KINHDOANH THIẾT BỊ CÔNG NGHIỆP PHƯƠNG DŨNG 3.1 Một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thắng thầu tại Công ty Cổ phần
3.2. Đánh giá quá trình thực tập
3.2.1. Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực tập
3.2.1.1. Thuận lợi
- Được sự hướng dẫn tận tình của người hướng dẫn và các anh chị có kinh nghiệm tại Công ty.
- Do số lượng nhân viên trong văn phòng em thực tập không nhiều nên mọi người khá thoải mái, gần gũi, tận tình chỉ bảo công việc cho em khi có vướng mắc.
- Được Công ty tạo điều kiện tốt nhất trong suốt quá trình thực tập, được cử đến Phòng Kinh doanh Xuất nhập khẩu, phù hợp với chuyên ngành nên em có cơ hội vận dụng các kiến thức kĩ năng đã được học trong suốt quá trình thực tập.
- Cơ sở vật chất Công ty khá đầy đủ, hiện đại, có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc năng động.
3.2.1.2. Khó khăn
Kiến thức áp dụng vào công việc thực tế khác so với lý thuyết trên trường, bên cạnh những kiến thức có thể vận dụng trong công việc như Incoterms, viết thư hỏi hàng,… một số lý thuyết ví dụ như các thủ tục khai báo Hải quan, mẫu chứng từ Invoice không giống hoàn toàn so với kiến thức trong giáo trình.
Môi trường làm việc thực tế yêu cầu rất nhiều các kỹ năng mềm như: xử lí tình huống, làm thế nào để đàm phán vừa thân mật vừa lịch sự mà có hiệu quả với đối tác, … Do đó, trong tuần đầu tiên, em thấy khá bỡ ngỡ, bản thân vẫn chưa thật sự chủ động trong công việc, chưa quen với nhịp làm việc của Công ty.
Do đặc thù của Công ty chuyên cung cấp, nhập khẩu các hàng hóa máy móc thiết bị từ các bạn hàng, nhà máy Trung Quốc nên ngôn ngữ trong hợp đồng được dịch chủ yếu sang tiếng Trung, điều này gây khó khăn cho em trong quá trình làm việc và nghiên cứu các bộ hồ sơ tài liệu do em không hiểu ngôn ngữ này.
3.2.2. Bài học rút ra sau quá trình thực tập
3.2.2.1. Thái độ làm việc
Thái độ trong quá trình làm việc: Việc tự giác và giữ thái độ nghiêm túc với công việc, đi làm đúng giờ giấc là điều rất quan trọng. Ngoài ra, cần phải bày tỏ tinh thần ham học hỏi, chủ động để có thể học được nhiều hơn nữa cũng như gây được ấn tượng tốt với Công ty.
Thái độ với các nhân viên khác trong Công ty: Điều này không chỉ thể hiện trong việc lễ phép chào hỏi, giao tiếp mà còn thể hiện thông qua mức độ tương tác với các thành viên khác trong cùng Công ty, đặc biệt là trong cùng phòng ban. Xuất phát từ tâm lý e ngại và lo sợ, ban đầu, em phần lớn chỉ tập trung giao tiếp với người hướng dẫn trực tiếp của mình mà ít, thậm chí là không dám trao đổi hay hỏi đáp thông tin với các nhân viên khác. Điều này là không nên bởi nó sẽ gây cản trở trong việc mở rộng và xây dựng thêm những mối quan hệ sau này. Ngoài ra, người hướng dẫn trực tiếp không phải là người biết tất cả và, nên việc e ngại, rụt rè không dám hỏi các nhân viên khác sẽ làm mất đi cơ hội học hỏi điều mới.
3.2.2.2. Trau dồi các kỹ năng
Trong quá trình làm việc, em không chỉ tiếp xúc với nhân viên trong Công ty mà còn phải trao đổi, hỏi hàng đối tác, gửi email tới khách hàng. Những công việc này đòi hỏi bên cạnh kiến thức chuyên môn, em cần trang bị các kĩ năng mềm khác như kĩ năng giao tiếp, đàm phán, xử lý tình huống,… Những kỹ năng này thực sự rất quan trọng vì nó quyết định một phần không nhỏ đến mức độ thành công của công việc.
