II. NHỮNG ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC
2. Những đổi mới quản lý công chức từ năm 2008 đến nay
2.2. Đổi mới về quản lý biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm
định vị trí việc làm
Biên chế là số lượng người làm việc trong mỗi cơ quan, tổ chức. Thời gian trước đây, việc quản lý biên chế vẫn còn mang những dấu ấn của cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định việc quản lý công chức dựa trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm và từ đó mới xác định biên chế - số lượng người làm việc trong từng cơ quan, tổ chức. Để thực hiện việc đổi mới quản lý biên chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2010/NĐ- CP ngày 8-3-2010 về quản lý biên chế công chức quy định rất rõ biên chế công chức luôn phải dựa trên cơ sở xác định vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức (hiện nay Nghị định này đang được nghiên cứu sửa đổi để bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý biên chế). Ngoài ra, còn phải tính đến các nhân tố ảnh hưởng khác.
Theo đó, việc quản lý biên chế công chức phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quản lý biên chế công chức với tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
- Kết hợp giữa quản lý biên chế công chức với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của công chức.
- Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm biên chế công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý biên chế công chức.
Với các nguyên tắc trên, việc xác định biên chế công chức trong từng cơ quan, đơn vị phải dựa đầu tiên và trước hết vào vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền quy định. Để xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, ngày 22/4/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2013/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Theo Nghị định số 36/2013/NĐ-CP, việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức
bao gồm những bước sau:
Bước 1 - Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bước 2 - Phân nhóm công việc.
Bước 3 - Xác định các yếu tố ảnh hưởng. Bước 4 - Thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức.
Bước 5 - Xác định danh mục vị trí việc làm và phân loại các vị trí việc làm cần có để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.
Bước 6 - Xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm.
Bước 7 - Xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm.
Bước 7 - Xác định ngạch công chức tương ứng. Để triển khai thực hiện tốt việc xác định vị trí việc làm theo Nghị định 36/2013/NĐ- CP, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2014/TT-BNV hướng dẫn thực hiện.
Ngoài ra, việc xác định biên chế công chức còn phải căn cứ vào các yếu tố khác như tính chất, đặc điểm, mức độ phức tạp và quy mô, phạm vi, đối tượng quản lý của ngành, lĩnh vực; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của luật chuyên ngành; mức độ hiện đại hoá công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; thực tế tình hình quản lý biên chế công chức được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, việc xác định biên chế công chức còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Năm 2014, để quản lý chặt chẽ biên chế trong cả hệ thống chính trị, Bộ Chính trị đã thành lập Ban chỉ đạo quản lý thống nhất biên chế, trong đó Ban Tổ chức Trung ương Đảng là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo.