Tác động của việc đầu tư vốn đối với phát triển kinh tế - xã hội phản ánh qua hai giai đoạn, cụ thể là:
Ở giai đoạn đầu, sự tăng vốn đầu tư làm tác động đến tổng cầu, tăng sản lượng và công ăn, việc làm; khi đầu tư tăng, có nghĩa là nhu cầu về chi tiêu để mua sắm máy móc thiết bị, phương tiện, nguyên vật liệu… tăng lên và kéo theo sự biến động “tăng” giá cả. Quá trình đầu tư tạo ra chủ yếu là nhu cầu về tư liệu sản xuất, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam là cần thiết và nhu cầu xuất khẩu hàng hóa để nhập khẩu tư liệu sản xuất là yêu cầu bức thiết để phát triển đất nước.
Ở giai đoạn hai, đầu tư sẽ dẫn đến tăng vốn sản xuất bao gồm tài sản cố định như máy móc, trang thiết bị, công xưởng…, hàng hóa tồn kho cho sản xuất và các tài sản vật chất phi sản xuất. Vốn sản xuất tăng lên làm tăng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế theo hướng tác động đến tổng cung bằng tăng sản lượng, tăng việc làm và kéo theo mức giá giảm. Giai đoạn này, sự gia tăng vốn không chỉ làm tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa, năng suất lao động mà còn nâng cao trình độ khoa học công nghệ cả bề rộng lẫn chiều sâu, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân; tạo ra khả năng toàn dụng và sử dụng hiệu quả tài nguyên, lao động của các doanh nghiệp và của nền kinh tế. Có thể nói, vốn trở thành nhân tố rất quan trọng, tạo ra khả năng huy động, sử dụng và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện dân giàu, nước mạnh, công bằng xã hội.