Phát triển bền vững

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên với sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay (Trang 37 - 106)

Phải xem phát triển là quyền lợi chung và rộng khắp của nhân loại, dù đối với nước chậm phát triển, nước đang phát triển hay nước phát triển, tất cả phải được hưởng quyền lợi một cách bình đẳng. Ngày nay các nước đang phát triển đang phải chịu hai tầng áp lực là môi trường sinh thái xấu và nghèo đói. Nghèo đói làm cho môi trường sinh thái xấu đi, môi trường sinh thái xấu càng làm tăng thêm đói nghèo. Nguyên tắc thứ năm của tuyên ngôn Rio - Janeiro về môi trường và phát triển viết: Tất cả các quốc gia, các dân tộc đều phải coi việc xoá bỏ nghèo đói là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu trong phát triển bền vững. Vì đối với các nước đang phát triển thì quyền phát triển càng trở thành quan trọng. Chỉ có phát triển mới có thể cung cấp được cơ sở vật chất cần thiết cho việc giải quyết nguy cơ sinh thái và mới có thể quét sạch nghèo đói và dốt nát [xem 12].

- Tính bền vững trong phát triển. Xuất phát từ lợi ích lâu dài của loài người, phát triển bền vững tức là làm cho xã hội loài người phát triển mãi mãi, phát triển không ngừng. Không chỉ phát triển cho thế hệ hôm nay mà còn phải phát triển cho cả thế hệ mai sau. Phát triển bền vững không phải là những hành vi phát triển ngắn hạn nhất thời, cũng không phải là chuyện lấy lợi ích ngày nay để làm lợi ích ngày mai. Sự tăng trưởng kinh tế mà phải trả giá bằng cách phải hy sinh lợi ích của đời sau sẽ không thể được coi là

phát triển một cách chân chính. Hạt nhân của nguyên tắc bền vững là sự phát triển kinh tế và xã hội loài người phải được duy trì trong phạm vi năng lực chịu đựng của tài nguyên môi trường.

- Tính cộng đồng trong lợi ích căn bản và hành động của con người. Chỉ có phát triển cộng đồng trong phạm vi toàn thế giới mới là sự phát triển chân chính. Đời sống của con người trên trái đất có nguy cơ sinh thái toàn cầu là biểu hiện của tính cộng đồng về nguy cơ mà loài người gặp phải. Tính cộng đồng về sự an toàn, tính cộng đồng về tương lai. Việc thực hiện phát triển bền vững đòi hỏi những hành động cộng đồng trong sự liên hợp của các quốc gia khác nhau không kể đến sự khác nhau về văn hoá và hình thái ý thức xã hội. Khuyến khích và ủng hộ các nước triển khai mọi hình thức hợp tác để giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu, lên án và đình chỉ việc đưa vào các nước đang phát triển những kỹ thuật và ngành nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, ngừng ngay việc chạy đua vũ trang, ngừng sản xuất và thí nghiệm các vũ khí hạt nhân và huỷ bỏ hết mọi vũ khí hạt nhân vũ khí gây sát thương đồng loạt.

- Tính công bằng giữa người với người. Chỉ khi giải quyết được sự không cân bằng giữa con người với con người thì mới có thể đạt được sự hài hoà giữa con người với tự nhiên. Công bằng là sự chung sống cùng có lợi giữa người với người, cùng nhau phát triển. Tính công bằng không chỉ thể hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người trong cùng một thế hệ mà còn được thể hiện trong quan hệ giữa con người với con người giữa các thế hệ với nhau.

- Con người chung sống hài hòa với tự nhiên. Sự phát triển bền vững đòi hỏi con người phải thay đổi thái độ và quan niệm đối với tự nhiên, phải xây dựng tiêu chí giá trị và đạo đức mới, không coi con người là chúa tể và tự nhiên là đối tượng mà mình chinh phục, trái lại cần coi tự nhiên là nguồn gốc sinh mệnh và nguồn gốc giá trị của loài người. Con người cần phải học cách tôn trọng tự nhiên, bảo vệ tự nhiên, chỉ coi mình là một thành viên

bình thường trong đại gia đình giới tự nhiên sống cùng tự nhiên đối xử hài hoà với tự nhiên chung sống và hiểu được mối quan hệ vận mệnh thống nhất hài hoà giữa tự nhiên với con người.

