Khái quát chung về bộ Đại Việt sử ký toàn thư

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo về mối quan hệ giữa trời và người trong lịch sử tư tưởng Việt Nam Đại Việt sử ký toàn thư (Trang 64)

7. Bố cục của luận văn

2.1.Khái quát chung về bộ Đại Việt sử ký toàn thư

2.1.1. Bối cảnh ra đời bộ Đại Việt sử kí toàn thư

Nửa sau thế kỉ XIV, xã hội Đại Việt dưới triều Trần rơi vào khủng hoảng, chính trị bất ổn, sản xuất đình trệ, thiên tai, nạn đói thường xuyên xảy ra. Nông dân nhiều vùng nổi dậy khởi nghĩa, nạn ngoại xâm cũng xuất hiện đe dọa độc lập, chủ quyền đất nước.

Năm 1400, Hồ Quý Ly - lúc đó đang giữ chức Tể tướng, đã ép buộc vua Thiếu Đế của nhà Trần phải nhường ngôi cho mình để lập nên nhà Hồ. Trong bảy năm cầm quyền (1400 - 1407), Hồ Quý Ly đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nhưng nhà Minh lấy cớ “phù Trần diệt Hồ” đã xâm lược và đặt ách đô hộ trên đất nước ta. Cuộc xâm lược và thống trị của nhà Minh (1407 - 1427) là một thời kì đen tối trong lịch sử Việt Nam. Chúng đã sử dụng nhiều chính sách và biện pháp để thủ tiêu nền độc lập dân tộc, biến nước ta thành quận huyện của nhà Minh; triệt để bóc lột sức người, vơ vét của cải và khủng bố, tàn sát dã man các cuộc nổi dậy của nhân dân ta; tiến hành các chính sách nhằm đồng hóa dân tộc, thủ tiêu nền văn hóa Đại Việt bằng cách đốt hết hoặc mang về Trung Quốc nhiều sách vở về điển chương, luật lệ, những tác phẩm lịch sử, văn học, địa lý và quân sự của dân tộc ta. Chính sách đô hộ đó đã kìm hãm sự phát triển của Đại Việt và đe dọa nghiêm trọng vận mệnh của dân tộc, phẩm giá của con người Việt Nam. Trước tình hình đó, cuộc kháng chiến chống Minh của nhân dân ta dưới sự chỉ đạo của Lê Lợi diễn ra

từ 1418 – 1428, sau nhiều gian khổ, hy sinh đã thắng lợi. Sau ngày “bình Ngô đại cáo”, kỷ nguyên mới của đất nước bắt đầu. Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Lê - còn gọi là Hậu Lê. Nhà Hậu Lê kéo dài 361 năm (1428 - 1789), được chia làm hai thời kì: thời Lê sơ (1428 - 1527) - bắt đầu từ khi Lê Lợi lên làm vua đến khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi; thời Lê Trung hưng (1527 - 1789). Dưới triều Lê, đất nước đạt được những thành tựu rực rỡ trên tất cả mọi mặt, nhưng cũng là thời kì diễn ra nhiều biến động to lớn trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, những thăng trầm của chế độ phong kiến Việt Nam và của Nho giáo - với tư cách là hệ tư tưởng, là công cụ trị nước của các vua Lê.

2.1.1.1. Về kinh tế

Ngay sau khi đất nước độc lập, nhà Lê đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa nền kinh tế phát triển lên một giai đoạn mới ở nửa sau thế kỉ XV.

Trước hết, nhà Lê sơ đã kế thừa kết quả cải cách kinh tế của nhà Hồ, hạn chế tối đa sự hình thành của ruộng đất tư hữu và các trang trại lớn. Nhà Lê thực hiện chế độ lộc điền - phân đất đai cho các quan lại cao cấp, các công thần và quý tộc tôn thất. Nhưng ruộng đất lộc điền lại rất phân tán nên đã hạn chế sự tập trung quyền lực của những người được phân phong, ngăn cản khuynh hướng cát cứ đối lập với triều đình và tạo ra một tầng lớp địa chủ mới, quan liêu mới. Mặt khác, nhà Lê còn thực hiện chế độ quân điền - trên cơ sở công điền cũ được bổ sung thêm ruộng đất tịch thu sau chiến tranh, nhà nước chia lại ruộng đất công của làng xã theo định kì 6 năm. Theo đó, các quan phủ, huyện có nhiệm vụ phối hợp với các già làng, xã trưởng đo dạc ruộng đất, tính số người được chia và thực hiện phân điền. Nông dân làng xã phải nộp đủ tô thuế cho nhà nước. Chế độ quân điền được thực hiện là một chuyển biến quan trọng khiến cho sở hữu nhà nước được

