2.4.1 Tích cực
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của Sở Tài Nguyên & Môi Trường và các ban, ngành trong tỉnh, công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã đạt được những kết quả tích cực:
+ Các phương tiện chuyên dụng dùng để thu gom rác thải như các xe tải chở rác, xe gom rác,.. dần được cải thiện, số lượng các phương tiện tăng liên tục qua các năm.
+Tỉ lệ chất thải rắn được thu gom, vận chuyển và đem đi xử lý đã tăng lên đáng kể qua các năm.
+Các nhà máy, khu xử lý rác đang được đầu tư xây dựng để phục vụ công tác xử lý CTR, điển hình là Dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T vừa được đồng ý phê duyệt.
+CSHT phục vụ cho công tác QLCTRSH như: trạm trung chuyển, bãi chôn lấp,... đã và đang được nâng cấp, cải thiện.
+Ô nhiễm môi trường do CTRSH đã giảm đáng kể trong những năm qua, không còn tồn tại các điểm nóng về ô nhiễm.
+Các hoạt động về TC-TSD chất thải rắn đã được phát động ở hầu hết các địa bàn trong thành phố như phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Tái chế nhựa phế liệu”,....
+Công tác tuyên truyền, giáo dục đã được đẩy mạnh trong các năm qua. Phần lớn người dân đã được tuyên truyền về các quy định, cách phân loại rác thải.
+Ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, người dân trên địa bàn dần hình thành những thói quen tốt, thân thiện với môi trường như: hạn chế xả rác ra bên ngoài môi trường, đổ rác đúng giờ, học cách phân loại rác,...
+Đội ngũ cán bộ, công nhân viên căn bản đã được đào tạo, nâng cao về cả chuyên môn và tinh thần –trách nhiệm.
2.4.2 Hạn chế
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác QLCTRSH tại Thái Nguyên vẫn còn tồn tại những vấn đề sau:
+CTRSH chưa được thu gom triệt để. Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh rất lớn nhưng tỷ lệ thu gom rác thải vẫn còn khá thấp, đặc biệt là khu vực nông thôn, các vùng chưa phát triển. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, ít có dịch vụ thu gom ở các vùng nông thôn
+Mặc dù công tác phân loại tại nguồn đã triển khai thí điểm ở một số phường trung tâm TP. Thái Nguyên, tuy nhiên, hiệu quả mới chỉ dừng ở việc phân loại tại các hộ gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là do phương tiện thu gom, vận chuyển còn hạn chế, chưa có xe chuyên dụng cho từng loại rác thải đã được phân loại; đồng thời, tỉnh chưa có quy định, chế tài cụ thể cho việc đầu tư công trình, thiết bị thu gom đảm bảo việc phân loại được duy trì từ nguồn thải đến khu vực xử lý.
+Ngoài những phường được tiến hành thí điểm chương trình phân loại rác thải thì hầu hết rác thải thu gom hầu hết được không phân loại và được vận chuyển lẫn với nhau.
+Nguồn kinh phí dành cho công tác QLCTRSH còn hạn hẹp. Một số địa phương chưa được đầu tư CSHT nên hạn chế khả năng thu gom, vận chuyển rác thải đi xử lý; do thiếu nguồn lực tài chính nên chỉ phục vụ được khu vực nội thị, còn các vùng sâu, vùng xa thiếu phương tiện thu gom rác...
+Nhận thức về BVMT của cộng đồng còn chưa cao. Một bộ phận dân cư chưa có trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh chung: Không phải tất cả các hộ dân đều tự giác đóng phí thu gom rác, việc thu phí vệ sinh từ nhân dân gặp nhiều khó khăn; hoạt động thu gom rác thường diễn ra vào chiều muộn các gia đình ăn tối hoặc bận việc không mang rác ra để thu gom; vẫn còn xuất hiện hiện tượng chất thải bỏ lại trên đường phố và vương vãi trên vỉa hè.
+Rác thải thu gom được xử lý bằng phương pháp chôn lấp không có kiểm soát. Chất thải đem chôn lấp chưa được xác định nguồn gốc. Bãi rác không có lớp chống thấm đạt yêu cầu, vận hành không đúng kỹ thuật, không xử lý nước rác cũng như không có các phương tiện quan trắc môi trường...
+Chưa có quy định gắn trách nhiệm của người phát thải với công tác quản lý chất thải rắn. Chưa chuyển đổi công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR thành dịch vụ công ích nên còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện và quyết toán. Chưa đầu tư đồng bộ cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
+Chưa xã hội hoá trong công tác QLCTRSH: Ngoài bộ phận Vệ sinh môi trường đô thị là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và chôn lấp chất thải rắn của mỗi địa phương, hiện nay chưa có tổ chức nào khác tham gia công tác quản lý chất thải rắn. Người phát sinh chất thải rắn chưa tự nguyện đóng phí cho nên việc lấy thu để bù đắp cho chi phí trong công tác quản lý chất thải rắn gặp nhiều khó khăn.
+Năng lực QLCTRSH còn hạn chế: Do thiếu kinh phí, kỹ thuật cũng như về nhân lực, chưa đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết về BVMT.
+Hầu hết điểm đổ rác trên địa bàn tỉnh đều không có biện pháp xử HVS. Chủ yếu là phương pháp đốt thủ công kết hợp với chôn lấp.
+Công nghệ tái sử dụng, tái chế nhằm hạn chế chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chưa được áp dụng rộng rãi, chủ yếu diễn ra một cách tự phát.
+Do đặc điểm phân bố dân cư, nên mỗi thôn hầu như đều có một bãi CTRSH hoặc khu đổ thải riêng, phục vụ cho việc xử lý CTRSH tại cấp thôn. Hiện nay, chưa có mô hình thu gom, vận chuyển liên thôn, liên xã.
+Chưa xây dựng được quy hoạch quản lý chất thải rắn, cơ chế quản lý và các chính sách hỗ trợ cho công tác QLCTRSH.