3.3.2.1. Thực hiện kế hoạch hoá phát triển nguồn nhân lực
• Tập trung hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nguồn nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới các chính sách, cơ chế, công cụ phát triển và quản lý nguồn nhân lực bao gồm các nội dung về môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh sống, định cư, chú ý các chính sách đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao, nhân tài.
• Bảo đảm nguồn lực tài chính. Phân bổ và sử dụng hợp lý Ngân sách Nhà nước dành cho phát triển nhân lực quốc gia đến năm 2025. Cần xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đào tạo theo mục tiêu ưu tiên và thực hiện công bằng xã hội. Đẩy mạnh xã hội hoá để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực. Nhà nước có cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực bằng các hình thức: (i) Trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở y tế, văn hoá, thể dục thể thao; (ii) Hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, huy động, phát huy vai trò, đóng góp của doanh nghiệp đối với sự phát triển nhân lực; (iii) Đẩy mạnh và tạo cơ chế phù hợp để thu hút các nguồn vốn nước ngoài cho phát triển nhân lực Việt Nam. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của nước ngoài hỗ trợ phát triển nhân lực (ODA); (iv) Thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) của nước ngoài cho phát triển nhân lực (đầu tư trực tiếp xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo, bệnh viện, trung tâm thể thao..)
3.3.2.2. Nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, sử dụng nhân lực
Phải xây dựng được cơ chế quản lý và sử dụng sao cho người lao động có động lực yên tâm công tác, phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân. Cụ thể, phải xây dựng tốt các chính sách sau:
• Chính sách trọng dụng nhân tài là một chính sách rất cơ bản. Nhân tài chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dân cư của các quốc gia - vào khoảng 2-3%. Nếu số nhân tài nhỏ bé này không được trọng dụng, thì sẽ không có nhân tài quản lý 31 sử dụng đông đảo những người lao động còn lại. Điều đáng nói là, chính sách nhân tài phải có tính cạnh tranh cao với các quốc gia khác về các mặt đãi ngộ, tạo điều kiện làm việc, giao cho họ những trọng trách xứng với tài năng… Thị trường nhân tài là thị trường hiện đang được quốc tế hóa mạnh nhất. Do vậy quốc gia nào có cơ chế chính sách tốt sẽ thu hút được nhân tài và ngược lại.
• Chính sách lương bổng cũng cần được chú ý. Trong khi tại Việt Nam, những chính sách này không được chú trọng. Chính vì thế, tình trạng chảy máu chất xám là khá phổ biến.
• Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; thực hiện các chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
• Chính sách thu hút người tài về nông thôn để phát triển nông thôn, nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Hiện nay, nhiều địa phương đã có chính sách này với các hình thức đãi ngộ bằng tiền, bằng hiện vật. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là sau những rầm rộ với bản thành tích dài dặc vì đã chào đón, thu hút được bao nhiêu người tài về địa phương xây dựng nông thôn, thì sự việc lại rơi vào quên lãng. Bởi, các địa phương sau khi thu hút người tài về không biết sắp xếp công việc ra sao? Hoặc bản thân những người được thu hút về “chán nản bỏ đi” sau một thời gian ngắn sống và làm việc trong không khí bon chen, xét nét và bị cô lập. Nguyên nhân là do họ không được quyền chủ động, không thể được đứng ngay ở vị trí cao, mà dưới quyền người “kém hơn mình một cái đầu”, thì mọi sự sáng tạo cũng không thể được chào đón. Bên cạnh đó, để cân đối nguồn lao động giữa thành thị và nông thôn, cần phải có chính sách hợp lý đối với lao động nhập cư vào các thành phố, các chế độ an sinh xã hội phù hợp với xu hướng đô thị hóa đang gia tăng ở Việt Nam.