củng cố vững chắc. Trên thực tế, ruộng đất công làng xã là sở hữu nhà nước, nhà nước thu thuế, thực hiện quyền sở hữu và chủ quyền quốc gia. Dưới chế độ quân điền, nông dân làng xã tồn tại với tư cách là thần dân triều đình và là tá điền của địa chủ tối cao - là nhà vua. Mỗi cá nhân phải gắn bó với làng xã và nhà nước thống trị qua làng xã, nhưng mỗi làng xã vẫn có tính tự trị của mình. Triều Lê không ngừng tìm cách chi phối, điều chỉnh lệ làng, bằng cách ra lệnh cho làng nào làm hương ước phải cử các Nho sĩ thực hiện. Đây chính là điều kiện để Nho giáo, dưới triều Lê, có sức lan tỏa và chi phối mạnh mẽ đời sống của nhân dân.

Cùng với việc chia lại ruộng đất, ngay sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã cho 25 vạn quân lính giải ngũ về làm ruộng. Nhà nước cũng kêu gọi những người dân phiêu tán bởi loạn lạc trở về quê cũ, cùng nhau xây dựng xóm làng, phục hồi sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cũng có nhiều chính sách bảo vệ và khuyến khích nông nghiệp như tu bổ đê điều, giúp dân diệt trừ sâu bọ, bảo vệ sức kéo trâu bò, khuyến khích nông dân khai hoang… Ngoài ra, nhà nước còn quy định, mọi công trình xây dựng cần huy động dân phu thì phải tiến hành ngoài thời vụ.

Chính sách trọng nông của nhà Lê sơ thực sự đạt kết quả tốt đã khiến cho kinh tế đất nước nhanh chóng đi vào ổn định và phát triển. Theo sử cũ ghi lại, trong gần 40 năm trị vì của Lê Thánh Tông, chỉ có 4 lần hạn hán, một lần vỡ đê, một năm đói kém.

Hòa bình lập lại, nhu cầu xây dựng các trấn lị, xóm làng đã thúc đẩy sự phục hồi và phát triển nhanh chóng của các nghề thủ công. Các ngành nghề truyền thống như dệt, đan lát, rèn sắt, đúc đồng, dệt chiếu… ngày càng phát triển tạo nên những làng nghề thủ công chuyên nghiệp. Nhà nước cũng có các công xưởng riêng, độc quyền trong việc đúc tiền, vũ khí, đóng thuyền, chế tạo đồ dùng cho hoàng tộc và các quan. Tuy nhiên, dưới thời

Lê, nhà nước có nhiều luật lệ về cách thức xây dựng nhà cửa, về màu sắc và các loại tơ lụa may mặc, về trang sức vàng bạc cho các tầng lớp xã hội khác nhau. Theo đó, nhân dân không được dùng những đồ cao sang của vua và hoàng tộc. Điều này làm cho kinh tế nói chung, kỹ thuật sản xuất nói riêng, dưới thời Lê, tuy có phát triển nhưng vẫn bị kìm hãm nhiều.

Trên cơ sở phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng dần dần hồi phục. Kinh kỳ trở thành nơi buôn bán sầm uất. Các chợ địa phương mọc lên ở nhiều nơi. Hàng hóa buôn bán chủ yếu là các sản phẩm của nông nghiệp và thủ công. Để tiện cho việc trao đổi, buôn bán, nhà Lê bỏ tiền giấy của nhà Hồ, đúc tiền đồng mới, Các đơn vị đo lường cũng được thống nhất. Nhà Lê cũng cho phép trao đổi, giao thương với nước ngoài, nhưng nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ các hoạt động ngoại thương bởi muốn giữ vững an ninh, chủ quyền. Điều này khiến cho ngoại thương dưới thời Lê kém sầm uất hơn thời Lý - Trần. Trên thực tế, tổng thể kết cấu kinh tế - xã hội thời Lê sơ chủ yếu vẫn là nông nghiệp - nông dân - làng xã. Kinh tế hàng hóa chỉ là một bộ phận bổ sung cho nông nghiệp.

Bước sang thời Lê Trung hưng, đời sống kinh tế đất nước có những biến chuyển lớn. Nếu như ở thời Lê sơ, ruộng đất công chiếm đa số và là bệ đỡ vững chắc cho chính quyền phong kiến, thì từ sau Lê Thánh Tông, đã dần suy yếu, tư hữu ruộng đất diễn ra ngày càng mạnh. Lúc đầu, nhà Lê cố gắng cấm đoán việc biến ruộng công thành ruộng tư, nhưng trên thực tế, quá trình đó vẫn diễn ra. Cuối cùng, nhà nước đã phải chấp nhận tình trạng ấy. Điều này được đánh dấu bởi sự kiện năm 1722, chúa Trịnh Cương mượn danh vua Lê ban hành luật thuế mới và quy định mọi loại ruộng đất đang có thành hai loại hình sở hữu cơ bản: ruộng công và ruộng tư, để định mức thuế. Sự thay đổi sở hữu ruộng đất này là nguyên chính dẫn đến sự suy yếu của nhà Lê, sau đó đẩy Đại Việt vào tình trạng chia cắt, chiến tranh liên miên trong suốt thời kì Lê Trung hưng.

2.1.1.2. Về chính trị - xã hội

Bên cạnh việc tập trung khôi phục, phát triển kinh tế, thì ngay sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ cũng nhanh chóng triển khai việc xây dựng, củng cố chính quyền để quản lý đất nước. Từ những đơn vị hành chính theo chế độ quận huyện của nhà Minh, năm 1428, Lê Lợi chia đất nước thành năm đạo, dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu, xã. Ông cũng chấn chỉnh lại bộ máy chính quyền nhà nước: dưới vua có tả hữu tướng quốc và hai ban văn võ. Ở địa phương, đứng đầu các đạo là các chức Hành khiển, An phủ sứ, tri phủ… cấp xã có xã quan. Sau đó, từ 1460 – 1471, Lê Thánh Tông đã tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn. Nhà vua chia lại cả nước thành 13 đạo thừa tuyên [7,tr 441], bỏ các chức trung gian giữa vua và các quan, để vua trực tiếp quản lý sáu bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công - là những cơ quan chính phụ trách mọi công việc của triều đình. Ở các đạo, nhà vua đặt ra các chức quan tri phủ, tri huyện, tri châu, xã trưởng. Miền thượng du, người cai quản vẫn là các tù trưởng, lang đạo. Như vậy, chủ trương của Lê Thánh Tông là bảo đảm sự thống nhất của chính quyền phong kiến tập quyền từ trung ương đến địa phương, “khiến cho quan to, quan nhỏ đều ràng buộc, kiềm chế lẫn nhau” để bảo vệ địa vị và uy quyền tuyệt đối của vua.

Nhà nước quan liêu phong kiến dưới thời Lê thường xuyên được bổ sung thêm nhân lực. Để tuyển lựa quan lại, triều đình thông qua quân công và khoa cử Nho học là chủ yếu. Đầu thời Lê sơ, những võ tướng - vốn là các công thần khá đông. Nhưng từ thời vua Lê Thánh Tông trị vì về sau, văn thần khoa cử ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Võ tướng và các văn thần khoa cử nhiều khi chỉ là những người bình thường, “phi vọng tộc”, nhưng dựa vào nỗ lực và tài năng mà tham gia vào hệ thống quan lại, có địa vị xã hội và quyền lợi kinh tế tương ứng. Cho nên, “xã hội lúc đó rất sùng

bái chức vụ, khoa cử, tạo ra một tâm lý say sưa học hành khoa cử để cầu danh vị, cầu lợi” [43,tr 243]. Từ đó, thế lực đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của đông đảo và tích cực hơn của tầng lớp sĩ phu Nho giáo được tuyển lựa chủ yếu bằng con đường khoa cử Nho học.

Thời Lê sơ, từ 1442 trở đi, chế độ khoa cử đã hoàn chỉnh, cứ ba năm có một kỳ thi hương, một kỳ thi hội. Số học trò đi học ngày càng nhiều, số người đi thi ngày càng đông. Hệ thống khoa cử Nho học này đã khiến cho Nho giáo dần chiếm địa vị độc tôn trong đời sống tư tưởng - văn hóa. Các tư tưởng của Nho giáo vì thế cũng thấm sâu và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, chi phối các nhà tư tưởng, đặc biệt là các sử thần trong quá trình chép sử.

Bên cạnh việc xây dựng bộ máy chính quyền, để quản lý đất nước, nhà Lê - thời Lê Thánh Tông còn tổ chức vẽ bản đồ cả nước. Năm 1470, tập bản đồ Hồng Đức ra đời giúp cho triều đình hiểu biết hoàn chỉnh hơn về các điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị, dân cư các địa phương. Cùng thời gian này, Lê Thánh Tông cũng cho xây dựng bộ Luật Hồng Đức. Bộ luật này gồm 722 điều, chia làm 16 chương, là bộ luật hoàn chỉnh nhất thời phong kiến Việt Nam cho đến bấy giờ.

