tâm xem xét khi xảy ra sự cố, thay vào đó lỗi lại được gán lên người trực tiếp hành nghề, chỉ vì họ tiếp xúc với người bệnh. Để thay đổi nhận thức sai lệch này, cần áp dụng một mô hình phân tích nguyên nhân sự cố, loại bỏ các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đã thúc đẩy việc xảy ra sự cố, đó cũng là quá trình cải tiến liên tục của cơ sở y tế.

[1]: Trang 17, Tài liệu đào tạo liên tục an toàn người bệnh, Bộ Y Tế, Cục quản lý khám chữa bệnh, dự án tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong khám chữa bệnh

Một phần của tài liệu Quản lý an toàn bệnh nhân (Trang 25 - 27)