3.3.2.3. Nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm
- Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật về lao động việc làm. Cung cấp đầy đủ và phổ biến rộng rãi thông tin, số liệu về thị trường lao động dưới nhiều hình thức đa dạng như: cổng thông tin điện tử về việc làm, bản tin, website, các phương tiện thông tin đại chúng... đến người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương nhằm phục vụ các giao dịch việc làm thuận lợi, tạo cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao hiệu quả hoạch định các chính sách phát triển thị trường lao động.
- Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các Sàn giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn Thành phố tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động tra cứu, kết nối thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lao động đã được thu thập, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động trên địa bàn Thành phố.
- Ứng dụng công nghệ thông tin tăng hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành hệ thống Sàn giao dịch việc làm, phát triển Website “vieclamhanoi.net” thành Cổng thông tin điện tử về lao động việc làm Thành phố.
- Đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa các dịch vụ cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Cập nhật và nắm bắt đầy đủ tình hình biến động về lao động tại các doanh nghiệp để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, gắn kết hoạt động thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với giao dịch việc làm nhằm nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động.
- Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực Thủ đô; Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động trên địa bàn Thành phố; mạng lưới thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động từ Thành phố tới địa phương thông qua các hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm; hệ thống báo cáo thị trường lao động như: Bản tin cập nhật thị trường lao động hàng quý và Báo cáo thường niên về xu hướng Việc làm - Dạy nghề, các ngành nghề phát triển thu hút nguồn nhân lực tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm hỗ trợ tối đa cho các đối tượng tham gia vào thị trường lao động; Tiếp tục thực hiện thu thập thông tin biến động Cung - Cầu lao động trên địa bàn Thành phố theo Thông tư số 27/TT-BLĐTBXH ngày 24/7/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động sau khi cập nhật để phục vụ công tác phân tích, dự báo thị trường lao động trên địa bàn, hỗ trợ các quận, huyện, thị xã trong việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu Cung - Cầu lao động.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành công nghiệp: Phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình, Đề án lĩnh vực công nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư các dự án vào các khu công nghiệp. Thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
- Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả, bền vững.
- Triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục hành chính, dịch vụ công, lãi suất vốn vay, thủ tục hoàn thuế, giải pháp mặt bằng, đấu thầu, ...
- Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016 - 2020; phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
- Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các doanh nghiệp, các ngành, địa phương trong nước và các quốc gia có tiềm năng hợp tác phát triển du lịch. Xây dựng các tuyến, tour du lịch kết nối Hà Nội với các nước trong khu vực và thế giới; tuyến, tour du lịch Hà Nội với các địa phương trong nước và các tuyến, tour du lịch trong Hà Nội.
KẾT LUẬN
Dân số là vấn đề cần quan tâm hang đầu của mỗi quốc gia bởi người dân là động lực của quá trình phát triển kinh tế và là mục đích phát triển của xã hội. Dân
cư vừa là đầu vào, vừa là đầu ra trong toàn bộ quá trình sản xuất xã hội. Sự phát triển của dân số đem lại nguồn cung lao động dồi dào cho nền kinh tế đồng thời cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm, là thị trường tiêu thụ sản phẩm của nền kinh tế.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Đô thị hóa kéo theo sự mở rộng về diện tích hành chính cũng như tăng trưởng về dân số ở các đô thị. Đặc biệt, với Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, nơi tập trung đông dân cư và thu hút nhiều lao động từ các nơi khác đến thì sự mở rộng quy mô dân số tất yếu diễn ra mạnh mẽ, thậm chí gây quá tải dân số đô thị. Nhằm giải quyết và giảm thiểu tình trạng này, chính quyền thành phố Hà Nội đã có những giải pháp giúp tăng cường quản lý dân số, lao động, việc làm trên địa bàn để giảm thiểu tình trạng quá tải mật độ dân số , giúp quá trình giải nén được diễn ra nhanh chóng, giúp nền kinh tế Thành phố Hà Nội nói riêng cũng như nền kinh tế cả nước nói chung có những bước tiến vượt bậc về kinh tế- chính trị- xã hội.