Từ đây, bộ máy nhà nước dưới triều Lê Thánh Tông, từ trung ương tới địa phương đã đạt tới mức hoàn bị. Có thể cho rằng, nước Đại Việt từ đầu thời Lê sơ đến Lê Thánh Tông là phát triển, ổn định, đất nước có pháp luật, kỉ cương chặt chẽ hơn. Lòng người trong nước tin vào vua Lê, biết ơn vua Lê nên những tư tưởng Nho giáo bảo vệ ngôi vị vua - vốn được coi là trời cho nhà Lê, đã ăn sâu, bám rễ vào trong đời sống tư tưởng của xã hội.

Tuy nhiên, sang thời Lê Trung hưng, nhà Lê bắt đầu quá trình suy thoái. Sự phát triển của ruộng đất tư hữu đã làm suy yếu bệ đỡ kinh tế của

chính quyền tập quyền quan liêu. Thêm vào đó là sự tha hóa của bộ máy nhà nước, xã hội ngày càng rối ren, mất ổn định. Nhân đó, các thế lực địa phương nổi dậy. Đất nước bước vào thời kỳ loạn lạc. Để cứu vãn tình hình và giữ vững địa vị thống trị của mình, nhà Lê ngày càng phải dựa vào thế lực quân sự. Nhân cơ hội này, Mạc Đăng Dung - một võ quan cao cấp có thế lực, đã ép vua Lê phải nhường ngôi và lập ra nhà Mạc (1527 - 1592). Trong khoảng 5 năm đầu, nhà Mạc đã có sự điều chỉnh về chính sách để củng cố chính quyền và kỷ cương đất nước bằng cách tổ chức lại bộ máy quan lại. Đất nước có một thời gian ngắn ổn định tạm thời. Nhưng những điều chỉnh của nhà Mạc lại chưa giải quyết được các mâu thuẫn trong xã hội. Mà trái lại, sự tồn tại của nó đã làm cho tình hình càng thêm phức tạp, các mâu thuẫn trong xã hội ngày càng phát triển. Những mâu thuẫn đó đến đỉnh cao đã dẫn tới các cuộc nội chiến Nam - Bắc triều giữa triều Lê và triều Mạc, kéo dài gần 50 năm. Khi cục diện này chưa chấm dứt thì một cuộc chiến khác quyết liệt và lâu dài hơn đã xuất hiện ngay trong lòng Nam triều, tạo nên cục diện Trịnh - Nguyễn phân tranh từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII. Những cuộc chiến tranh này đã đẩy đất nước vào cảnh bị chia cắt, biệt ly, đời sống nhân dân ngày càng thêm điêu đứng. Do nhu cầu tăng cường lực lượng chống lại chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng ngoài, các chúa Nguyễn ở Đàng trong đã thi hành một chính sách cởi mở để phát triển kinh tế. Còn ở Đàng ngoài, triều Lê Trung hưng không còn đủ khả năng để tái lập một chính quyền trung ương tập quyền mạnh như trước đây nên phải dựa hẳn vào họ Trịnh. Đây là sự nương tựa lẫn nhau của hai thế lực: vua Lê đã mất sinh khí nhưng vẫn còn hào quang quá khứ và uy tín trong dân và họ Trịnh có thế mạnh quân sự. Tuy nhiên, trong liên minh này, họ Trịnh nắm hết thực quyền, vua Lê chỉ là “hữu danh vô thực”. Ở Đàng trong, chính quyền chúa Nguyễn, sau thế kỉ XVII, đã tăng cường vơ vét, bóc lột nhân dân để phục vụ chiến

tranh nên đã khiến cho mâu thuẫn xã hội tăng cao. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân Đàng trong nổ ra để chống lại chúa Nguyễn. Trong số đó, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của Nguyễn Huệ cuối cùng đã lật đổ chính quyền phản động của chúa Trịnh và chúa Nguyễn.

Như vậy, từ năm 1527 - 1789, đất nước luôn có xung đột và nội chiến, xã hội tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản, đó là mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến thống trị với nhau và mâu thuẫn giữa địa chủ với nông đân. Thực trạng này đã ảnh hưởng rất nhiều đến vị trí và sự thể hiện của Nho giáo. Đồng thời, nó cũng làm nên những thay đổi trong nội dung tư tưởng của Nho giáo nói chung và tư tưởng về mệnh trời, đạo trời, về mối quan hệ giữa trời và người của Nho giáo nói riêng.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo về mối quan hệ giữa trời và người trong lịch sử tư tưởng Việt Nam Đại Việt sử ký toàn thư (Trang 64)