1. KẾT LUẬN
Dựa vào phân tích thành phần, tính chất của condensate và chế độ vận hành Nhà máy ở công suất cao hơn thiết kế (≥ 103%) thì condensate Hải Thạch – Mộc Tinh có tính chất và cơ cấu các phân đoạn tương đương một loại dầu thô ngọt nhẹ nên hoàn toàn có thể chế biến tại phân xưởng CDU của Nhà máy;
Theo kết quả mô phỏng LP, condensate Hải Thạch – Mộc Tinh có thể chế biến với tỷ lệ phối trộn khoảng 12 – 14%vol khi chế biến kết hợp với các dầu Việt Nam thông dụng (Bạch Hổ, Sư Tư Đen, Tê Giác Trắng, Rạng Đông) và một số dầu có hiệu suất phân đoạn cặn khí quyển cao như Ruby, Thăng Long,...
Condensate Hải Thạch – Mộc Tinh có tỷ trọng tương đương với dầu thô Bạch Hổ và có áp suất hơi bão hòa (RVP) thấp hơn nhiều so với mức tối đa cho phép của các bể chứa dầu thô của Nhà máy (8 psi) nên nguồn condensate này hoàn toàn có thể nhập vào Nhà máy thông qua hệ thống SPM hiện hữu và lưu chứa tại các bể chứa dầu thô tương tự như các loại dầu thô đang chế biến tại Nhà máy;
Theo kết quả đánh giá trên phần mềm LP, trường hợp chế biến Hải Thạch – Mộc Tinh với tỷ lệ khoảng 10% sẽ cho hiệu quả kinh tế
tốt, gần tương đương các loại dầu Spot khác của Việt Nam như Ruby, Rạng Đông, tốt hơn so với dầu Sư Tử Đen. Net margin theo bộ giá sử dụng cho đánh giá lựa chọn dầu thô giai đoạn 06 tháng đầu năm 2018, cập nhật phụ phí sản phẩm tương tự mức dự kiến cho giai đoạn Quý 4/2018 đạt khoảng 3,85 USD/thùng.
2. KIẾN NGHỊ
Với các đánh giá về khả năng chế biến và hiệu quả kinh tế cho dầu condensate Hải Thạch-Mộc Tinh có tính khả thi cao và nguồn condensate Hải Thạch – Mộc Tinh có tính chất phù hợp với việc chế biến tại Nhà máy mà không đòi hỏi phải cải hoán công nghệ. Vì vậy kiến nghị thời gian đến tùy theo khả năng vận hành, tình hình cung cấp dầu thô thực tế của Nhà máy, có thể xem xét chế biến thử nghiệm 01 lô condensate Hải Thạch – Mộc Tinh để đánh giá cụ thể khả năng chế biến và hiệu quả kinh tế thực tế.