Phát triển bền vững đòi hỏi con người phải thay đổi thái độ và quan niệm đối với tự nhiên, chung sống hài hoà với tự nhiên. Vì vậy phát triển bền vững sẽ là điều kiện để mọi người trong xã hội đều có quyền bình đẳng.

1.4. Quan hệ giữa tăng trƣởng kinh tế với bảo vệ môi trƣờng tự nhiên

vì sự phát triển bền vững

1.4.1. Cơ sở triết học cho mối quan hệ giữa tăng trƣởng kinh tế và bảo vệ môi trƣờng tự nhiên

Xét đến cùng thì mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường chính là mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Tính thống nhất vật chất của thế giới thể hiện ở mối liên hệ quy định ràng buộc lẫn nhau của các yếu tố tự nhiên - con người - xã hội. Đây chính là cơ sở triết học để chúng ta nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Lịch sử xã hội loài người trải qua các chế độ xã hội từ thấp đến cao đã cho thấy: không có xã hội nào có thể tồn tại và phát triển được nếu không tiến hành “hoạt động lịch sử đầu tiên” - hoạt động sản xuất vật chất. Vì rằng xã hội không thể thoả mãn nhu cầu của mình bằng các sản vật sẵn có trong tự nhiên. Muốn đảm bảo sự sinh tồn, xã hội phải tiến hành sản xuất vật chất, đó là quá trình mà con người bằng lao động của mình tác động vào giới tự nhiên làm cho giới tự nhiên phải bộc lộ những thuộc tính để con người có thể nhận thức được. Mặt khác, tác động vào tự nhiên con người sẽ tạo ra của cải vật chất để nuôi sống mình và nuôi sống xã hội.

Trong buổi đầu hình thành, con người hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, phụ thuộc vào “sự tác động mù quáng của những lực lượng chưa kiểm soát được” [11,477]. Dần dần, cùng với quá trình tác động vào tự nhiên, công cụ lao động phát triển, con người đã nhận thức và nắm vững

được các quy luật của tự nhiên. Nhờ đó mà chi phối và cải biến được giới tự nhiên. Khi đã nắm bắt được các quy luật của tự nhiên, con người đã: “tạo ra những biến đổi đó mà bắt tự nhiên phải phục vụ những mục đích của mình mà thống trị giới tự nhiên” [11,654]. “Con người bắt đầu thống trị giới tự nhiên và cứ mỗi lần thống trị đó tiến lên một bước là mỗi lần nó mở rộng thêm tầm mắt của con người” [11,644]. Đó là những hoạt động có tính toán trước, có kế hoạch trước và hướng vào những mục đích nhất định. Con vật trong quá trình tồn tại cũng không ngừng tác động vào giới tự nhiên, nhưng sự tác động của chúng tới tự nhiên dường như là con số không và điều đặc biệt quan trọng là chúng hoàn toàn không hề có ý thức về những hành động của chúng. Con vật chỉ lợi dụng giới tự nhiên để thoã mãn nhu cầu bản năng. Trái lại, con người với những mục đích đã định trước, bằng những phương phápcách thức khác nhau đã và đang dần khám phá tự nhiên, chinh phục tự nhiên và “chỉ có con người mới in được cái vết của ý chí lên trái đất mà thôi” [11,654].

