Từ kết quả thực nghiệm của nghiên cứu, tác giả khuyến nghị một số lưu ý khi áp dụng kết quả này vào thực tiễn như sau:
Thứ nhất: Chính phủ/doanh nghiệp cần nỗ lực hội nhập kinh tế và hội nhập cùng lúc trên nhiều lĩnh vực. Kết quả thực nghiệm của nghiên cứu này cho thấy khi hội nhập thì cả hội nhập tổng quan, hội nhập tài chính và hội nhập thương mại đều đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Việc mở rộng giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các quốc gia/khu vực khác cũng là cách để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực (nếu có).
Thứ hai: Đồng thời với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần có các biện pháp để ổn định tỉ lệ lạm phát. Chỉ khi tỉ lệ lạm phát được kiểm soát
tốt thì tác động của hội nhập tài chính, hội nhập thương mại tới tăng trưởng kinh tế mới bền vững và là tác động thúc đẩy.
Thứ ba: Mặc dù hội nhập kinh tế có tác động tích cực, nhưng khi các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam cũng gây ra các tác động tiêu cực khác như: Làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường (ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, ô nhiễm tiếng ồn), cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa v.v… Do vậy, Chính Phủ cần ban hành các tiêu chuẩn để lựa chọn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp, đồng thời kêu gọi sự phản biện và giám sát các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ chính quyền địa phương, người dân, và các tổ chức xã hội khác.
Thứ tư: Tiêu thụ năng lượng gồm tiêu thụ điện và tiêu thụ xăng dầu đều tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy Chính Phủ cần tính toán và đầu tư cho phát triển ngành điện tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Một sự thiếu hụt hay tính toán sai lệch trong phát triển năng lượng (nếu có) đều làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thứ năm: Tiêu thụ điện giúp tăng trưởng kinh tế, điều này không đồng nghĩa với việc Việt Nam phải xây dựng thật nhiều các nhà máy điện. Sử dụng thiết bị điện thông minh (tắt/mở tự động), tắt các thiết bị không cần thiết, giảm hao hụt trong truyền tải điện năng... cũng là cách để Việt Nam tăng được sản lượng điện cho quốc gia.
Thứ sáu: Mặc dù tiêu thụ xăng dầu có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng tiêu thụ xăng dầu cũng là nguồn gốc gây ra hiệu ứng nhà kính đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Với vị trí địa lý thuận lợi Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các loại năng lượng thay thế cho xăng dầu như: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo, năng lượng địa nhiệt v.v... đây là những loại năng lượng thân thiện hơn với môi trường sống. Khai thác và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng này có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Thứ bảy: Tỉ lệ đô thị hóa có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với việc Việt Nam bằng mọi cách phải đẩy nhanh mức độ đô thị hóa. Hoạt động kinh tế cần có các điều kiện về cơ sở vật chất, do vậy Chính Phủ nên chú trọng đầu tư cho hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng/cải tạo cảng biển, sân bay v.v… hơn là khuyến khích người dân tập trung vào các đô thị lớn.
5.3. Điểm mới của luận án
Kết quả thực nghiệm của luận án đóng góp một số điểm mới trên hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm như sau:
Thứ nhất: Khẳng định lại lý luận là hội nhập kinh tế gồm: Hội nhập tổng quan, hội nhập tài chính, hội nhập thương mại sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), nhưng tác động tích cực này cũng chịu sự chi phối bởi các yếu tố điều kiện. Cụ thể, luận án khẳng định được đối với trường hợp kinh tế của Việt Nam thì hội nhập tài chính và hội nhập thương mại sẽ phát huy tác động tích cực nếu Chính phủ duy trì được ngưỡng ổn định của tỉ lệ lạm phát. Đây là điểm mới về lý thuyết.
Thứ hai: Mặc dù cùng kết luận là tiêu thụ điện có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nhưng luận án chỉ ra được tỉ trọng đóng góp của tiêu thụ điện sẽ không giống nhau giữa các thời kỳ. Cụ thể, tỉ lệ đóng góp của tiêu thụ điện vào tăng trưởng kinh tế của Việt nam từ năm 1995-2017 sẽ thấp hơn giai đoạn 1971-1994. Hơn nữa, luận án còn chỉ ra được tác động trong dài hạn của tiêu thụ điện đến tăng trưởng kinh tế là tác động bất đối xứng. Đây là những điểm mới cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm mà các nghiên cứu trước đây cho Việt Nam chưa từng đề cập.
Thứ ba: Luận án tìm được bằng chứng thống kê để kết luận tác động của tiêu thụ xăng dầu đến tăng trưởng kinh tế là tác động phi tuyến và bất đối xứng. Theo đó, ảnh hưởng của việc tăng tiêu thụ xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế sẽ khác với ảnh hưởng của việc giảm tiêu thụ xăng dầu. Đây là điểm mới về lý thuyết mà các nghiên cứu trước đây cho kinh tế Việt Nam chưa đề cập đến.
Thứ tư: Việc nghiên cứu tác động riêng lẻ của từng dạng hội nhập kinh tế (hội nhập tổng quan, hội nhập tài chính, hội nhập thương mại), hay từng dạng tiêu thụ năng lượng (tiêu thụ điện, tiêu thụ xăng dầu) tác động đến tăng trưởng kinh tế tuy có ý nghĩa về mặt khoa học, nhưng dễ cung cấp cái nhìn thiếu tính tổng quan. Luận án phân tích đồng thời cả ba dạng hội nhập và hai dạng tiêu thụ năng lượng, điều này giúp ứng dụng kết quả vào thực tế sâu sắc hơn và lựa chọn được giải pháp tối ưu hơn. Đây là điểm mới về thực nghiệm.