Nụ cười giải thoát cá nhân và tự khẳng định trong thơ Tú Xương

Một phần của tài liệu Chuyên đề con người cá nhân trong văn học trung đại việt nam thế kỉ XVIII XIX qua một số tác giả và tác phẩm thơ tiêu biểu trong chương trình ngữ văn 11 (Trang 28 - 29)

Mất năm 1907, Tú Xương thuộc vào số nhà thơ cuối thế kỷ XIX. Sống giữa buổi giao thời đầy nhố nhăng, giá trị đảo lộn, nhà thơ đã đem tiếng cười chế nhạo mọi hiện tượng chướng tai gai mắt đương thời. Ông xứng đáng được gọi là nhà thơ trào phúng lớn. Song không chỉ có thế – Xuân Diệu từng đặt lại vấn đề, nhấn mạnh tính chất trữ tình trong thơ ông. Nhưng xét về phương diện ý thức cá nhân, tiếng cười Tú Xương có một ý nghĩa mới : tiếng cười giải thoát.

Cuộc đời Tú Xương lận đận về danh vọng, không tự khẳng định được mình bằng thi cử, cảm thấy thua lép chúng bạn (“Thua mãi anh em cánh Bắc Kỳ” – Buồn thi

hỏng). Đã không làm được quan cho vẻ vang dòng họ và nuôi sống gia đình, lại

còn thích ăn chơi: cao lâu, cô đầu, ăn diện thanh lịch, chẳng ra quan, chẳng ra dân, túng thiếu thường xuyên. Tự cảm thấy không phải với vợ và với chính mình, nhà thơ đã dùng tiếng cười tự trào để giải thoát cho mình, tự khẳng định nhân cách mình, tạo thành một thế cân bằng mới. Tú Xương đi ngược lại truyền thống thơ ngôn chí, là thơ làm ra để tự khẳng định cái chí hướng, lý tưởng của mình. ở thời Tú Xương, cái chí cũ đã mất thiêng mà cái chí mớichưa rõ. Chí hướng lại cũng không có điều kiện thực hiện, cho nên “Cứ vui tràn khi hát khi ngâm” (Bần nhi lạc).

Đặc điểm tiếng cười của Tú Xương là: 1. Không mang tính thuần tuý đạo đức, ý thức hệ, mà mang tính chất hài hước, sinh hoạt, cười vui; 2. Có tính chất khá phổ biến: vừa cười người, vừa cười mình, không tự đặt mình ra ngoài đối tượng của tiếng cười; 3. Có tính chất lưỡng tính: vừa phủ định, vừa khẳng định. Chẳng hạn bài Tự cười mình:

Phố hàng Nâu có phỗng sành, Mắt thời thao láo, mặt thời xanh. Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó, Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh ! Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ, Rượu chè trai gái đủ tam khoanh. Thế mà vẫn nghĩ rằng ta giỏi, Cứ việc ăn chơi, chẳng học hành.

Rõ ràng nhà thơ tự giễu mình, vẽ ra toàn là các tật xấu của mình : nịnh vợ, khinh đời, bài bạc, ruợu chè, trai gái, không học hành. Nhưng đồng thời xét trên một ý nghĩa nào đó, đấy không phải là các tật hoàn toàn xấu cả, hoặc thậm chí không lấy gì làm xấu như nịnh vợ, khinh đời. Bài bạc, rượu chè, trai gái đã hẳn là không hay, nhưng đó là cuộc sống ngoài quyền môn, không luồn cúi, tự do.

Bài Ba cái lăng nhăng cũng là tiếng cười lưỡng tính như thế :

Một trà, một rượu, một đàn bà, Ba cái lăng nhăng nó quấy ta. Chừa được cái gì hay cái nấy, Có chăng chừa rượu với chưa trà.

“Ba cái lăng nhăng”, cái “quấy” xem ra rất có hại, phải phủ định, nhưng quả thực cũng không dễ phủ định được cái nào !

Bài Hỏng khoa Canh Tý (1900), ông viết :

Có một thầy,

Dốt chẳng dốt nào, Chữ hay chữ lỏng.

Nghiện chè, nghiện rượu, nghiện cả cao lâu ; Hay hát, hay chơi, hay nghề xuống lõng.

Quanh năm phong vận, áo hàng Tầu, khăn nhiễu trơn,ô lục soạn xanh ; Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng.

Giá cứ chăm nghề đèn sách, thì mười lăm mười sáu đỗ tự bao giờ, Chỉ vì quen lối thị thành, nên một tuổi một già, hoá ra lóng dóng. Tú rớt bảng giữa năm Giáp Ngọ, nổi tiếng tài hoa,

Con nhà nghề bỏ đất Vị Xuyên, ăn phần cảnh nọng.

Giọng văn rõ là chế giễu, nhưng không chỉ giễu mà còn khoe, trong cái không hay vẫn có cái gì khả thủ. Đó là tiếng cười lưỡng tính, vừa phủ định, vừa khẳng định. Nhà thơ mở ra một phạm vi mới trong cuộc sống tự do cá nhân mà chỉ thật sự đáng chê khi đi quá giới hạn. Con người nhà thơ như sống trên đường biên của cái khuôn phép và phi khuôn phép. Ông dùng tiếng cười để níu cái ngoài khuôn phép, để nó không được đi quá xa. Còn lập trường đạo đức của Tú Xương rất rõ : ông yêu nước, thương người, ghét vô luân giả dối, nịnh bợ, nhưng không vì thế mà trói buộc con người cá nhân vào các khuôn thước cũ kỹ. Chính vì vậy mà thơ Tú Xương có một giọng ngông, dám nói toạc những điều mà người đời không dám nói.

Một phần của tài liệu Chuyên đề con người cá nhân trong văn học trung đại việt nam thế kỉ XVIII XIX qua một số tác giả và tác phẩm thơ tiêu biểu trong chương trình ngữ văn 11 (Trang 28 - 29)