Như vậy, hoạt động sản xuất vật chất là hoạt động riêng có ở con người, là hoạt động mang tính mục đích, được thực hiện thông qua lao động của con người. Con người phải tiến hành lao động, tác động vào tự nhiên để sản xuất ra của cải vật chất nhằm tăng trưởng kinh tế, đó là yêu cầu khách quan của xã hội, là điều kiện cơ bản và tiên quyết mà ngày nay cũng như hàng ngàn năm trước đây con người phải tiến hành từng ngày từng giờ cốt để duy trì sự sống của mình và đảm bảo sự phát triển của xã hội. Mặt khác, tác động vào tự nhiên để sản xuất ra của cải vật chất không những là cơ sở đảm bảo sự sinh tồn của xã hội mà còn là cơ sở để hình thành nên các mối quan hệ xã hội khác, tạo ra mối liên hệ của con người với con người và con người với tự nhiên. Tuy nhiên, sự tác động đó không được quá mức để dẫn tới việc phá vỡ hệ thống tự nhiên - con người - xã hội, một hệ thống lớn và bao trùm nhất trong hệ thống sống, vì rằng chúng

đều là những yếu tố thống nhất một cách biện chứng và chặt chẽ với nhau, quy định và bổ sung cho nhau trong quá trình tồn tại và phát triển.

Tác động vào tự nhiên và cải biến tự nhiên, dần dần con người đã thống trị tự nhiên. Đó chính là thắng lợi của con người, nhưng chúng ta lại đang dần quên đi điều mà Ph.Ăngghen đã nhắc nhở từ lâu rằng: “Trong giới tự nhiên không có cái gì xảy ra một cách đơn độc cả, hiện tượng này tác động đến hiện tượng khác và ngược lại” [11,652]. Con người tác động đến tự nhiên, biến đổi tự nhiên nhằm phục vụ mục đích cho mình thì tự nhiên cũng tác động trở lại con người bằng những hậu quả tương ứng. Con người càng quan hệ tác động mạnh đến tự nhiên bao nhiêu thì càng làm cho xã hội đạt được những bước tiến về khoa học kỹ thuật bấy nhiêu. Nhưng sự tác động đó nếu không dựa trên sự hiểu biết những quy luật tự nhiên, quy luật xã hội thì kết quả mà chúng ta đạt được chỉ là “cái gốc ban đầu”. Khi nói đến vấn đề này, Ph.Ăngghen cũng đồng thời phê phán quan điểm tự nhiên chủ nghĩa về lịch sử cho rằng: “chỉ có tự nhiên mới tác động đến con người, chỉ có những điều kiện tự nhiên mới quy định ở khắp mọi nơi sự phát triển lịch sử của con người. Quan niệm ấy là phiến diện, nó quên rằng con người cũng tác động trở lại giới tự nhiên, cải biến tự nhiên” [11,720]. Tự nhiên luôn luôn vận động và phát triển theo quy luật khách quan - quy luật tự nhiên sẵn có. Xã hội là một bộ phận của tự nhiên - bộ phận đặc biệt được tách ra từ giới tự nhiên. Con người tồn tại trong xã hội, là sản phẩm của quá trình tiến hoá của giới tự nhiên, luôn phải tuân theo cả quy luật tự nhiên lẫn quy luật xã hội. Từ khi con ngưòi và xã hội loài người xuất hiện tự nhiên đã phát triển một cách phong phú và sinh động hơn. Sự tác động của tự nhiên vào xã hội mang tính tự phát, còn xã hội tác động vào tự nhiên lại mang tính chủ đích, do dó sự tác động của con người vào tự nhiên sẽ diễn ra theo hai hướng khác nhau: nếu tác động đúng quy luật thì làm cho tự nhiên ngày càng phong phú, xã hội tiến bộ và làm cho đời sống con người được cải thiện. Ngược lại khi con người tác động vào tự nhiên không

theo quy luật thì sẽ làm cho tự nhiên ngày càng nghèo nàn kiệt quệ, mối quan hệ giữa tự nhiên - con người - xã hội sẽ bị phá vỡ và tự nhiên sẽ trả thù con người. Trong lịch sử, chúng ta đã từng có những nền văn minh phát triển một cách rực rỡ và huy hoàng như nền văn minh Maya mà Ph.Ăngghen đã dẫn chứng [xem 11], nhưng đáng tiếc đến ngày này nó chỉ còn ghi lại dấu tích trên những trang sử sách. Sở dĩ như vậy là vì chính con người và do bàn tay con người đã tác động đến tự nhiên một cách quá mức. Vì thế mà Ph.Ăngghen đã nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên… Tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng những quy luật đó một cách chính xác” [11,655]. Mặt khác để giải quyết được mối bất hoà giữa con người với tự nhiên, con người chỉ dựa vào nhận thức thôi thì chưa đủ mà cần phải có sự thay đổi trong hành động của mình, cụ thể là sự thay đổi trong quá trình sản xuất.

Một lần nữa khẳng định rằng, chúng ta hoàn toàn thống trị được tự nhiên với những mức độ khác nhau nhưng “chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được thắng lợi là một lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta” [11,654]. Sự trả thù đó “thường không lường trước được” và “thường phá huỷ tất cả những kết quả đầu tiên” [11,654].

Thế giới là vật chất - tính thống nhất vật chất của thế giới được thể hiện ở mối liên hệ quy định ràng buộc lẫn nhau của các yếu tố tự nhiên - con người - xã hội. Đây chính là cơ sở triết học để chúng ta nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường với sự phát triển bền vững.

1.4.2. Phát triển bền vững - Sự thống nhất giữa tăng trƣởng kinh tế với bảo vệ môi trƣờng tự nhiên

Ngày nay, trong quá trình sản xuất vật chất, tăng trưởng kinh tế là cách thức chủ yếu, là nhu cầu bắt buộc của mọi quốc gia để nhằm từng bước xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Chỉ có không ngừng tăng trưởng kinh tế thì mới đảm bảo cải thiện và nâng cao đời sống cho mọi công dân, góp phần tạo nên sự ổn định chính trị của đất nước. Xã hội loài người không một phút giây nào ngừng sản xuất. Song, mọi cái do con người sản xuất ra đều trực tiếp hoặc gián tiếp lấy từ các vật liệu trong tự nhiên. Do đó sự tăng lên của sản xuất cũng là sự khai thác quá mức của con người đối với tự nhiên. Việc chạy theo lợi nhuận đã làm con người tàn phá thiên nhiên, huỷ hoại thiên nhiên, huỷ hoại môi trường sống của con người.

Sự tăng trưởng kinh tế trên cơ sở áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất một mặt, tạo ra một khối lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú về số lượng và tốt về chất lượng; nhưng mặt khác lại đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên một cách gay gắt. Do đó, thực hiện tăng trưởng kinh tế cần được tiến hành song song với việc tìm kiếm những giải pháp tối ưu để ngăn chặn và hạn chế những hậu quả không mong muốn do những tác động thiếu kiểm soát của con người gây ra cho tự nhiên. Hơn nữa, chính sự tăng trưởng kinh tế lại phụ thuộc nhiều vào việc xã hội có được những phương tiện hiệu quả đến mức nào trong việc giảm bớt hoặc hạn chế để khắc phục những hậu quả ấy. Mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên - quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững không chỉ đặt ra đối với những nước phát triển cao mà còn được đặt ra với tất cả các nước đang phát triển.

Muốn tăng trưởng kinh tế thì nhất định phải sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng các nguồn tài nguyên đó như thế nào để khi tập trung tăng trưởng kinh tế mà môi trường lại không bị hủy diệt, lại vẫn luôn được bảo vệ, đồng thời lại còn tạo ra những tiền đề

cho sự tăng trưởng tiếp theo. Tăng trưởng kinh tế càng cao thì tác động của nó đến môi trường chắc chắn càng lớn. Môi trường vừa là chỗ “chứa” chất thải của hoạt động kinh tế, vừa là “nguồn” đầu vào cho hoạt động kinh tế. Ngày nay, nguồn gốc chủ yếu của mọi biến đổi về môi trường đang xảy ra

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên với sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay (Trang 37 - 106)