VIII. Các sản phẩm của học sinh
2. Sản phẩm của học sinh từ kết quả làm bài kiểm tra 15 phút sau tiết học Viết bài văn ngắn trình bày cảm nghĩ của em về hai câu thơ đầu trong
Viết bài văn ngắn trình bày cảm nghĩ của em về hai câu thơ đầu trong bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh.
BÀI LÀM
Mở đầu bài thơ “Cảnh khuya” là bức tranh tuyệt đẹp về cảnh suối rừng và trăng ngàn Việt Bắc:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”
Hai câu thơ như gợi lên trước mắt ta một bức tranh sơn thủy thật đẹp. Ta có thể hình dung nhà thơ như đang thao thức lắng nghe tiếng suối chảy rì rầm, êm nhẹ và trong trẻo từ rừng sâu vọng lại.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
Phép so sánh thật độc đáo và mới lạ: Âm thanh của tự nhiên được so sánh với âm thanh của con người. Suối là vẻ đẹp của chốn lâm tuyền, của núi rừng Việt Bắc. Ví tiếng suối với tiếng hát, khúc nhạc rừng được ví với tiếng hát xa êm ái, ngọt ngào của con người. Nghĩa là Bác đã lấy con người làm chủ. Với cách miêu tả như vậy
làm cho âm thanh cảnh khuya nơi chiến khu Việt Bắc trở nên gần gũi, sống động, mang hơi ấm và sức sống con người. Đó chính là nét mới trong thơ của Bác.
Câu thơ làm ta liên tưởng đến tiếng suối trong “Côn Sơn ca” của Ức Trai hơn 600 năm về trước:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
Hai hồn thơ bỗng trở nên gần gũi, thân thiết. Như chúng ta biết, Nguyễn Trãi về với Côn Sơn là để ở ẩn, xa lánh bụi trần, danh lợi; lấy suối, đá, thông, trúc làm bầu bạn. Bác Hồ cũng đến với chốn lâm tuyền Việt Bắc nhưng là để làm cách mạng, xây dựng chiến khu đánh Pháp. Và suối đã trở thành bài ca, câu hát nâng đỡ tâm hồn Bác trong suốt những năm dài kháng chiến gian khổ. Và đây cũng chính là điểm khác biệt giữa Bác Hồ với các danh nho xưa.
Câu thơ miêu tả tiếng suối nhưng còn gợi ra được cả không gian thanh vắng, tĩnh lặng của cảnh khuya, làm tăng thêm cái thanh vắng và tĩnh mịch của núi rừng. Đó chính là nghệ thuật “lấy động tả tĩnh” – một thủ pháp nghệ thuật nổi bật của thơ cổ: Lấy cái động (là tiếng suối chảy) để miêu tả cái tĩnh (là cảnh khuya). Âm thanh tiếng suối khiến cho đêm khuya vắng lặng như chợt tỉnh. Cảnh vật như ngừng lặng, chỉ nghe đâu đây tiếng suối chảy, nghe văng vẳng như tiếng hát ai đó cất lên nhẹ nhàng, trong trẻo, như lan tỏa, ngân vang khắp núi rừng.
Nếu như câu thơ thứ nhất miêu tả âm thanh tiếng suối thì câu thơ thứ hai gợi tả hình ảnh trăng ngàn:
“Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”
Câu thơ gợi lên vẻ đẹp hài hoà của cảnh vật thiên nhiên. Trăng được nhân hóa rất thơ mộng cùng với điệp từ “lồng” làm cho cảnh vật thiên nhiên trở nên hữu tình, huyền ảo. Dưới con mắt của Bác, ánh trăng bao trùm, đan dệt. Một bức tranh thiên nhiên có không gian, đường nét, màu sắc. Có dáng vươn cao tỏa rộng của vòm cổ thụ; có dáng cao thấp của những khóm hoa. Ánh trăng chiếu rọi xuống lấp loáng, lồng vào cành lá tạo thành những mảng đen – trắng, sáng – tối; bóng cây, bóng lá, bóng hoa đan xen, hòa quyện; in bóng trên mặt đất như muôn nghìn bông hoa thêu dệt, lung linh, huyền ảo. Thật đúng như lời người xưa thường nói: “Thi trung hữu nhạc, thi trung hữu họa”.
Nếu như ở câu thơ thứ nhất có nhạc thì câu thơ thứ hai có họa. Nếu câu một hay ở phép so sánh thì câu thứ hai hay ở điệp từ “lồng’. Bởi nó khiến cho bức tranh đêm trăng rừng khuya ở Việt Bắc không chỉ có lớp lang, tầng bậc mà còn mang vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Nét vẽ tinh tế, gam màu nhẹ, tươi mát, sự phối sắc tài tình.
Hai câu thơ ngắn gọn, hàm súc, nhưng đã gợi ra trước mắt chúng ta một bức tranh sơn thủy về cảnh suối rừng và trăng ngàn Việt Bắc trong sáng, tươi đẹp vừa có nhạc, vừa có họa như dẫn ta vào chốn thần tiên. Ta có cảm giác như Bác đang thả tất cả tâm hồn mình với thiên nhiên, vẻ đẹp của thiên nhiên khiến cho tâm hồn Bác thật sự thanh thản; Người tạm quên đi những khó khăn, vất vả của cuộc kháng chiến. Tâm hồn thi sĩ tỏa sáng trong những vần thơ đẹp.
(Bài làm của học sinh Nguyễn Lê Vân Anh – lớp 7A- Trường THCS Văn Hải)