3.2.2.3. Tầm quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ trong kinh doanh
Từ những trải nghiệm thực tế tại Công ty, em đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng và kinh doanh nói chung. Trong bất kì công việc nào, từ giai đoạn tìm kiếm hồ sơ mời thầu đến giai đoạn kí kết hợp đồng, làm thủ tục khai Hải quan,… việc tận dụng các mối quan hệ trong kinh doanh sẽ giúp tiến độ công việc được đẩy nhanh và hiệu quả hơn nhiều lần. Bài học rút ra là phải luôn luôn chủ động, nhanh nhẹn nắm bắt tâm lý, biết cách cư xử với đối tác, thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp và nhiệt tình giúp đỡ mọi người xung quanh.
3.2.2.4. Khả năng ngoại ngữ
Sau thời gian làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Thiết bị Công nghiệp Phương Dũng - một Công ty chuyên về Xuất nhập khẩu, một lần nữa em nhận ra được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, nhất là trong chuyên ngành này. Hiện nay các Công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng tăng cường hợp tác với các nước lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài Tiếng Anh là ngoại ngữ thông dụng, học và hiểu thêm một ngoại ngữ thứ hai sẽ giúp em gia tăng khả năng hiểu biết và cơ hội việc làm trong tương lai nên trong thời gian tới, em sẽ đầu tư thời gian học thêm một ngoại ngữ nữa – tiếng Hàn hoặc tiếng Trung bên và không quên hoàn thiện kĩ năng giao tiếp Tiếng Anh của bản thân.
Nhìn chung, những công việc được giao trong thời gian thực tập đã giúp em tích lũy được rất nhiều bài học, kinh nghiệm làm việc. Được làm việc trong môi trường thực tế, được trao cơ hội để áp dụng những kiến thức đã học vào công việc và đặc biệt, với sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm, em đã nhanh chóng nhận ra những hạn chế của bản thân và hoàn thiện kiến thức cũng như kỹ năng làm việc trong lĩnh vực Xuất Nhập Khẩu. So với mục tiêu ban đầu, em đã thu hoạch được nhiều hơn những gì mình đã vạch ra trước đó.
KẾT LUẬN
Trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Thiết bị Công nghiệp Phương Dũng đã và đang ngày càng phát triển, nỗ lực vươn tới một chỗ đứng nhất định trong ngành phân phối thiết bị công nghiệp tại Việt Nam. Bài báo cáo thực tập là kết quả của quá trình trực tập giữa khóa của cá nhân em qua những tài liệu thu thập được cùng những trải nghiệm thực tế tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Thiết bị Công nghiệp Phương Dũng. Qua quá trình tìm hiểu công tác đấu thầu tại Công ty, em đã phân tích và đóng góp một số đề xuất nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác đấu thầu tại Công ty, với mục đích nâng cao khả năng trúng thầu từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty. Em mong rằng những ý kiến đóng góp của mình được xem xét, ghi nhận đồng thời cũng hy vọng với những nỗ lực và khả năng của mình, Công ty sẽ không ngừng phát triển lớn mạnh, đóng góp hơn nữa vào tiến trình phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Để hoàn thiện bản báo cáo này, một lần nữa em xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hải, giảng viên hướng dẫn trực tiếp của đề tài và các anh chị Phòng Kinh doanh Xuất nhập khẩu nói riêng – đặc biệt là anh Vũ Công Hào cùng toàn thể Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Thiết bị Công nghiệp Phương Dũng đã luôn hướng dẫn nhiệt tình, giúp đỡ em hoàn thành bản báo cáo này.
Em rất mong nhận được những phản hồi và sự góp ý của cô để bản báo cáo được hoàn thiện hơn!